Cập nhật: 06/12/2016 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhận biết những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm thực phẩm sẽ giúp phòng tránh nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng tới sức khỏe.


1. Thiếu vệ sinh

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ô nhiễm thực phẩm là quá trình xử lý và chế biến thực phẩm không hợp vệ sinh. Vì các loại vi-rút có thể dễ dàng lây truyền qua trái cây, rau và thịt, nên cần rửa tay đúng cách trước và sau khi xử lý thực phẩm. Dưới đây là những sai lầm cần tránh:

- Bỏ qua bước rửa tay và cầm thực phẩm sau khi đi vệ sinh, xử lý thùng rác hoặc xử lý thịt sống.

- Cầm thực phẩm ngay cả khi bạn bị nhiễm vi-rút như viêm gan A, có vết cắt, nhiễm trùng da hoặc vết thương hở trên da.

- Tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm, không đeo găng tay khi chế biến thực phẩm.

2. Do lây nhiễm chéo

Lây nhiễm chéo là sự lây truyền vi khuẩn hoặc vi-rút từ nơi này sang nơi khác, đối tượng này sang đối tượng khác. Lây nhiễm chéo có thể xuất hiện khi sử dụng thớt để chế biến thịt sống sau đó lại dùng để chế biến thực phẩm khác. Loại lây nhiễm này thường gây ra các bệnh liên quan đến thực phẩm mà nếu không chữa trị có thể gây ra những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. Dưới đây là những cách đơn giản để phòng lây nhiễm chéo:

- Sử dụng đĩa, dao và thớt riêng khi chế biến rau/trái cây tươi và thịt, cá, trứng sống.

- Để riêng đồ sống và đồ chín.

- Rửa thớt với nước nóng và nước khử trùng thường xuyên.

3. Nấu không đúng cách

Nấu thức ăn ở nhiệt độ thích hợp rất có ý nghĩa trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm do vi khuẩn hoặc vi trùng. Vì vậy, điều quan trọng là phải nấu thức ăn ở nhiệt độ hợp lý, tùy vào từng loại thực phẩm để tiêu diệt vi khuẩn và giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, luôn ăn thực phẩm khi ấm và tránh ăn đồ dư thừa.

4. Không bảo quản thực phẩm đúng cách

Khi bảo quản ở nhiệt độ phòng, phần lớn trái cây và rau và ngay cả thực phẩm đã nấu chín cũng dễ bị hỏng. Vì vậy, cần bảo quản chúng trong tủ lạnh. Ngoài ra, cần bảo quản rau và những thực phẩm không phải rau trong hộp riêng hoặc để tách riêng nhằm tránh lây bẩn và do đó làm hỏng thực phẩm.

Tuy nhiên, nếu bạn để thực phẩm trong tủ lạnh, cần làm ấm trước khi ăn và nhanh chóng đặt phần thực phẩm còn thừa vào lại trong tủ lạnh (không để thực phẩm đã chứa trong tủ lạnh ra ngoài - ở nhiệt độ phòng - quá lâu).

5. Bếp không sạch sẽ

Nếu bạn lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh, cần thường xuyên làm sạch tủ lạnh. Cũng nên lưu trữ thực phẩm ở đúng nơi, đúng nhiệt độ, vệ sinh bếp thường xuyên.

Cần làm sạch bếp sau khi chế biến thực phẩm để tránh thực phẩm bị nhiễm bẩn do kiến, gián, chuột…

BS Tuyết Mai

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm