Cập nhật: 26/11/2016 20:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đền Thác con nằm trong khu vực di chỉ khảo cổ học thời đồ đá tại Đồi thông, thuộc tổ 8, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang. Xưa trước đền, trên dòng sông Lô có thác ghềnh, nước chảy ngày đêm trắng xóa, tạo nên khung cảnh “ Sơn thủy hữu tình”, các vị tiên nữ đêm đêm thường xuống tắm dưới chân thác nên đền còn có tên gọi là đền Chúa Thác.

Theo thuyết phong thủy,đền tọa lạc trên một thế đất vuông vức, phía trước là dòng sông Lô uốn lượn tạo hình bán nguyệt và núi cao án ngữ như chiếc bình phong đón nhận điềm lành và tránh khí độc, trừ ma quỷ. Phía sau đền là núi đá tai mèo có hình giống như đầu con “Hổ phù” làm hậu trẫm; bên tả có Thanh long và bên hữu có Bạch hổ chầu vào tạo cho thế đất của ngôi đền tựa như một chiếc ngai rồng. Đồng thời đền quay mặt hướng Tây Nam, mang ý nghĩa giải thoát cho chúng sinh diệt trừ U Minh để đến với Giác Ngạn . Nhờ có trí tuệ làm đầu mà con người ở cõi Sa Bà Lìa bỏ tham, sân, si, ái, ố, hỉ,nộ đến với chính tâm. Với sự lựa chọn thyết phong thủy trên, người ta tin rằng khí thiêng của trời sẽ truyền sinh khí vào đất để sinh ra người hào kiệt; ban cho con người phúc, lộc, thọ, khang, ninh; mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu; Phật đạo hanh thông và trường tồn.

Đền được hình thành cách đây khoảng trên 300 năm. Lúc đầu chỉ là am nhỏ thờ Thần chủ của Đền Thác Con Chầu Bà Đệ Nhị làm bà chúa bản đền. Bà thuộc nhân thần, có công đóng góp lương thực, tiền bạc giúp Vua Lê Lợi chóng giặc Minh ở vùng biên ải Hà Giang, Tuyên quang, Cao bằng nên sau khi bà hoá, Vua Lê đã phong tặng cho bà danh hiệu: “Thượng Ngàn Thánh Mẫu” với dân gian, tôn kính bà làm Thánh Mẫu (  Mẫu Thượng Ngàn), nằm trong hệ thống thờ đa thần theo phong tục của người miền núi Hà Giang và hệ thống thờ Tứ Phủ: Thiên Phủ, Thuỷ Phủ, Địa Phủ, Nhạc Phủ (Nhạc Phủ có nghĩa là rừng) am bà chúa Thượng Ngàn là thờ Bà chúa rừng của đất Hà Giang. Càng về sau đền thác được nhân dân địa phương trong vùng xây dựng và tôn tạo nay đã trở thành bề thế: Với kiến trúc mang nét văn hoá phương đông, đền được chia làm 3 khu: khu nhà chờ, khu thờ Phật, khu thờ các vị Thánh hàng Tứ phủ. Xung quanh là những khuôn viên rộng, những hòn non bộ. Với những kiến trúc độc đáo,khuôn viên đẹp. Đền Thác Con được xếp là khu đền đẹp của thành phố Hà Giang Đền còn có tên nữa là đền Thác Gia. “Gia” có nghĩa là bà mẹ nhân từ của người dân Hà Giang, được thờ ở khu vực Thác Con. Trong đền ngoài thờ Bà chúa Thượng Ngàn còn thờ mẫu Liễu Hạnh và thờ hai Công chúa nhà Mạc.

Hằng ngày, du khách vào đền thắp hương thường đi theo cổng sau. Vào tới cửa đền, những bon chen đời thường bỗng tan biến, chỉ còn lại “tâm không” hòa vào không gian tĩnh lặng dưới làn khói hương cùng với lời thỉnh cầu thì thầm tới phật thánh ban phương lành. Ánh sáng của đèn nến, màu sắc của tượng pháp và đồ thờ ( hoàng phi,câu đối, án gian, cờ lọng, bát bửu) càng tôn lên giá trị văn hóa, nghệ thuật, tâm linh của ngội đền danh tiếng đất cao nguyên đá Hà Giang.

Hệ thống tượng thờ đền Thác con rất phong phú, vừa mang nét chung của thần điện thờ Tứ phủ vừa mang nét riêng của hệ thống tín ngưỡng dân gian ở địa phương, Trong hệ thống tượng thờ ở đền Thác con, thì tượng Chầu Bà Đệ Nhị đẹp nhất không chỉ thể hiện được hình dáng bên ngoài mà còn lột tả phần nội tâm bên trong, làm cho pho tượng đẹp đẽ một cách linh thiêng, vi diệu. Ngoài ra, tại đền Thác con còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự, cửa võng được chạm trổ tinh xảo với các họa tiết hoa văn như: hoa cúc mãn khai, hoa sen, chim trĩ, rồng chầu mặt nhật…; các đồ thờ bằng đồng (bát hương, chuông đại hồng chung); bát hương bằng sứ; bộ bát bửu và kiệu bát cống, tứ cống làm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng là tài sản vô giá về văn hóa vật chất và tinh thần của bản đền.

Trong năm, đền Thác con có một số ngày lễ chính như: Lễ xông đền vào lúc giao thừa, lễ khai xuân ngày Rằm tháng Giêng, lễ kỵ Chầu Đệ Nhị  vào ngày 6 tháng 3, lễ vào hè ngày mừng 4 tháng 4, lễ tán hạ nhập thu vào ngày mừng 4 tháng 8 và lễ tạ cuối năm vào ngày 25 tháng chạp.

Với những giá tri lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tâm linh như trên, đền Thác con không chỉ xứng danh “một bảo tàng sống” lưu giữ các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của quốc gia mà còn là điểm du lịch tâm linh, điểm tham quan nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong và ngoài tỉnh rất hữu ích. Thông điệp của các bậc tiền nhân là gửi gắm vào các tác phẩm nghệ thuật, vào kiến trúc tôn giáo làm nhịp cầu văn hóa truyền tải ý tưởng của trời đất, của thánh thần, của cha ông tới thế hệ con cháu hôm nay và mai sau./.

 

ST

Tệp đính kèm