Cập nhật: 04/01/2017 09:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tết đến xuân về cũng là dịp giao lưu thăm hỏi lẫn nhau. Mỗi cuộc gặp gỡ thường đi kèm việc uống rượu bia, ăn uống nhiều đạm, mỡ, thực phẩm ngọt nhiều đường, bánh trái, sinh hoạt thất thường, quên uống thuốc đều đặn... dễ ảnh hưởng bệnh tật và sức khỏe, nhất là những người đang mắc bệnh mạn tính phải tuân thủ chế độ điều trị liên tục và đúng quy định.

Người cao tuổi nên duy trì tập thể dục đều đặn, kể cả trong những ngày lễ Tết. Ảnh: TM

Có nhiều bệnh mạn tính mắc phải, nhưng bài viết sau chỉ đề cập một số bệnh mạn tính thường gặp hiện nay, cần có chế độ quản lý khắt khe: đái tháo đường; bệnh tim và tăng huyết áp; bệnh COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).

Ðái tháo đường

Quản lý bệnh đái tháo đường của bạn trong những ngày nghỉ Tết: Giống như quản lý trong ngày thường. Nhưng vào dịp Tết, không phải bạn luôn luôn có thể kiểm soát những thực phẩm dùng hằng ngày, vì bạn đang bị lệ thuộc vào các thức ăn được mời khi đi giao lưu thăm hỏi và bị chi phối với các sinh hoạt thất thường.

Điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt: ăn, hoạt động thể chất và dùng thuốc đều đặn gần với thời gian bình thường quy định. Nếu bạn có một bữa tiệc ngọt, cắt giảm các carbohydrate khác (như khoai tây và bánh mì) trong bữa ăn. Đừng bỏ qua các bữa ăn tiết chế cho một bữa tiệc. Khi bạn đối mặt với thực phẩm ngon ngày Tết trong một bữa tiệc, nên lựa chọn bữa ăn sức khỏe và dễ dàng để thực hiện bằng cách lấy một đĩa nhỏ các loại thực phẩm bạn thích nhất và sau đó di chuyển ra khỏi bàn tiệc; Ưu tiên chọn các loại rau quả mà bạn thích; Ăn chậm lại và tăng cường thưởng thức các hương vị để tạo cảm giác no; Tránh hoặc hạn chế uống rượu bia, do rượu bia có thể làm giảm lượng đường trong máu và tương tác bất lợi với các thuốc điều trị đái tháo đường.Người cao tuổi

Tăng cường đi bộ: Nên đi bộ khi thăm hỏi các nhà gần, tổ chức cùng gia đình đi dạo, viếng cảnh, hái lộc và lễ chùa đầu năm. Hãy vận động bạn bè và gia đình cùng đi bộ trong công viên sau một buổi ăn tối của các ngày Tết.

Ngủ đủ giấc: Nếu bạn đi ra ngoài thường xuyên hơn trong các ngày Tết, đi xuyên trưa và về nhà đến khuya, như vậy có khả năng có được giấc ngủ ít hơn. Ngủ ít và mất ngủ có thể làm khó khăn hơn để kiểm soát lượng đường trong máu. Và khi bạn đang bị thiếu ngủ, bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn và thích có nhiều chất béo, thực phẩm có lượng đường cao. Mục tiêu cho 7-8 giờ ngủ mỗi đêm để bảo vệ chống lại sự thèm ăn thiếu kiểm soát và ổn định đường máu.

Dự trữ thuốc điều trị đái tháo đường: Có đủ thuốc điều trị đái tháo đường hằng ngày, dùng đủ trong Tết và trước khi đi tái khám trở lại. Dùng thuốc đều đặn và đúng giờ quy định là một yêu cầu khắt khe của bệnh lý này, hết sức chú ý do ngày Tết dễ quên và thời gian sinh hoạt thất thường. Nếu thuốc dưới dạng thuốc tiêm, phải bảo quản theo đúng quy định.

Kiểm tra đường máu thường xuyên hơn trong những ngày nghỉ Tết: Có thể tự kiểm tra bằng test đường máu mao mạch nhanh và điều chỉnh thuốc theo hướng dẫn nếu cần thiết.

Kiểm tra cân nặng: Tự kiểm tra cân nặng để tiết chế ăn uống khi có tăng cân.

Bệnh tim và tăng huyết áp

Lên một kế hoạch quản lý bệnh tim và tăng huyết áp cho những ngày nghỉ Tết: Ví dụ, lên kế hoạch với chính mình trong những ngày nghỉ Tết: Có một tuần nghỉ Tết, ít nhất 30 phút hoạt động đi bộ mỗi ngày, một bữa ăn sáng hợp lý lành mạnh trước khi đi chúc Tết và về ăn trưa đúng giờ kèm nghỉ ngơi 30 phút trưa, buổi tối không nên về quá trễ và vẫn phải đảm bảo ngủ đúng giờ như ngày thường. Chế độ ăn hạn chế đồ ngọt và bia rượu khi đi thăm hỏi. Bố trí từng gói nhỏ thuốc tim và huyết áp cho các bữa theo đúng liều thường dùng hằng ngày và dùng thuốc trước khi rời khỏi nhà, cũng có thể để sẵn một ít thuốc thường dùng và thuốc cấp cứu trong túi áo để sử dụng khi cần thiết.

Điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt: Ngày Tết, chắc chắn nhà nào cũng dự trữ và mời nhau nhiều thực phẩm giàu chất béo, quá nhiều món ăn ngọt hay mặn có thể là một mối quan tâm cho những người có tăng huyết áp, tốt nhất nên hạn chế chất béo bão hòa và thực phẩm quá ngọt hay quá mặn; hút thuốc lá thụ động là một mối quan tâm cho tất cả mọi người và người đang mắc bệnh tăng huyết áp, nên tránh khói thuốc. Nếu bạn là một khách mời tất niên hay tân niên, nên có kế hoạch ăn một bữa ăn nhẹ lành mạnh trước khi bạn đi và phải có ý thức lựa chọn để ăn ít hơn ở các buổi tiệc này.

Dự trữ thuốc tim và huyết áp: Nên dự trữ nguồn thuốc tối thiểu 10 ngày, có thể dùng đủ trong Tết và kéo dài thêm vài ngày sau Tết, trước khi đi tái khám trở lại. Cũng nên trao đổi với bác sĩ trước Tết để dự trữ một số cơ số thuốc cấp cứu và phù hợp với bệnh tim mạch mà bạn đang mắc phải.

Thiết lập kênh liên lạc với bác sĩ: Nên thảo luận và tạo sự đồng thuận với bác sĩ về khả năng liên hệ qua điện thoại trong những ngày nghỉ Tết khi thật cần thiết. Nên hỏi bác sĩ, ghi lại và nhớ các dấu chứng và triệu chứng cảnh báo nguy cơ bệnh tim mạch (đau thắt ngực, khó thở...) cần phải báo ngay cho bác sĩ.

Duy trì tập thể dục đều đặn: Tốt nhất là duy trì đi bộ 30 phút/ngày. Nếu gặp ngày trời rét trong dịp Tết, nên tập trong nhà, không nên ra ngoài đường, những môn phù hợp và tập trong nhà như tập dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền. Kiểm tra cân nặng suốt các ngày Tết để điều chỉnh khi cần thiết.

Đo huyết áp hằng ngày: Cần tự kiểm tra huyết áp hằng ngày trong các ngày nghỉ Tết, ghi vào nhật ký và có thể điều chỉnh liều thuốc nếu cần thiết, tất nhiên đã được tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ trước đó.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Có một kế hoạch quản lý bệnh COPD trong kỳ nghỉ Tết: Vẫn duy trì các bài tập phục hồi chức năng đã được hướng dẫn hằng ngày trong các ngày Tết, duy trì các bữa ăn với các món ăn quen thuộc, đảm bảo ngủ đúng giờ như ngày thường. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, ngọt và cay. Hạn chế bia rượu khi đi thăm hỏi. Dùng thuốc đều đặn các ngày Tết, nếu có sử dụng bơm xịt giãn phế quản và các thuốc xử trí đợt cấp (bác sĩ chỉ định và hướng dẫn) thì nên để sẵn trong túi áo khi đi ra ngoài.

Vấn đề ăn uống: Bù đủ nước hằng ngày, chọn các món ăn theo chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ hướng dẫn.

Tránh khói thuốc lá: Trong thực tế, hút thuốc lá gây ra khoảng 90% trường hợp COPD. Nhu cầu thăm hỏi vào các ngày Tết sẽ tạo điều kiện tiếp cận với môi trường có khói thuốc lá. Tốt nhất bạn phải tránh ngay nơi có khói thuốc lá, do nguy cơ hút thuốc lá thụ động khá cao. Bạn có thể yêu cầu các bạn bè không hút thuốc lá khi gặp gỡ chúc Tết.

Dự trữ thuốc điều trị và xử trí ban đầu đợt cấp COPD: Dự trữ đủ nguồn thuốc để dùng các ngày Tết. Cũng nên trao đổi với bác sĩ trước Tết để dự trữ một số cơ số thuốc cấp cứu ban đầu cho bệnh COPD, nếu bác sĩ xét thấy cần thiết.

Theo dõi sát các triệu chứng COPD: Nếu có các dấu chứng và triệu chứng cảnh báo nguy cơ suy hô hấp, cần tự xử trí ngay trong giai đoạn sớm theo hướng dẫn của bác sĩ đã tư vấn trước đó. Ví dụ: sử dụng ngay bơm xịt giãn phế quản với liều lượng hướng dẫn. Tự nhận biết các triệu chứng nặng để kết nối với bác sĩ khi cần.

Duy trì các bài tập thở và phục hồi chức năng đều đặn trong các ngày Tết: Nhằm đảm bảo tính ổn định và tránh tái phát của bệnh COPD.

Vấn đề đi lại: Tránh tình trạng gắng sức khi đi lại như đạp xe hoặc đi bộ quá nhiều. Nếu bạn khó thở khi gắng sức hoặc bác sĩ khuyên không nên gắng sức, tốt nhất nhờ người khác chở giùm khi đi thăm hỏi. Hạn chế leo cầu thang hoặc dốc cao, do gắng sức có thể làm khó thở. Đi lại bằng ôtô cũng giúp hạn chế ô nhiễm bụi trên đường giao thông, ô nhiễm bụi có thể làm dễ khởi phát đợt cấp.

Luôn luôn có những cám dỗ dễ làm đảo lộn thói quen sống lành mạnh vào những ngày nghỉ Tết: Ăn uống quá nhiều, không tập thể dục, thức khuya, lo lắng tổ chức vui Tết thật đầy đủ, thăm chúc Tết triền miên - tất cả những điều này có thể làm cho bạn cảm thấy áp lực và chểnh mảng và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Vui Tết 2017 nhưng vẫn giữ được một sức khỏe tốt là điều ai cũng mong muốn, nhất là những người mắc bệnh mạn tính và cao tuổi!

TS.BS. Lê Thanh Hải

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm