Muốn “sống khỏe” trong bối cảnh hội nhập, ngoài tiếp cận vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới.
Khai thông nguồn vốn
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm tỉ lệ 97% trong tổng số 610.000 doanh nghiệp của Việt Nam, hầu hết đều đang rất “khát” vốn để trưởng thành.
Nhiều DNNVV đang cần vốn để mở rộng hoạt động (Ảnh minh họa: KT)
Hiện tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như: tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…Về lâu dài, các doanh nghiệp này vừa cần có cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy năng lực sản xuất kinh doanh, phát triển hạ tầng thương mại cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Trong những năm qua, dù nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập vẫn có xu hướng tăng lên, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, lâu nay, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có được sự hỗ trợ đúng mức để đạt được sự phát triển tối ưu.
Cụ thể, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết, DNNVV đang rất cần vốn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, nếu DNNVV có được nguồn vốn hỗ trợ, họ sẽ tránh được thế bị động. Vì thế, ông mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi và được hưởng cơ chế thông thoáng trong hoạt động kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, giai đoạn 2008-2009, phải giảm và giãn nợ 34.000 tỷ đồng cho DNNVV, giảm và giãn cho thu nhập doanh nghiệp 21.630 tỷ đồng. Nghĩa là khi doanh nghiệp nhỏ và vừa vấp phải hoàn cảnh khó khăn, bị thua lỗ không trả được thuế thì mới xử lý tình thế đó để giảm và giãn… Trong bối cảnh hiện nay, ông Thân nhấn mạnh: nếu chấp nhận, nên giảm trước, ưu tiên trước để doanh nghiệp chủ động hơn.
Khảo sát PCI 2015 cho thấy tỷ lệ các DNNVV có khoản vay từ ngân hàng là thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp quy mô lớn. Trung bình, chỉ có 40% doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, trong khi đó, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nhỏ là 62%, doanh nghiệp vừa là 74% và doanh nghiệp lớn là 81%.
Không nên cào bằng
Thực tế cho thấy số lượng DNNVV hiện nay là quá lớn so với nguồn lực từ ngân sách vốn đã rất hạn hẹp. Vì thế, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu kiến nghị không nên đưa ra các chính sách kiểu hỗ trợ cào bằng, rải đều một cách chung chung mà phải xem xét, lựa chọn nhóm, ngành, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi phải có nền tảng và cơ bản có khả năng tham gia hoặc sẽ tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, phù hợp với kế hoạch dịch chuyển cơ cấu các cấp và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đặc biệt thích ứng với xu hướng phát triển của nền kinh tế theo hướng hiện đại.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần phải thẩm định doanh nghiệp đã đủ lớn mạnh hay chưa để ngưng không nhận các khoản hỗ trợ.
Ông Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sáchQuốc hội, lưu ý: Việc hỗ trợ doanh nghiệp không phải là hoạt động từ thiện, hảo tâm. “Để các nhà đầu tư bỏ tiền ra thì họ phải nhìn thấy, kỳ vọng thấy lợi ích sẽ thu về…”, ông Hàm nêu quan điểm.
TS. Hoàng Quang Hàm phân tích: Việc hỗ trợ gián tiếp từ ngân sách chưa nhìn thấy điểm sáng, huy động các nguồn lực trong xã hội phải tuân theo tiếng gọi của thị trường, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhưng chưa có hướng đi cụ thể. Vì thế, về lâu dài, theo đại biểu này, không nên trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách mà phải theo quan điểm nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ bằng thể chế, cơ chế chính sách.
Giải bài toán công nghệ
Theo Vietnam Report, hiện nay, phần lớn DNNVV đang gặp khó khăn trong nghiên cứu khoa học, tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến do thiếu kinh phí. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Nhà nước chưa sát sao, phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, loại hình doanh nghiệp này rất yếu thế trong cạnh tranh, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm...
DNNVV còn nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ mới (Ảnh minh họa: KT)
Để phát triển bền vững và nhanh chóng hội nhập quốc tế, đã có nhiều chính sách được đưa ra nhằm thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ đi vào thực chất hơn. Thế nhưng, phần lớn các DNNVV đến nay vẫn chưa đủ năng lực để có thể tiếp nhận công nghệ mới.
Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bắc Việt, cho biết, để tiếp nhận hay chuyển giao công nghệ mới, vấn đề tài chính và con người làm chủ được công nghệ đang là cản trở lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - về trình độ sử dụng công nghệ, chỉ có khoảng 8% số DNNVV đạt trình độ công nghệ tiên tiến (phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Còn về doanh nghiệp trong nước, hầu hết đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Đặc biệt, khả năng cạnh tranh về công nghệ của các doanh nghiệp phía Bắc là rất thấp. Chỉ tiêu về sử dụng công nghệ thông tin cũng cho thấy, tuy số doanh nghiệp có sử dụng máy vi tính lên đến hơn 60% nhưng chỉ có 11,55% doanh nghiệp có sử dụng mạng nội bộ - LAN, số doanh nghiệp có website là rất thấp chỉ 2,16%.
Các chuyên gia về công nghệ cho rằng, các DNNVV cần hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại, thích hợp và cần được cung cấp thông tin công nghệ, thị trường… để tăng cường cạnh tranh trong sản xuất, chế biến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Chính phủ thành nên lập một số tổ chức hỗ trợ tư vấn trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhằm giúp các DNNVV có thêm tiềm lực mới trong công cuộc hội nhập quốc tế.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động, đóng góp hơn 40% GDP, và 31% vào tổng số thu ngân sách./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN