Không nổi tiếng như các địa danh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… về trồng chè, nhưng ở nơi đây, thú thưởng thức chè (trà) lại thật đặc biệt.
Cây chè gần 100 tuổi xanh tốt của người dân làng Lương Cầu, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch
Ngày nào cũng vậy, cứ vào buổi trưa và buổi tối, mọi người ở làng Lương Cầu, xã Tiên Lữ (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) lại gọi nhau quây quần bên nồi chè xanh thơm ngát. Họ kể cho nhau nghe về công việc đồng áng, việc học hành của con cái, việc tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống. Cứ như vậy, họ gắn bó với nhau như một gia đình lớn hòa thuận và vui vẻ.
Uống chè là thú vui lâu đời của người Việt Nam. Uống chè không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, tầng lớp. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, ai cũng có thể cầm trên tay một chén chè ngon, nóng rát lưỡi mà nhâm nhi. Ai đã từng đến vùng đồi núi huyện Lập Thạch đều được kể cho câu chuyện hết sức lạ lùng rằng: “Muốn biết chè ngon thì vào xứ tiên mà thưởng thức”.
Xứ tiên ở đây không phải là chống bồng lai tiên cảnh như trong những câu chuyện cổ tích, địa điểm đó là xã Tiên Lữ, nơi nổi tiếng với tục lệ uống chè cộng đồng hay uống chè hội như người dân ở đây vẫn thường dùng.
Làng Lương Cầu, xã Tiên Lữ cách trung tâm TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) khoảng 20km về phía Tây Bắc. Làng Lương Cầu chỉ có 78 hộ dân quây quần và vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông từ trước đến nay. Cuộc sống của 78 hộ dân ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà xảy ra mâu thuẫn cãi cọ. Mọi người sống gắn kết và thường xuyên giúp đỡ nhau, có được điều đó là nhờ cả vào bát nước chè xanh.
Theo người dân trong làng, không ai biết làng mình xuất hiện hội uống chè tươi từ bao giờ, chỉ nghe các cụ già kể ngày xưa khi làng mới lập, nơi đây vẫn còn hoang vu hẻo lánh, buổi trưa mùa hè đã vắng vẻ, buổi tối mùa đông càng vắng vẻ hơn. Người già rủ nhau đến nhà một người nào đó tụ tập chơi, uống nước, trò chuyện. Thoạt đầu, chỉ có các cụ cao niên, dần dà thu hút thêm các ông, rồi các bà, các thành viên trong gia đình, rồi cả xóm thành Hội chè tươi. Mới đầu, hội chỉ họp buổi tối, sau đông vui quá, họp cả buổi trưa, luân phiên nhau, nay ở nhà này mai ở nhà khác. Cứ như vậy, truyền từ đời này đến đời sau thành tục lệ đến bây giờ.
Ông Đặng Quang Minh kể về thú uống chè của làng Lương Cầu
Ông Đặng Quang Minh, một người dân Lương Cầu cho biết: “Người Lương Cầu là nông dân nên uống chè cũng không quá chú ý đến hình thức. Họp trưa thì ngồi trong nhà, họp tối ngồi ngoài sân, rải chiếu xuống đất. Tối nào không trăng thì đốt đèn dầu, mùa rét thì thì xúm xít vòng trong vòng ngoài quanh một bếp lửa. Điều quan trọng là phải cho chè thơm ngon và đủ để cả làng uống. Chủ nhà nào khi đăng cai hội chè đều không dám sao nhãng, phải luôn đảm bảo nấu nồi chè tươi thật chuẩn. Chuẩn từ cách chọn lá chè đến cách nấu nước chè đúng với cung cách địa phương".
Một nồi chè xanh chuẩn phải bảo đảm được các yếu tố: chè phải xanh, có mùi thơm, mới uống hơi chát miệng, sau có vị ngọt nơi cổ họng, người ta gọi là chè “có hậu”. Lá chè thường được lấy từ cây ở nhà trồng hoặc nếu không có thì phải mua ở những địa điểm nhất định, có như vậy mới bảo đảm chè “chuẩn”. Chọn chè thường là loại lá nhỏ hay gọi là lá móng, còn loại chè lá to không ngon bằng.
Khi chọn lá chè nấu nước thì phải hái vào buổi sáng, chọn những lá chè già, rửa sạch nhưng phải cẩn thận để không làm nát lá, sẽ bị chát. Sau đó, lấy nước từ 2 cái giếng trong làng rồi cho vào nồi (tốt nhất là nồi đất), đun sôi khoảng 5 phút đến 10 phút là được, nếu chưa đến thì chè không được “đậm”, nếu đun quá sẽ bị “nhạt chè”, không ngon nữa. Khi bắt nồi ra thì thêm nước nguội vào, cứ nửa lít nước chè thì cho 3 lít nước sôi để nguội. Người làng truyền nhau làm như vậy thì nước chè sẽ xanh và ngon hơn.
Uống chè nhiều nên người dân ở đây cũng có nhiều kinh nghiệm trọng việc thường thức chè và chữa trị chứng say chè. Biểu hiện của người bị say chè là nôn nao, hoa mắt chóng mặt giống như bị tụt huyết áp, lúc đó cần phải uống nhiều nước, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát. Chè xanh ngon nhưng không nên để phụ nữ có thai uống thì rất có hại cho thai nhi.
Ông Minh cho biết thêm: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã được bố kêu đi mời các bác trong làng đến uống chè. Lớn lên, tôi lại bảo các con đi mời để mọi người quây quần. Trước đây, chuyện nhà ai mà nấu chè xanh bị thiếu sẽ bị phạt. Phạt ở đây không phải là tiền, gạo mà là bắt nhà đó nấu lại, đến lúc nào mọi người thấy đủ thì chuyển qua nhà khác, cũng vì thế mà nhà ai cũng nấu một nồi chè to. Nhưng uống chè này nhiều sẽ cảm thấy càng uống càng thấy thèm, vì vậy mà mọi người thường có cảm giác ít nước chè. Bây giờ, mọi người không nấu nồi nước to nữa mà thường thường mọi nhà đến góp chè, cùng nhau uống, cùng nói chuyện”.
Dân làng Lương Cầu trước giờ vẫn có tiếng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, trong lao động và trong cuộc sống, đó một phần vì họ được nói chuyến thoải mái với nhau, hiểu nhau hơn. Khi có mâu thuẫn thì buổi uống chè hội là cơ hội để mọi người cùng ngồi lại nói chuyện với nhau. Những nhà làm ăn kinh tế giỏi, qua buổi chè sẽ truyền lại kinh nghiệm sản xuất cho mọi người học hỏi, vì họ coi nhau như gia đình nên cũng chẳng cò gì phải giấu giếm.
Kinh tế phát triển, mọi người trong làng cũng có nhiều cách sống khác trước hơn, nhưng tục lệ uống chè xanh cộng đồng thì vẫn được gìn giữ. Không chỉ có những người lớn tuổi, mà tục uống chè còn lôi kéo được cả những người trẻ tuổi. Nói như một cụ già trong làng, có chè ngon thì kéo được cả tiên đến uống cùng.
Buổi trà trưa kết thúc trước giờ đi làm chiều, buổi tối thì đến tận khuya khi mọi người đã mệt và buồn ngủ. Mọi người ra về trong tâm trạng thoải mái, ngủ một giấc thật ngon để lấy lại năng lượng sau phút giây lao động mệt nhọc.
ST