Cập nhật: 01/01/2017 15:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

(ĐCSVN) – Nắm bắt được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, mỗi năm cứ dịp Tết Nguyên Đán đến gần, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái lại hoành hành. Vậy đâu là giải pháp phòng, chống hiệu quả?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hùng – Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389).

Ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 (Ảnh: K.D)

Điệp khúc “đến hẹn lại lên”

Phóng viên: Thường cứ dịp cuối năm lại thấy các lực lượng liên ngành mới tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Vì sao không “tăng cường” thường xuyên trong năm, thưa ông?

Ông Trần Hùng: Thực tế, công tác kiểm tra vẫn được tiến hành thường xuyên, tuy nhiên nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng tăng mạnh nên cứ dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm trong khi lực lượng liên ngành lại mỏng, vì vậy phải tăng cường là vậy.

Phóng viên: Thủ đoạn các đối tượng thường dùng là gì, thưa ông?

Ông Trần Hùng: Các đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta. Khi có điều kiện thuận lợi chủ hàng lậu chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ. Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng buôn lậu còn làm giả giấy tờ hoặc gian dối trong việc kê khai hàng hóa để buôn lậu… Ngoài ra, đối tượng lợi dụng tâm lý hám lời và không hiểu biết pháp luật của một số người dân để dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng. Chúng thuê người dân thực hiện các công đoạn như thu gom hàng ở nước ngoài, tập kết, vận chuyển qua biên giới, cất giấu và vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Phóng viên: Dường như hàng giả, hàng nhái thường dựa vào các thương hiệu nổi tiếng khác. Vậy ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, ông đánh giá như nào về vai trò của doanh nghiệp?

Ông Trần Hùng: Có thể khẳng định doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc chống hàng giả, hàng nhái. Hiện nay, là rất nhiều các mặt hàng nhái thương hiệu các hãng nổi tiếng, lừa dối người tiêu dùng đưa ra thị trường, khiến người tiêu dùng mất tiền thật mà mua phải hàng giả. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất trong quản lý thực thi công vụ của lực lượng quản lý thị trường là sự hợp tác của doanh nghiệp. Có chủ thể quyền bị làm giả mà người ta không hợp tác, đặc biệt là các hãng nổi tiếng. Thực tế, có hãng khi lực lượng chức năng phát hiện lại xin đừng công khai báo đài vì sợ không bán được hàng. Đây là hiện tượng có thật. Họ chỉ thích quảng bá còn bộ phận chống giả họ chưa chủ động phối hợp vì vậy lực lượng còn gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ công cụ để phát hiện và xử lý hàng giả hàng nhái của lực lượng chức năng?

Ông Trần Hùng: Chúng tôi phát hiện qua nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ... đều có thể xử phạt được. Ngoài ra, chúng tôi cũng dựa vào giá sản phẩm, với các hàng chính hãng giá mọi người điều biết, giá rất đắt nhưng các mặt hàng bày bán hè phố, lề đường lại rất rẻ thì có thể biết ngay đó là hàng giả, hàng nhái.

Về xử lý, các mặt hàng có thể giám định bằng mắt thường, phát hiện giả, nhái có thể tịch thu, tiêu hủy. Ngoài chế tài xử phạt, đối với công ty tịch thu tiêu hủy, phạt bổ sung, ngừng cấp phép hay cấm kinh doanh tùy mức độ. Tuy nhiên, đã là mặt hàng giả thì không thể được bán mà thường là tiêu hủy.

Cần một “nhạc trưởng” điều phối

Phóng viên: Vì sao hàng giả hàng nhái vẫn tiếp tục hoành hành trong khi theo số liệu của các cơ quan chức năng, hàng năm lượng hàng giả, hàng nhái bị bắt và xử lý không hề nhỏ? Liệu có sự bắt tay giữa lực lượng chức năng bảo kê cho các đối tượng?

Ông Trần Hùng: Theo con số thống kê mới đây của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, chỉ riêng trong 11 tháng qua, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 21.500 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó đã khởi tố hình sự 183 vụ đối với 216 đối tượng.

Con số trên chỉ nói lên phần nhỏ của tình trạng gian lận thương mại, con số thực lớn hơn rất nhiều. Hàng giả hàng nhái vẫn tồn tại có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, nguyên nhân do hàng giả, hàng nhái là mặt hàng đem lại lợi nhuận rất lớn. Chẳng hạn một túi giả chỉ có 200 USD nhưng nó được bán với giá 600 USD, điều này khiến các đối tượng bất chấp nguy hiểm, bất chấp thủ đoạn chống lại lực lượng thực thi công vụ.

Nguyên nhân nữa là tâm lý nể nang vẫn còn khá phổ biến trong lực lượng quản lý thị trường. Thực tế, có hiện tượng các đối tượng buôn lậu có thể dùng mọi mối quan hệ để làm quen hết các đối tượng thực thi công vụ để nhờ vả, can thiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng thực thi công vụ. Đây là mặt trái tồn tại vẫn đang diễn ra hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân để hàng giả, hàng nhái có đất sống.

Nguyên nhân nữa, là chính sách đãi ngộ quản lý thị trường vẫn còn hạn chế. Các lực lượng chức năng rất vất vả để phát hiện và bắt một vụ buôn bán hàng lậu nhưng chính sách khen thưởng chưa kịp thời trong khi việc làm này nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng khiến họ đôi khi còn tâm lý “e dè”.

Phóng viên: Vậy, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, theo ông đâu là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái hoành hành như hiện nay?

Ông Trần Hùng: Việc đầu tiên chúng ta cần giải quyết bây giờ là vấn đề giới hạn địa bàn. Theo tôi, giờ đây chính sách này đã không còn hợp lý. Theo quy định, hiện nay lực lượng quản lý thị trường ở Hà Nội thì chỉ kiểm tra ở Hà Nội, trong khi nghiệp vụ của họ rất giỏi nếu họ phối hợp được với các địa phương hay vùng biên giới thì sẽ rất hiệu quả.

Trên thực tế, có hiện tượng nể nang, buông lỏng quản lý tại địa phương do quen biết. Vì vậy, nếu lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tìm ra manh mối để bắt được từ biên giới thì để cho họ làm.

Cùng với đó là đi kèm với cơ chế thưởng hợp lý để khuyến khích lực lượng chức năng. Chúng ta nên có một quỹ lớn thông qua doanh nghiệp đóng góp, thay vì họ quảng bá quá nhiều trên truyền hình thì họ dành một phần lợi nhuận để khen thưởng cho các đơn vị, lực lượng đi bắt hàng giả. Cùng với cơ chế khen thưởng thì cần có chế tài xử phạt, nếu trên địa bàn quản lý xảy ra hiện tượng cần phải xử lý. Đồng thời, nhân dân cũng phải đồng thuận. Có thể thưởng nóng cho người cung cấp thông tin cũng là giải pháp.

Đi cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh, chống hàng giả hàng nhái thì các công ty sản xuất cũng phải vào cuộc chống vì nếu giá cả quá chênh lệch không phù hợp với điều kiện người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn thì vẫn có đất cho hàng giả, hàng nhái tồn tại. Phòng phải đi đôi với chống, nếu chúng ta chặn nhưng thị trường lại thiếu hàng hóa thì lại tạo kẽ hở cho các đối tượng đầu cơ tích trữ kiếm lời.

Tuy nhiên, để công tác chống hàng giả, hàng nhái thật sự có hiệu quả thì tất cả các giải pháp trên cần được thực hiện một cách đồng bộ. Chúng ta cần “nhạc trưởng” để điều phối. Tôi tin, người đứng đầu ngay ngắn thì tất cả cũng phải nghiêm chỉnh, cũng như “áo có cổ, nhà có nóc”, người đứng đầu là người quyết định. Người đứng đầu phải là người có tâm và có tài, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cũng cho thấy, ở địa bàn nào mà cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu có trách nhiệm, kiên quyết trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại thì hiện tượng này được ngăn chặn. Còn địa phương nào lãnh đạo, người đứng đầu coi nhẹ, thiếu quan tâm thì hiện tượng này còn phổ biến.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo Kim Dung (Thực hiện)

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tệp đính kèm