Cập nhật: 09/12/2016 08:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hơn ai hết, ngư dân Việt Nam đã, đang và luôn cần được bình yên ra khơi đánh cá.

Bình yên đầu tiên với “ông trời” trên một vùng biển mà tên gọi Thái Bình éo le thay lại không thái bình chút nào với nhiều cơn bão hung hãn.

Bình yên kế đến những tàu thuyền khác trên biển theo đúng những nguyên tắc bình dị nhất của người đi biển là tránh va chạm và cứu nhau khi gặp nạn. Nghĩa là đối xử với nhau với tất cả tình người, nếu tốt nữa thì như “bạn” như trong cụm từ mà ngư dân vẫn nói “đi bạn”..., chứ chưa nói đến những gì cao siêu như luật biển...

Từ bao đời nay, người ngư dân Việt chất phác vẫn chỉ khấn vái sao cho được mưa thuận gió hòa cho mỗi chuyến ra khơi. Đỉnh cao của sự chất phác, hiền hòa này là tục thờ “ông lụy” ngay đầu thế kỷ 21 này...

Và cũng từ bao đời nay, con dân Việt đi biển vẫn luôn được mọi Nhà nước Việt và cả dưới thời Pháp thuộc bảo vệ như có thể thấy qua mô tả của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục: “Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy... Họ Nguyễn đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi..., cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên..., cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản...”.

Phan Huy Chú cũng thuật lại trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Các đời chúa (Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh, thay phiên nhau đi... Hằng năm cứ đến tháng 3, khi nhận được lệnh sai đi...Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yêu Môn (tức cửa Thuận An) đến thành Phú Xuân...”.

Hoàng Việt địa dư chí có chép: ”Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra đội quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh (Quảng Ngãi - huyện Bình Sơn - phủ Tư Nghĩa) để luôn luôn canh giữ”.

Vua, quan và con dân đất Việt đã bao đời đồng tâm hiệp lực trong phép tắc ấy, như chính ý nghĩa của tựa đề Lịch triều hiến chương loại chí (Phép tắc các triều đại chép theo thể phân loại), mà giữ gìn sự an nguy của “bãi cát vàng” cùng các hòn đảo khác của tổ tiên cùng chính sự sống còn của mình.

Con dân nước Việt đi biển không chỉ khấn vái sao cho được mưa thuận gió hòa mà còn tin chắc được vua quan bảo bọc cấp lương thực và bảo vệ. Hơn ai hết, ngư dân, trong đó đầu tiên là ngư dân đảo Lý Sơn, từ bao đời trông cậy vào phép tắc ấy mà ra khơi. Và chính phép tắc ấy là nơi khởi đầu và giữ gìn môi trường hòa bình trên biển Đông.

Cứ thế, bất chấp ba đào sóng gió, ngư dân Việt nay vẫn ra khơi với niềm tin phép tắc bao đời đó luôn được giữ gìn.

DANH ĐỨC

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20140521/ngu-dan-va-moi-truong-hoa-binh/608435.html

Tệp đính kèm