Cập nhật: 21/12/2016 09:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cùng nằm trong địa bàn TP Vĩnh Yên, còn có cụm di tích đền, chùa Đậu (tên chữ là Long Đậu Tự) nằm sát cạnh nhau trong một khuôn viên, cả hai đều thuộc làng Chùa, một trong 13 làng thuộc xã Định Trung. Đền, chùa Đậu do dân tứ thôn (Chùa, Chám, Vèo, Gẩy) cùng góp công, góp của xây dựng nên và đặt tên theo thế đất nơi đây. Tương truyền, đất Định Trung thuở xưa có hình dáng của một con rồng đỗ (đậu) nên tại đây có 3 di tích và 1 làng cùng có tên là Đậu (làng Đậu, miếu Đậu, đền Đâu và chùa Đậu - chữ Long Đỗ/Long Đậu còn được giải nghĩa là rốn rồng?).

Đền chùa Đậu nằm cách trung tâm TP Vĩnh Yên 3km. Muốn đến thăm di tích có thể theo quốc lộ 2B (đi Tam Đảo) đến km số 2 rẽ trái theo đường liên xã khoảng 1km. Đền Đậu cũng thờ nữ tướng Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu. Tương truyền khi bà hóa, vua Hùng đã xuống chiếu cho các trang động – những nơi đã diễn ra sự kiện liên quan đến bà – được lập đền miếu phụng thờ. Đền Đậu cũng được lập nên trong điều kiện đó và hàng năm dân tứ thôn đều tổ chức những nghi lễ cúng tế trang trọng tưởng niệm bà.

Đền chùa Đậu được xây dựng trên một khu đất rộng ven làng, mặt hướng về phía Tây Nam, nhìn ra cánh đồng rộng mênh mông thoáng đãng. Từ tam quan bước vào, theo con đường chính đạo chạy giữa sân, vườn chùa dẫn tới quần hể di tích. Bên phải là đền, bên trái là chùa. Có lẽ do quan niệm tiền Phật, hậu Thánh nên đền được xây dựng lùi xuống một chút so với vị trí của chùa. Căn cứ vào dòng lạc khoản trên quả chuông Long Đậu Tự Chung được đúc vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) có thể đoán định, ngôi chùa phải được xây dựng trước thời Nguyễn, tức vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, thời Hậu Lê. Chùa có kiến trúc kiểu chồng rường giá chiêng, mặt bằng hình chữ công (I) với tòa Tiền đường 5 gian, 6 hàng cột; các cột và vì kèo đều được bào trơn đóng bén, không trạm chổ cầu kỳ. Có 2 bức hoành phi lớn thể hiện quan niệm của cổ nhân cho rằng Tiên là Mẫu và Mẫu cũng là Phật. Bức thứ nhất đề: “Hữu Tiên tắc danh” (nghĩa là có Tiên giáng ắt được mọi người sùng kính). Bức thứ 2 đề: “Ngưỡng Thánh Mẫu tôn” (nghĩa là mong đợi Thánh Mẫu tôn kính, theo Bảo tàng Vĩnh Phúc 2004). Nội dung các bức hoành phi nói trên cùng với việc bố trí nơi chốn thờ Phật và thờ Thánh trong cùng một khuôn viên cho thấy tư tưởng đồng nhất Phật và Mẫu (hoặc cặp đôi Phật và Mẫu) là một trong những nét riêng của tín ngưỡng dân gian vùng đất này.

Mặc dù người dân sở tại đều cho rằng đền Đậu được xây dựng từ rất lâu, nhưng thực tế, kiến trúc, điêu khắc đền hiện nay mang phong cách thời Nguyễn, thế kỷ XIX với hệ thống khung gỗ, vì kèo (2 vì ngoài làm theo kiểu chồng rường, 4 vỉ giữa kiểu chồng rường giá chiêng), mái bít đốc, mặt bằng kết cấu hình chữ đinh, gồm tòa Tiền tế 5 gian nối với Hậu cung 3 gian.

