Cập nhật: 20/11/2016 09:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày này, không chỉ các hộ trồng cây thanh long ruột đỏ ở các xã: Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ mà cả huyện Lập Thạch đều vui mừng, phấn khởi đón nhận sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học công nghệ) cấp bằng công nhận thương hiệu. Đây là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt được thương hiệu này.

Hộ ông Nguyễn Đình Long, xã Vân Trục (Lập Thạch) trồng 700 cây thanh long ruột đỏ cho thu lãi 600 triệu đồng/năm

Về xã Vân Trục (Lập Thạch), đi dọc hai bên đường là những vườn, đồi được phủ kín một màu xanh của thanh long ruột đỏ. Ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch Hội thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch một trong 5 hộ đầu tiên của xã đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng cho biết: Qua nhiều năm trồng cây bạch đàn không hiệu quả. Tình cờ, xem Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu hiệu quả kinh tế của cây thanh long ruột đỏ, ông liên tưởng ngay đến việc trồng thử tại gia đình. Nghĩ là làm, năm 2007, ông về tận trường Đại học nông nghiệp I mua giống về trồng thử. Sau hơn 1 năm trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, cây thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên; ông phấn khởi mời bà con ăn thử và đều được khen là ngon và ngọt hơn giống thanh long ruột trắng. Từ 500 trụ, sau 8 năm, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Long lên tới 7.000 trụ. Chỉ tính riêng năm 2014, cho gia đình ông thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Theo ông Long, cây thanh long ruột đỏ được trồng ở Lập Thạch có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng ở nơi khác. Đây là cây thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn tốt và phát triển trên các vùng đồi khô cằn; quy trình trồng, chăm sóc tương đối đơn giản. Thời gian cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Khi quả chín có thể để được trên cây khoảng 20 ngày và sau khi thu hái cũng để được từ 20-25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nhiều hộ ở huyện Lập Thạch đã mở rộng quy mô diện tích và trở thành cây trồng chủ lực, giúp nông dân làm giàu.

Nhận thấy hiệu quả, giá trị kinh tế từ việc trồng cây thanh long ruột đỏ, năm 2010, UBND huyện Lập Thạch đã xây dựng dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ giai đoạn 2011-2013 với diện tích 100ha tại 3 xã: Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ và được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trên cơ sở mục tiêu của dự án, Ban quản lý dự án huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP; thăm quan mô hình, trao đổi học hỏi kinh nghiệm thực tế giữa các hộ; lựa chọn cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình chất lượng; đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ tại các hội chợ, trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu, thử nghiệm quy trình chuẩn về bón phân; phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản phân tích, đánh giá, hàm lượng các chất vi lượng, đa lượng có trong quả thanh long phục vụ cho việc xây dựng logo và cấp chứng nhận VietGAP, mã số, mã vạch cho sản phẩm; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường.

Sau 3 năm triển khai, đến nay, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch khoảng 125ha. Trong đó xã Vân Trục: 65ha với 265 hộ; xã Xuân Hòa: 35ha với 157 hộ; Ngọc Mỹ: 25ha với 74 hộ. Theo tính toán của các hộ trồng thanh long ruột đỏ, trung bình mỗi trụ cho từ 10-15kg quả/năm với giá bán tại vườn từ 35-40.000 nghìn đồng/kg, nếu trồng 1ha, tương đương với 1.000 trụ, trừ chi phí cho thu lãi 300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, thu nhập từ bán hom giống cũng mang lại hiệu quả cho các hộ; không chỉ vậy, nhiều hộ còn nhạy bén nắm bắt thị trường đưa thanh long ruột đỏ ra các tỉnh: Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh…cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2013, tổng doanh thu từ cây thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch đạt 12 tỷ đồng; riêng xã Vân Trục đạt 10 tỷ đồng. Sơ bộ hạch toán và so sánh giá trị kinh tế với một số cây trồng khác cho thấy: Cây thanh long ruột đỏ cho thu lãi từ 250-300 triệu đồng/1ha/năm; cây sắn thu lãi từ 19-22 triệu đồng/1ha/năm; cây bạch đàn nguyên liệu từ 13-15 triệu đồng/1ha/năm.

Ông Hà Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch cho biết: Với lợi ích, hiệu quả cây thanh long ruột đỏ mang lại, thời gian qua, bên cạnh việc thành lập Hội sản xuất thanh long ruột đỏ, huyện đã cùng với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Khoa học công nghệ tiến hành các thủ tục nhằm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu sản phẩm thanh long ruột đỏ. Qua 2 năm thực hiện, tháng 12-2014, sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp bằng công nhận. Để duy trì, phát triển thương hiệu thanh long ruột đỏ Lập Thạch, thời gian tới, huyện chỉ đạo UBND các xã nằm trong vùng dự án phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng tiến bộ KHKT, nhất là sản xuất sản phẩm thanh long ruột đỏ an toàn để cung cấp cho thị trường, đảm bảo độ đồng đều về quả cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đơn vị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, đưa sản phẩm ra các tỉnh. Huyện cũng có buổi làm việc với các đơn vị có chức năng xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang một số thị trường: Nhật Bản, Mỹ để xúc tiến thương mại, tiến tới đầu tư ký kết sản phẩm theo hướng xuất khẩu…góp phần nâng cao giá trị sản xuất và đời sống của người dân, phục vụ đắc lực chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

ST

Tệp đính kèm