Cập nhật: 18/11/2016 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngay tại trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên khi về công tác ở xã đảo cũng gặp nhiều khó khăn.

Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, cô giáo Quảng Thị Thúy Ngân từ nhỏ từng phải thay ba mẹ chăm sóc cho các em của mình. Lớn hơn chút nữa, cô giáo trẻ sinh năm 1991 này còn thích trông cả trẻ em trong xóm nghèo, bằng cách tập hợp các em nhỏ lại để chơi trò dạy học.

Tình cảm dành cho các em nhỏ và ước mơ được làm cô giáo đã được nhen nhóm từ đấy. Để hiện thực hóa ước mơ dạy trẻ, học xong lớp 12, Ngân đã đăng ký thi và học hệ Trung cấp Mầm non của Đại học Sài Gòn. Rồi Ngân ra trường và về lại xã đảo nghèo của mình để làm việc. Đến nay, gần 5 năm Ngân gắn bó với nghề trông trẻ ngay tại chính nơi mình sinh ra và lớn lên.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Cúc, một đồng nghiệp của cô giáo Ngân nhận xét: “Ngân nhiệt tình lắm, với nghề, Ngân rất tận tâm, thường giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc. Ngân rất thích trẻ con, trong lớp cứ ôm học trò, khi các em khóc Ngân cứ cố gắng ôm vào lòng dỗ nín. Lúc trước ở đây toàn người chỗ khác đến, người ta dạy một thời gian rồi người ta chuyển đi. Ở đây bị thiếu thốn rất nhiều, dù quê còn nghèo, nhưng những người trẻ như Ngân vẫn về đây giúp cho xã đảo”

Ngân chia sẻ: Khi được nhận quyết định về dạy học tại trường, Ngân rất xúc động và chỉ muốn lên lớp ngay lập tức. Giây phút hạnh phúc đó có đã theo Ngân đến tận hôm nay. Những ngày đầu đến lớp, cô giáo trẻ cũng không khỏi lúng túng trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Lớp có 20 trẻ nhỏ, nhiều em quấy khóc dỗ mãi không chịu nín khiến đôi lần cô giáo trẻ khóc theo vì bất lực.

Dần dà, Ngân tìm ra cách dỗ trẻ hiệu quả. Trường ở đảo ít đồ chơi, Ngân tự mày mò làm đồ chơi và sáng tạo ra trò chơi cho trẻ. Thương các em ít được cha mẹ dành thời gian chăm sóc vì phải lo kiếm sống, Ngân đến lớp sớm và rời lớp muộn để chăm các em được nhiều hơn, trò chuyện, hỏi han để tập nói cho các em quá nhỏ.

Ngân kể: “Khó khăn nhất là đi lại khi muốn vào đất liền. Hoặc như khi muốn ăn món ngon như trong đất liền cũng khó, muốn mặc đồ đẹp cũng khó vì ở đây không ai bán. Khi bão hoặc áp thấp tàu không chạy được, người dân ở đây bị cô lập với đất liền, người dân chỉ có thể ăn cá khô dự trữ”.

Gần đây, trường Mầm non xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ được thành phố đầu tư xây mới, khang trang hơn, điều kiện chăm sóc cho trẻ tốt hơn. Nhưng khó khăn thì vẫn còn rất nhiều. Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm, Hiệu trưởng trường Mầm non Thạnh An, giáo viên mầm non bên cạnh việc tận tâm, yêu nghề, yêu trẻ, thì việc khắc phục những khó khăn trở ngại trước mắt để tiếp tục gắn bó với nghề là điều rất quan trọng. Những điều này đồng nghiệp nhìn thấy ở cô Ngân.

Cô Bích Thắm nói: “Em Ngân là Bí thư Chi đoàn trường, rất năng nổ trong hoạt động của nhà trường, hòa đồng với đồng nghiệp, hòa đồng hỗ trợ, giúp đỡ một số giáo viên mới ra trường. Em Ngân rất muốn về chính quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên để chăm sóc, giáo dục các em nhỏ. Đó là điều làm tôi thấy rất tích cực, giúp đỡ cho xã hội, đặc biệt là cho xã đảo Thạnh An”.

Với cô giáo Quảng Thị Thúy Ngân, mỗi ngày, được gần gũi, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em nhỏ nơi xã đảo là động lực lớn nhất để Ngân vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ vì thế, Ngân chưa từng có ý định chuyển công tác, dù đã vài lần có cơ hội việc làm tốt hơn trong đất liền. Để dạy dỗ các em tốt hơn, Ngân đã vừa làm vừa học và tốt nghiệp hệ Cử nhân Mầm non của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngân nói: “Nếu cho em cơ hội lần hai em chọn nghề, em vẫn chọn nghề mầm non. Khi thấy ánh mắt hồn nhiên của trẻ, em rất thương trẻ. Em muốn đóng góp hoặc cống hiến hết mình cho người dân xã đảo này”.

Mới đây, Quảng Thị Thúy Ngân là một trong hơn 40 thầy cô giáo trẻ được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ với thầy cô", do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ngân cho biết sẽ tiếp tục dành cả cuộc đời gắn bó với các em nhỏ. Bởi với Ngân, dù khó khăn đến mấy, chỉ cần nhìn vào ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của trẻ sẽ giúp cô vượt qua./.

Theo Ngọc Luân/VOV.VN - TPHCM

Tệp đính kèm