Mùa nước nổi về mang theo các loại đặc sản của vùng sông nước như: Cá linh, cua đồng, lươn đồng, bông điên điển,... Những món đặc sản này như níu chân du khách khi có dịp đến tham quan và thưởng thức các món ăn chỉ có trong mùa nước nổi.
Mùa nước nổi về làm tăng thu nhập cho người sống bằng nghề câu lưới
Về với thiên nhiên
Những ngày cuối tháng 10, nhiều người tìm về với các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa,... để thưởng thức những món chỉ có trong mùa nước nổi. Chị Huỳnh Thị Mỹ Trinh, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Khi được bạn mời về huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An tham quan Làng nổi Tân Lập và nếm thử các món ăn dân dã Đồng Tháp Mười, ấn tượng đặc biệt nhất đối với tôi là tận mắt nhìn thấy cách chế biến các món ăn rất đơn giản: Chỉ cần một bó rơm là có thể nướng chín cả một con cá lóc đồng hoặc bơi xuồng dọc các bờ kênh có thể hái được cả thúng bông điên điển về nấu canh chua với cá linh,... Dịp này, tôi còn được mua cá lóc đồng, cua đồng,... “chính hiệu” về làm quà cho người thân”.
Món cua đồng rang me là đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi
Đến với mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười, mỗi du khách có cách cảm nhận riêng về nét đẹp bình dị từ con người đến món ăn vùng sông nước. Anh Nguyễn Thành Tâm, ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, nhiều lần đến thăm mùa nước nổi ở vùng Đồng Tháp Mười nhưng mỗi lần trong anh lại chất chứa một cảm xúc khác nhau. Anh Tâm bày tỏ: “Năm nào tôi cũng về Đồng Tháp Mười ăn các loại đặc sản. Vậy mà, gần tới mùa nước nổi, tôi lại háo hức. Về đây được hòa mình với thiên nhiên, chèo xuồng hái bông súng, bông điên điển, theo nông dân giăng lưới, đặt lọp,... Những giây phút thư thả này giúp tôi lấy lại cân bằng trong cuộc sống sau nhiều ngày "vùi đầu" vào công việc”.
Cá lóc nướng bằng rơm sẽ cho ra mùi vị đặc trưng
Nguồn lợi thủy sản
Mùa nước nổi không chỉ làm say lòng khách du lịch mà còn tạo việc làm cho nhiều người, nhất là những người sống bằng nghề giăng câu. Anh Bùi Văn Cuối, ở xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng nói: “Tuy mực nước năm nay thấp hơn những năm trước nhưng thủy sản lại bán có giá hơn, nhiều người tìm đến mua và đặt hàng. Tôi hy vọng mùa nước nổi kéo dài để người dân vùng lũ có thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống”.
Bên cạnh những người sống bằng nghề giăng lưới, những quán ăn chế biến các món đồng quê cũng “ăn nên, làm ra”. Chị Lê Thị Trúc Thanh - chủ quán cơm Thanh Hà trên Quốc lộ 62, thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa chia sẻ: “Mùa nước nổi, rất đông khách du lịch từ các tỉnh, thành về thưởng thức các loại đặc sản vùng sông nước. Đa số khách du lịch thường ưa chuộng những món: Canh chua cá linh, cá lóc nướng rơm, cua đồng rang me, ốc hấp tiêu,... Các món ăn có giá bình dân nên phù hợp với nhiều đối tượng”.
Nhiều du khách về Đồng Tháp Mười tìm những món như cua đồng, cá linh, bông điên điển
Ai từng có dịp về Đồng Tháp Mười thưởng thức các món ăn được làm từ đặc sản mùa nước nổi sẽ không sao quên được mùi vị mà ai cũng bảo rằng: “Mùi của chân quê bình dị nhưng không kém phần thanh tao”. Một mùa nước nổi nữa lại về, người vùng lũ lại hy vọng cá, tôm theo con nước tràn về, mang đến nguồn lợi thủy sản, giúp họ có thêm chút thu nhập và cũng tô đẹp thêm bức tranh yên bình của một vùng quê./.
ST