“Để học sinh trên các xã đảo có kiến thức, giúp các em không bị thua thiệt so với học sinh ở đất liền, đòi hỏi người thầy cần nỗ lực, cố gắng không ngừng.”
Thầy giáo Nguyễn Thành Tân hướng dẫn bài cho học
sinh của mình trong giờ lên lớp. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Đây là lời tâm sự của thầy giáo Nguyễn Thành Tân (sinh năm 1985, Trường Trung học cơ sở Thanh Lân, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), người vừa được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Sinh ra trên đất Cảng Hải Phòng, nhưng năm 1999, thầy giáo Nguyễn Thành Tân lại theo cha mẹ đi xây dựng kinh tế mới và theo học tại các trường của huyện đảo Cô Tô. Sau này có cơ hội được học ở các trường trên đất liền, thầy Tân mới thấu hiểu sự chênh lệch giữa học sinh ở vùng biển đảo với đất liền. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh, năm 2007, thầy Tân quyết định trở về huyện đảo Cô Tô nơi mình sinh sống để công tác. Đến tháng 8/2009, thầy Tân có cơ duyên giảng dạy môn Toán tại chính ngôi trường mà mình đã từng học tập - Trường Trung học cơ sở Thanh Lân.
Học sinh đến chúc mừng thầy Tân nhân dịp Ngày
Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Thầy Nguyễn Thành Tân tâm sự, ở vùng biển đảo khó khăn, số lượng giáo viên và học sinh ít nên phong trào học tập thường bị lắng xuống. Sự trao đổi kiến thức của giáo viên cũng bị hạn chế. Do vậy, muốn nâng cao kiến thức chuyên môn giáo viên phải tự học tập, tự nghiên cứu là chính.
“Tôi phải giúp học sinh của mình không bị thua thiệt so với học sinh đất liền” - thầy Tân quả quyết như vậy. Theo thầy, để làm được điều này, giáo viên phải chuẩn bị bài giảng tốt. Chính vì vậy, trong mỗi bài giáo án, thầy Tân thường nghiên cứu kỹ nội dung bài học, sau đó phác thảo bài giảng theo hướng phù hợp với trình độ của học sinh. Mỗi bài giảng, thầy Tân xây dựng hệ thống câu hỏi theo hai đối tượng: học sinh học lực trung bình thầy có những câu hỏi dễ nghe, dễ hiểu; còn học sinh có mức học khá - giỏi thì câu hỏi có thiên hướng kích thích phát triển tư duy nhiều hơn.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Lân Bùi Thanh Tuấn nhận xét: 3 năm gần đây, thầy Tân có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy với phương pháp dạy học mới giúp học sinh nắm vững kiến thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, góp nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương nói chung và của Trường Trung học cơ sở Thanh Lân nói riêng. Với những thành tích đó, liên tục trong những năm qua, thầy Tân là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh; đồng thời liên tục đạt các danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, Bằng khen của Sở Giáo dục và Đào tạo…
Đối với em Lê Thị Ngọc Anh (học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Thanh Lân), môn Toán trở nên dễ hiểu, thú vị hơn bởi thầy luôn đưa ra những câu hỏi toán vui và gần gũi với cuộc sống đời thường như lan can nhà có hình bình hành, hay thầy gieo vần thơ về "cách tính diện tích hình thang, đáy lớn đáy nhỏ ta đem cộng vào, cộng vào nhân với chiều cao, chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra"...
Cô Phạm Thị Thơm, giáo viên môn Văn-Địa, Trường Trung học cơ sở Thanh Lân rất mến phục thầy Tân bởi đức tính chân thành với đồng nghiệp, tận tâm với nghề. Vì là giáo viên mới của nhà trường nên cô Thơm nhận được những lời góp ý, trao đổi chân thành về kinh nghiệm giảng dạy để cùng tiến bộ.
Ngoài công tác chuyên môn, thầy Tân còn được giao nhiều trọng trách như Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thành viên kiểm định chất lượng giáo dục, thành viên tổ phổ cập giáo dục… Ở cương vị nào, thầy Tân cũng tích cực tham gia, có những sáng kiến hay khiến mọi phong trào, nhiệm vụ của nhà trường đều hoàn thành xuất sắc, được cấp trên đánh giá cao. Niềm vui của thầy Tân giờ đây còn được nhân lên khi gia đình thầy vừa có thêm một thành viên mới, đứa con đầu lòng 4 tháng tuổi như tiếp thêm động lực để thầy gắn bó với nghề, với xã đảo và những học sinh thân yêu./.
Theo VĂN ĐỨC (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/nguoi-thay-noi-dao-xa-voi-uoc-muon-tro-khong-thua-thiet-dat-lien/416969.vnp