Cập nhật: 19/11/2016 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Ở đảo rất thiếu thốn, rau xanh chỉ trồng được vài loại chịu được thời tiết khắc nghiệt nơi đây nên nhiều khi tôi nằm mơ thấy mình háo hức lắm vì được ăn rau xà lách.”

Thầy Lê Xuân Quyết chia sẻ về những khó khăn trên đảo. (Ảnh: PV/Vietnam)

“Với các em học sinh thì một mẩu bánh mì cũng là thứ rất xa xỉ. Có em đang mơ thấy mình vào siêu thị mua bánh mì, nhưng chưa kịp ăn thì mẹ đã gọi dậy. Em cứ trách mẹ sao không đợi con ăn xong bánh mì hãy gọi. Người mẹ áy náy mãi: nếu mẹ biết con đang định ăn bánh trong giấc mơ thì mẹ sẽ không gọi con đâu…”

Câu chuyện của thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết, Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động. Nhiều cô giáo âm thầm lấy khăn lau nước mắt.

Tình nguyện viết đơn ra đảo

Sinh năm 1990, thầy Lê Xuân Quyết là một trong những giáo viên trẻ nhất trong số 42 gương mặt thầy cô đại diện cho các giáo viên đang công tác ở các vùng biển đảo của Tổ quốc được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016."

Ngay lúc ngồi trên ghế giảng đường, thầy đã ấp ủ giấc mơ cống hiến cho Trường Sa.

“Từ khi còn là sinh viên năm một, năm hai, tôi đã rất nhiều lần đến Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa để hỏi tình hình tuyển giáo viên ra Trường Sa. Và thật may mắn, đúng khi tôi ra trường thì Trường Sa tuyển giáo viên. Vì thế, khi nhận được phản hồi là sẽ được ra đảo, tôi không nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần vì quá xúc động,” Quyết chia sẻ.

Âm thầm cho kế hoạch ra khơi từ rất sớm, nhưng biết cả gia đình sẽ phản đối nên phải đến tận khi chắc chắn sẽ ra đảo Song Tử Tây, thầy mới dám nói cho mẹ biết.

“Nhà có 5 anh chị em nhưng tất cả đều đã đi làm xa, chỉ có hai mẹ con. Tôi đi thì mẹ sẽ phải sống một mình, tôi cũng thương mẹ lắm. Còn mẹ, mẹ khóc rất nhiều vì thương con sẽ vất vả, sẽ phải sống trong điều kiện thiếu thốn ở ngoài khơi. Tôi đã phải động viên và thuyết phục mẹ rất nhiều, rằng Trường Sa cũng là một phần máu thịt của đất nước, con dạy gần nhà hay xa nhà không quan trọng, bởi đây là công việc cao quý vì biển đảo quê hương… Cuối cùng, mẹ cũng bằng lòng…” thầy Quyết xúc động kể.

Lần đầu tiên ra đảo cũng là lần đầu tiên Quyết đi tàu trên biển, 14 ngày lênh đênh giữa những con sóng lớn, chàng trai đất liền say sóng đến không ăn nổi.

Nhưng đó chỉ là thử thách đầu tiên và rất nhỏ của Trường Sa với thầy giáo trẻ. Khó khăn hiển hiện ngay trước mắt khi trên đảo Song Tử Tây không có trường. Lớp học là ngôi nhà tạm lợp tôn được bộ đội nhường lại cho giáo viên dạy học. Mùa hè, trời nắng nóng, thầy trò vừa học vừa lau mồ hôi nhễ nhại. Mùa mưa, nước tạt cả vào lớp học.

Cả đảo có khoảng chục em học sinh nhưng đủ các độ tuổi, từ mầm non đến tiểu học. Mỗi lớp chỉ có hai, ba em, thậm chí có một học sinh. Hai thầy giáo phải ghép lớp và chia nhau ra dạy.

“Chỉ được đào tạo về dạy tiểu học nhưng ra đảo, tôi phải dạy cả bậc mầm non, dạy lớp ghép cũng là điều hoàn toàn mới lạ nên ban đầu rất lúng túng, tôi phải gọi điện về phòng giáo dục, hỏi kinh nghiệm các thầy cô đi trước,” thầy Quyết nói.

Đảo quá xa đất liền, phải 4 đến 5 tháng mới có một đợt tàu ra nên mọi thứ đều thiếu thốn, dụng cụ học tập ít ỏi. Thầy phải lấy san hô, vỏ sò thay que tính, tự vẽ tranh theo nội dung dạy thay hình ảnh trực quan để dạy học trò.

Đời sống của các thầy cũng như người dân nơi đây cũng rất khó khăn khi thiếu điện, thiếu nước, thiếu rau xanh.

Điện chỉ có vào buổi tối, nhưng nhiều khi cũng vẫn phải cắt điện sinh hoạt để tiết kiệm nên thầy phải xem bài cho học sinh dưới ánh đèn dầu, hoặc mang sách vở ra ngồi dưới cột đèn đường. 

Ngoài giờ lên lớp, các thầy còn phải chăn nuôi, trồng rau, đánh bắt cá để đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Nhưng rau xanh ở đây rất ít, chỉ trồng được vài loại có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt và cái mặn mòi của biển. Vì thế, ai cũng thèm rau. Ngay thứ rau rất quen thuộc với đất liền như xà lách cũng chỉ có trong những giấc mơ.

Nghẹn lòng vì thương trò

“Mình là người lớn, thiếu thốn phải cố gắng chịu và khắc phục, nhưng trẻ em, nhiều khi rất tội. So với trẻ trong đất liền, các em phải chịu rất nhiều thiệt thòi, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần…” thầy Quyết nghẹn ngào nói.

Rồi chùng giọng, rưng rưng, thầy kể về những học trò nhỏ tội nghiệp của mình nơi biển đảo Song Tử Tây:

“Tôi vẽ cột đèn giao thông và dạy các em về đèn xanh, đèn đỏ. Đó là thứ các em chưa bao giờ nhìn thấy. Nhiều em hỏi: vì sao phải có đèn đỏ? Vì sao phải dừng xe? Nếu cứ đèn đỏ, cứ phải dừng như thế thì phải đi thế nào? Những câu hỏi ngây thơ ấy càng làm tôi thấy nghẹn lòng, thấy thương các em hơn.”

“Có em học sinh đang mơ sắp được ăn bánh mì thì mẹ bất ngờ gọi dậy. Chiếc bánh mì rơi ngay trong cả giấc mơ. Em cứ trách mẹ sao không đợi con ăn xong bánh mì hãy gọi. Còn người mẹ thì áy náy mãi: nếu mẹ biết con đang định ăn bánh trong giấc mơ, mẹ sẽ không gọi con đâu…”

“Ngày Tết Trung Thu ở ngoài đảo chẳng có gì. Thương các em, muốn giúp học sinh gần gũi hơn với đất liền, chúng tôi mua lại chiếc sọt bằng tre của người dân, trang trí thành đầu lân. Người múa là thầy giáo, chiến sỹ và cả người dân. Hôm đó là ngày vui lớn không chỉ với các em học sinh mà còn với tất cả bà con trên đảo.”

“Những hình ảnh, kỷ niệm ấy, sau này, dù có chuyển công tác đi nơi nào chăng nữa, tôi cũng không bao giờ quên được.”

Gần bốn năm gắn bó với Trường Sa, thầy Quyết bảo ở đảo không có hoa, không có quà, cũng không có thiệp. Mỗi dịp 20/11, học sinh tận dụng trang giấy vở của mình để ghi những câu chúc ý nghĩa gửi đến thầy, phụ huynh thì biếu con tôm, con cá.

“Chỉ giản dị thế thôi nhưng cũng đủ làm người thầy như tôi thấy yêu nghề hơn và quyết tâm bám đảo hơn. Tôi chỉ mong các ban, ngành và Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện để học sinh trên đảo được gần gũi với đất liền hơn, để sau này, nếu các em vào bờ thì cũng không cảm thấy xa lạ quá," thầy Quyết nói./.

PHẠM MAI (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nghen-long-voi-giac-mo-banh-mi-rau-xanh-cua-thay-tro-dao-song-tu-tay/416702.vnp

Tệp đính kèm