Cập nhật: 13/12/2016 08:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỗi năm, tỉnh Quảng Bình thường bị ảnh hưởng của hai đến ba cơn bão và khoảng sáu đợt gió mùa đông bắc, làm thiệt hại lớn đến nghề khai thác hải sản, nhất là tàu thuyền của ngư dân. Trong các nguyên nhân, có một phần xuất phát từ sự chủ quan, thiếu biện pháp phòng ngừa của chính ngư dân khi hoạt động trên biển.

Cán bộ Kiểm ngư Quảng Bình kiểm tra tàu cá đang hoạt động trên vùng biển Quảng Bình.

Thiếu thiết bị an toàn hàng hải khi ra khơi

Được tham gia đợt kiểm tra tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Bình của lực lượng kiểm ngư vào một ngày đầu tháng 9-2016, chúng tôi mới biết rằng, nhiều tàu cá ra khơi nhưng hầu như thiếu các thiết bị an toàn hàng hải, đánh bắt sai tuyến quy định... Khi cách đảo Hòn La (Quảng Bình) khoảng 25 hải lý, tàu kiểm ngư phát hiện một cặp tàu của ngư dân Quảng Ngãi đang sử dụng lưới giã cào (một hình thức khai thác biển gần bờ đã bị cấm). Ngay lập tức, tàu kiểm ngư phát tín hiệu kiểm tra và áp sát mạn tàu cá. Tàu này có công suất 400 CV do ngư dân Nguyễn Nhật, trú TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) điều hành, ra biển nhưng không có chủ tàu và cũng không có thuyền trưởng. Khi bị đoàn kiểm tra hỏi giấy tờ, ông Nhật bối rối cho biết: "Tôi được chủ tàu thuê đi biển, có bằng máy trưởng nhưng bị thất lạc đâu chưa rõ". Trên hai tàu cá này có hơn 20 thuyền viên nhưng số lượng áo phao chỉ vài cái và cũng chẳng có mấy người mặc, có cái được buộc chặt ở cuối góc ca-bin tàu. Thay mặt đoàn công tác, anh Lê Văn Thảo, thuyền phó tàu kiểm ngư giải thích, nhắc nhở những vi phạm về tuyến đánh bắt, các loại giấy tờ chứng chỉ cho các thuyền viên hiểu rõ. Sau đó, đoàn công tác đã yêu cầu hai tàu thu lưới đi ra khỏi tuyến đánh bắt sai quy định.

Đến trưa, tàu kiểm ngư tiếp tục phát hiện cặp tàu cũng của ngư dân Quảng Ngãi đều do ông Huỳnh Phúc, trú tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng đang đánh cá bằng lưới rê cho nên đã phát tín hiệu kiểm tra. Thuyền trưởng Huỳnh Phúc trình đầy đủ giấy tờ nhưng cả hai tàu có hơn 20 thuyền viên không hề có chứng chỉ nghề. Cả hai tàu đều không có phao cứu sinh và áo phao cho thuyền viên cũng thiếu nhiều. Được cán bộ Kiểm ngư nhắc nhở, ông Phúc nói: "Cũng không mấy khi sử dụng áo phao cho nên tui không mua cho anh em trên tàu. Nay được nhắc nhở rồi thì chuyến sau tui sẽ cho mua đầy đủ".

Chính việc ngư dân chủ quan không sử dụng các thiết bị an toàn trên biển cho nên khi xảy ra sự cố thì hậu quả khôn lường. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phụng cho biết, năm nay không có cơn bão nào trực tiếp đổ bộ vào Quảng Bình nhưng thiệt hại về người và tàu thuyền khá lớn. Chưa tính số tàu thuyền bị lũ giữa tháng 10 cuốn trôi và làm hư hỏng thì 10 tháng năm 2016, có 16 tàu thuyền bị đắm và bốn người chết và mất tích trên biển. Trong đó, thiệt hại lớn nhất về người là tàu cá QB 92671 TS do anh Nguyễn Ngọc Hải, trú thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch làm chủ đã bị sóng lớn đánh chìm vào ngày 15-2-2016, khi đang hoạt động trên vùng biển cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 45 hải lý về phía đông nam. Trên tàu có bảy ngư dân đều bị rơi xuống biển, bốn người may mắn được cứu thoát, ba người mất tích. Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 11-9-2016, một thuyền viên trên tàu QB 33250 TS bị rơi xuống biển mất tích. Được biết, tàu cá này đang từ ngoài khơi trở về đất liền tránh bão số 3, thuyền viên mất tích đứng phía sau đuôi tàu không may bị gió đẩy rơi xuống biển. Đáng chú ý, cơn lốc xoáy sáng 13-6-2016 làm chìm 13 tàu cá loại nhỏ của ngư dân huyện Bố Trạch khi đang hoạt động trên biển. Rất may, các lực lượng chức năng và ngư dân đã cứu hộ, cứu nạn kịp thời cho nên không thiệt hại về người.

Phó Chi cục trưởng Kiểm ngư vùng I Võ Khôi Thành cho biết: Qua thời gian kiểm tra vừa rồi, chúng tôi phát hiện các lỗi của bà con ngư dân thường xảy ra là thiếu các giấy tờ thủ tục cần phải có trước khi đi biển như giấy phép đánh bắt, giấy đăng kiểm để bảo đảm con tàu có an toàn và được phép đi biển hay không. Thứ hai là lỗi vi phạm Nghị định 66 của Chính phủ: tàu thuyền ra khơi chưa đủ phao cứu sinh cho các thuyền viên trên tàu, hệ thống về cứu hỏa không hoạt động, bình chữa cháy vẫn còn thiếu nhiều.

Bảo đảm an toàn cho tàu cá

Việc các tàu cá chưa đủ điều kiện an toàn nhưng vẫn ra khơi đã khiến không ít vụ tai nạn thương tâm trên biển xảy ra. Nhiều ngư dân chưa ý thức được rằng, lao động đi biển là loại lao động căng thẳng, nặng nhọc và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai. Thậm chí tại một số làng biển ở Quảng Bình đang tồn tại quan niệm sai lầm rằng, đi biển mang theo áo phao là chẳng lành cho nên nếu có trang bị cũng để cho vui chứ không sử dụng. Mặt khác, công tác quản lý tàu thuyền của cơ quan chức năng tại cửa biển chưa tốt, còn để nhiều tàu thuyền chưa đủ điều kiện kỹ thuật, thiếu các thiết bị an toàn ra khơi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Lê Văn Lợi cho biết, hầu hết tàu, thuyền hoạt động trên biển của địa phương được trang bị những thiết bị hàng hải nhằm nâng cao năng lực đánh bắt hải sản và phòng, chống thiên tai như: máy định vị vệ tinh, máy thăm dò cá, hệ thống máy thông tin liên lạc tầm xa, nhưng do ngư dân vẫn còn chủ quan, thiếu tuân thủ sự chỉ huy từ đất liền cho nên tai nạn vẫn xảy ra. Nhiều tàu thuyền xa bờ khi có thông tin về cơn bão vẫn chủ quan cho rằng, bão còn ở xa vị trí tàu đang hoạt động cho nên không chịu vào bờ ngay mà tiếp tục đánh bắt, khi bão đến rất gần mới mở hết công suất chạy, điều đó dễ xảy ra các sự cố về máy móc, gây hậu quả đáng tiếc. Không ít lần, tàu cá bị hỏng máy phải thả trôi tự do khi bão đã cận kề, hoặc biển động mạnh làm cho công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến các vụ tai nạn và thiệt hại trên biển do mưa bão hằng năm xảy ra còn cao.

Theo Phó Giám đốc Lê Văn Lợi, năm nào bước vào mùa mưa bão, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành văn bản chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đánh bắt trên biển. Các địa phương ven biển tổ chức tuyên truyền để nâng cao ý thức tự phòng tránh thiên tai, giảm thiệt hại cho ngư dân. Vừa qua, chính quyền cơ sở và Bộ đội Biên phòng tuyến biển tại Quảng Bình đã tăng cường vận động, giải thích rõ hơn về tầm quan trọng của thiết bị cứu sinh cho ngư dân. Nhờ vậy mà phần lớn các tàu có công suất lớn đã trang bị nhiều thiết bị phục vụ cho việc đánh bắt như ra-đi-ô, máy định vị, máy thông tin tần số cao, máy dò cá, áo phao các loại cho nên hoạt động có hiệu quả hơn. Công đoàn Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đã hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Bình 30 máy thông tin liên lạc VX 1700 cho các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 đã được phê duyệt, góp phần nâng cao hiệu quả thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đánh bắt trên biển.

Phó Chi cục trưởng Kiểm ngư vùng I Võ Khôi Thành cho biết, qua kiểm tra tại ngư trường của Chi cục Kiểm ngư vùng I và Chi cục Thủy sản các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế cho thấy, việc vi phạm các quy định về an toàn hàng hải của ngư dân trên biển khá phổ biến. Ngoài sự chủ quan của ngư dân thì còn có trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong bờ trước mỗi chuyến đi biển của bà con. Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng khi cấp phép cho tàu xuất bến phải kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải, kiên quyết từ chối việc cấp phép nếu tàu cá thiếu các trang thiết bị an toàn. Có như vậy mới góp phần giảm tới mức thấp nhất thiệt hại đối với tàu cá trên biển.

Hiện, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 1.200 tàu đánh bắt vùng biển xa. Ở nhiều địa phương có lực lượng tàu cá xa bờ hùng hậu như Bảo Ninh, Đức Trạch, Cảnh Dương... đã thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, cho nên đã hỗ trợ nhau rất hiệu quả trong khai thác cũng như cứu hộ, cứu nạn. Điển hình có xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới là địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh với gần 500 chiếc. Xã đã thành lập được 12 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển và hai nghiệp đoàn nghề cá để hỗ trợ khi đánh bắt và tương trợ nhau khi xảy ra sự cố, thiên tai. Các tổ, nghiệp đoàn này đã hoạt động khá hiệu quả và góp phần giảm bớt thiệt hại, rủi ro khi đánh bắt trên biển. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình Lê Minh Phú, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn về tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, tìm kiếm ngư trường và mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá... để các ngư dân nâng cao tay nghề và có năng lực, phương pháp phòng ngừa thiên tai hiệu quả khi hoạt động trên biển.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm