Cập nhật: 19/11/2016 09:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thành Cổ Loa là công trình quân sự độc đáo và hoàn hảo của người Việt cổ. Ngày nay, di tích Cổ Loa còn hấp dẫn du khách bởi câu chuyện tình yêu Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Cổng vào khu di tích Cổ Loa

Khu di tích Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 18 km về phía bắc. Nơi đây từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương (thế kỷ thứ III trước Công nguyên) và của nhà nước Vạn Xuân, thời Ngô Quyền (thế kỷ X sau Công nguyên).

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Từ thời đó, khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng địa hình tự nhiên, tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài. Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, rồi thêm đá và gốm vỡ. Xen giữa đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sạt lở.

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ". Trải qua hàng ngàn năm, ngày nay, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ. Các dấu tích còn lại như đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa mai chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo... tất cả làm nên nghệ thuật kiến trúc và văn hóa đặc sắc thời An Dương Vương.

 

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ".

Theo các nhà khảo cổ, thuở ban đầu, thành Cổ Loa gồm chín vòng hình xoáy trôn ốc (nên còn gọi là Loa thành) , bên ngoài có hào sâu bao bọc. Song, dấu tích còn lại hiện nay chỉ có ba vòng thành: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Cả ba lớp thành được nối liền bằng một cửa lớn gọi là Loa Khẩu ở phía Đông Nam. Ngoài ra, mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài. Hào rộng trung bình từ 10m đến 30m. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Điều đặc biệt của người xưa khi xây dựng thành Cổ Loa là đã tạo nên sự kết hợp khéo léo của sông, hào và tường thành, không mang hình dạng nhất định. Vì vậy, nếu không am tường, những kẻ lạ khi đột nhập vào thành sẽ như đi lạc vào một mê cung. Vì lẽ đó, thành Cổ Loa được đánh giá là một khu quân sự hoàn hảo, vừa thuận lợi khi tấn công, vừa vững chắc khi phòng thủ.

 

Đền thờ An Dương Vương

Ngày nay, dù chỉ với những dấu vết còn sót lại, thành Cổ Loa vẫn là một công trình kiến trúc đặc sắc. Bước qua cổng làng, cũng chính là cổng thành Nội, chúng ta sẽ tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đây là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan hội triều nên trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy". Cạnh đình là Am Bà Chúa tức miếu thờ công chúa Mỵ Châu. Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu, mặc áo gấm màu đỏ, cổ đeo nhiều vòng trang sức. Đó là tượng nàng Mỵ Châu. Trước tượng lúc nào cũng nghi ngút khói hương và những lễ vật của người đời bày tỏ niềm ngưỡng mộ và tiếc thương với người con gái không may mắn, đã trót đem "trái tim lầm chỗ để lên đầu".

Qua am Mỵ Châu, du khách tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương. Tương truyền đền được dựng trên nền nội cung ngày trước. Đền mới trùng tu, tôn tạo đầu thế kỷ XX. Đôi rồng đá ở bậc tam cấp nơi cửa đền là di vật đời Trần. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng. Phía trước đền thờ An Dương Vương có một cái hồ rộng. Đó chính là Giếng Ngọc. Tương truyền đây là nơi Trọng Thủy tự tử vì hối hận sau khi Mỵ Châu bị vua cha chém chết. Lại nghe đồn rằng nếu lấy nước giếng này đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần.

Hiện nay, khu di tích thành Cổ Loa đã có kế hoạch tôn tạo thành "Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn" của Thủ đô Hà Nội. 

ST

Tệp đính kèm