Lẩu mắm, đó là món ăn của thời khẩn hoang để nay ta có miền Tây lục tỉnh. Rau đồng, cá ngọt linh tinh lang tang, ăn no để lo mở cõi. Nhưng sau mấy trăm năm, giờ lẩu mắm đã trở thành món ăn cao cấp. Dân nhà giàu Sài Gòn, Chợ Lớn đãi khách bằng lẩu mắm mới sang. Cũng đáng tự hào, cái gốc thời khẩn hoang được nâng cấp ở thời hiện đại kinh tế thị trường...
Rau, cá, thịt, mắm thành một món với cái lẩu, một kiểu ẩm thực của văn hoá cộng đồng người Việt - Hoa - Khmer ở miền Tây. Mắm cá sặc, vốn của người Việt, được kho theo kiểu bún nước lèo là sở thích của bà con Khmer, nấu trong lẩu theo cách của người Hoa. Cá, tôm, rau đồng, cỏ nội, chẳng thiếu thứ gì ở phương Nam hào phóng.
Hai đĩa rau to, có tới 22 loại: Ngó sen, bông súng, rau nhút, hẹ, ngò gai, ngò ôm, cải bắc thảo, cải xanh, rau muống, rau ngổ, cần đước, đậu rồng, cù nèo, tai tượng, tần ô, rau đắng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển, cà phổi, giá, bắp chuối. Chưa kể khổ qua, đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi với mớ "thập cẩm" tươi vừa chín: lươn, cá rô, cá kèo, cá chạch, cá ngát, cá bông lau, cá ba sa, cá lóc. Còn "đã chín" thì có thịt ba rọi, mực, tôm, tàu hũ, cùng "lên lửa" với nước cốt mắm sặc thơm lựng. Cũng không thể thiếu chén ốc lác làm "ngọc trầm thủy thượng" dưới đáy lẩu sôi sùng sục. Thêm hai đĩa bún khi chán cơm, ba xị rượu thuốc ngon, một đĩa ớt hiểm, tỏi...
ST