Cùng với việc tạo dựng kiến trúc một cách hợp lý, chuẩn mực, các nghệ nhân kiến tạo đền Đậu đã rất thành công trong việc trang trí tô điểm cho kiến trúc đền. Toàn bộ các xà ngang, dọc đều được đóng bén, soi bào, kẻ chỉ, cột sơn son vẽ rồng, các đầu dư được tạo tác thành hình đầu rồng dữ tợn. Khu vực cửa võng, hậu cung, cửa khám và khám thờ thần được trang trí bằng các bức chạm trổ vẽ sơn, tô son rất đẹp mắt. Đề tài và mô típ trang trí thường thấy là cuốn thư, hoa lá, vân mây, rồng chầu mặt trời, rùa, phượng, sư tử và long mã tập trung đậm đặc ở khu vực cửa võng, hậu cung. Đây là những hình thức trang trí phổ biến thời Hậu Lê.

Trong Lý lịch di tích đền chùa Long Đậu do Bảo tàng tỉnh biên soạn năm 2004 có nói đến 2 chiếc lư sành, 1 to, 1 nhỏ trang trí hình rồng chầu mặt trời trong số các hiện vật được thống kê nhưng chúng tôi không thấy có mặt ở chùa. Trong khi đó, tại chùa Đậu, trong số những cổ vật hiện còn lưu giữ ở chùa, chúng tôi chú ý đến 2 lư hương gốm sành men nâu được tạo dáng mũ hòa thượng. Lư miệng loe, thân thon dần về phía đáy, có chân đế, được chạm nổi đồ án tứ linh trọn bộ (4 con vật thiêng cùng xuất hiện trên một hiện vật). Từ nghệ thuật tạo dáng đến phong cách và mô típ trang trí cho thấy đó là sản phẩm mang niên đại thế kỷ XVII, XVIII của làng gốm Phù Lãng. Chi tiết này đã góp thêm cơ sở cho việc đoán định niên đại sớm của cụm di tích đền chùa này. Tại đền Thỏng, xã Đại Đình, Tam Đảo, trên điện thờ cũng lưu giữ một lư sành không men kích thước khá lớn (26cm), mang dáng mũ hòa thượng. Chúng tôi cho rằng, đây là sản phẩm của làng gốm Thổ Hà chứ không phải của làng gốm Hương Canh như một tư liệu nhận định. Mặc dù nằm cách Hương Canh – một làng gốm lâu đời nổi tiếng thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc không xa, nhưng sự hiện diện của các sản phẩm gốm sành của 2 làng gốm xứ Bắc (Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh, còn Thổ Hà thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang) tại đây cho thấy mối giao lưu kinh tế, văn hóa và tín ngưỡng giữa những vùng đất này từ những thế kỷ XVII, XVIII đã diễn ra rất mạnh mẽ. Nếu có điều kiện hệ thống một cách đầy đủ các hiện vật gốm hiện còn lưu giữ tại các di tích thuộc vùng văn hóa – tín ngưỡng Tây Thiên, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nhận thức và tư liệu quý về vùng đất này.

Ngoài các hiện vạt gốm cổ, một trong những cấu kiện kiến trúc cho phép chúng ta nghi vấn/đoán định về một niên đại xa xưa hơn của ngôi đền là khu khám thờ/lầu thờ ở hậu cung đền. Khám thờ xây cách mặt đất hơn 2m, rộng khoảng 9m2, có cầu thang lên, trên đặt hương án, bát hương, ngai thờ sơn son thếp vàng. Chỉ có cụ thủ từ mới được đặt chân lên khám này. Đây là một trong những bộ phận kiến trúc của nhiều ngôi đình Bắc Bộ - đặc biệt là đình làng xứ Đoài thế kỷ XV, XVI. Và không chỉ có đền Đậu, một số ngôi đền khác trong hệ thống thiết chế thờ Quốc Mẫu Tây Thiên (như đền Thỏng, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo) cũng lưu giữ bộ phận khám thờ như vậy. Đây có phải là bằng chứng về sự giao thoa, ảnh hưởng của nghệ thuật đình làng với kiến trúc nhà sàn của các dân tộc vùng núi Tam Đảo hay không? Để giải mã hiện tượng này, chắc chắn phải có những nghiên cứu sâu hơn về hệ thống kiến trúc tôn giáo trên địa bàn Vĩnh Phúc.

 

ST

Tệp đính kèm