Một tiết mục múa dân gian của dân tộc Thái. Ảnh: THANH HÀ
Từ thế kỷ trước, múa chuyên nghiệp Việt Nam đã vững chãi trên nền múa dân gian dân tộc để phát triển và thăng hoa. Trên sân khấu chuyên nghiệp ở trung ương và địa phương thường xuyên xuất hiện các điệu múa dân gian dân tộc và được người xem nhiệt liệt hoan nghênh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sân khấu chuyên nghiệp vắng bóng múa dân gian dân tộc vì bị các điệu múa đương đại lấn át.
Ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, các đoàn nghệ thuật trung ương và địa phương đã đua nhau dàn dựng các tiết mục múa dân gian dân tộc. Hàng loạt các điệu múa khai thác từ kho tàng múa của các dân tộc thiểu số ra đời. Chào mừng Tây Bắc được giải phóng, biên đạo múa Hoàng Châu đã từng nhiều năm sưu tầm múa dân gian Thái đã sáng tạo thành công tác phẩm múa Tây Bắc vui tươi. Đây là tác phẩm sử dụng chất liệu múa dân tộc thiểu số đầu tiên trong sáng tạo múa chuyên nghiệp. Sau đó ông cùng với biên đạo múa Phùng Nhạn sáng tác múa Chim Gâu dựa theo múa dân gian dân tộc Cao Lan. Các tiết mục múa lấy chất liệu từ các điệu múa dân gian dân tộc khoe đủ mầu sắc khiến rừng hoa nghệ thuật múa rực rỡ như: Mùa xuân trên bản H’Mông (biên đạo Chu Thúy Quỳnh); Hửng nắng, Cây bông, Tiếng vọng (biên đạo Lê Ngọc Canh); Đàn chim công (biên đạo Ứng Duy Thịnh); Quạt Chăm, Khát vọng, Trống baranưng (biên đạo Đặng Hùng); Tiếng trống Tây Nguyên (biên đạo Y Brơm); Múa hoa ban nở (biên đạo Minh Tiến)... Nói đến nền múa chuyên nghiệp Việt Nam phải kể đến những tác phẩm múa xuất sắc được các nghệ sĩ sáng tạo có nguồn gốc từ múa dân gian dân tộc như: Múa Chăm, Múa Ka Tu, Múa Roong Chiêng, Múa nón Thái, Múa Sạp, Múa Ô... Có thể nói, múa dân gian dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh đánh giá: Hành trình sáng tạo múa chuyên nghiệp trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy những điểm sáng, những dấu ấn lịch sử của những tác phẩm múa thành công đều có nguồn cội sáng tạo từ múa dân gian dân tộc thiểu số. Chính múa dân gian dân tộc có sức mạnh, có giá trị bản sắc văn hóa đã là mạch nguồn hấp dẫn đối với các nhà biên đạo múa của các thế hệ.
Các điệu múa dân gian dân tộc chuyên nghiệp đã được nhiều giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế. Trong các buổi biểu diễn giao lưu ở nước ngoài, những tiết mục này luôn là sứ giả quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Vậy mà những năm gần đây, múa dân gian dân tộc lại vắng bóng trên sân khấu chuyên nghiệp, dường như bị người xem lãng quên. Trong các cuộc hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, các tiết mục múa dân gian của các đoàn tham gia hội diễn không nhiều, đầu tư kinh phí và thời gian ít ỏi, vì thế chất lượng tác phẩm không cao, không để lại ấn tượng. Trong khi đó các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài du nhập vào nước ta rất nhiều, qua các kênh thông tin nghệ thuật trên sóng truyền hình, qua các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam... Lôi cuốn công chúng vào sự hấp dẫn mới lạ, quên cả những cái hay của nghệ thuật dân tộc mình. Thực trạng đó đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời để múa dân gian dân tộc trở lại thời hoàng kim vốn đã có.
Trước hết, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cùng các đơn vị nghệ thuật múa chuyên nghiệp cần tập trung đầu tư cả con người và kinh phí cho các tiết mục múa dân gian dân tộc. Sớm xây dựng đội ngũ biên đạo trẻ tài năng, có tâm huyết với múa dân gian dân tộc. Theo NSƯT Hòa Hiếu: Để có chất liệu múa dân gian dân tộc, người biên đạo phải dựa vào hai nguồn. Thứ nhất là những giáo trình giảng dạy múa dân gian dân tộc trong các trường cao đẳng, trung cấp đã được hệ thống hóa một cách khoa học. Nguồn thứ hai là do chính người biên đạo nắm bắt được trong những dịp tiếp xúc với những vùng, miền có các dân tộc thiểu số sinh sống, hay có dịp tham dự các lễ hội văn hóa dân gian, tín ngưỡng dân gian. Người biên đạo trực tiếp say mê đi sưu tầm, nghiên cứu học múa qua các nghệ nhân cũng rất quan trọng. Vì từ đó họ thấu hiểu nguồn gốc, lịch sử, môi trường sáng tạo, bản sắc độc đáo của từng dân tộc. Các nghệ sĩ trước đây trong kháng chiến đã có thời gian dài ở cùng với nhân dân, thường xuyên tắm mình trong các điệu múa dân gian của các dân tộc thiểu số, là một trong những nhân tố quan trọng sáng tạo nên những tác phẩm đỉnh cao. Cho nên việc đi thực tế, bám sát nguồn cội múa dân gian dân tộc rất vất vả, khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, đòi hỏi sự kiên trì, say mê, vượt khó của nghệ sĩ. Điều này cũng rất cần đến sự đầu tư, công tác tổ chức quản lý của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong tình hình kinh tế hiện nay, công tác xã hội hóa nghệ thuật chuyên nghiệp đã được triển khai, cơ chế tự chủ được thực hiện, song cơ chế đó đang cần sự hoàn thiện, minh bạch trong hành lang pháp lý. Dù có cơ chế tự chủ, xã hội hóa thì việc đầu tư của Nhà nước cho các tiết mục múa dân gian dân tộc, nhất là những tiết mục xuất sắc có quy mô lớn, chất lượng cao, vẫn vô cùng cần thiết. Múa dân gian dân tộc chuyên nghiệp cần có "đất dụng võ" và phải xuất hiện thường xuyên trên sân khấu chuyên nghiệp, chứ không phải chỉ có mặt ở các cuộc liên hoan, hội diễn.
Khuynh hướng sáng tác hiện nay là các tiết mục múa dân gian dân tộc không chỉ thể hiện tinh hoa, cốt lõi mà cần mang được hơi thở của thời đại, thẩm mỹ của công chúng hôm nay. Khuynh hướng đó không phải bây giờ mới có mà trước đây, lớp nghệ sĩ đi trước đã thực hiện. Có nhiều tác phẩm múa như Hứng dừa (NSND Ngọc Cường); Bên dòng sông Lô năm xưa (NSND Công Nhạc)... mang đậm nét dân gian Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn và tinh tế với múa cổ điển châu Âu. Đặc biệt, tác phẩm Cánh chim mặt trời của NSND Thái Ly là một tác phẩm điển hình về sự kết hợp giữa múa dân gian dân tộc Việt Nam và múa cổ điển châu Âu đã được đưa vào giảng dạy làm mẫu ở các trường nghệ thuật trong cả nước. Sự vận dụng và phát triển ngôn ngữ múa không chỉ dừng lại ở tiết mục múa ngắn mà còn ở cả các chương trình thơ múa, kịnh múa. Những vở múa này thành công trong việc sáng tạo cái mới, kết hợp một cách tài tình, khôn khéo giữa chất liệu dân gian dân tộc với ngôn ngữ múa cổ điển châu Âu, múa đương đại như: Kịch múa Ngọc trai đỏ (NSND Việt Cường); kịch múa Đất nước (NSND Ứng Duy Thịnh)... Các nhà biên đạo trẻ cần tìm tòi, sáng tạo nhiều cái mới cho múa dân gian dân tộc chuyên nghiệp để tạo nên sức hấp dẫn cho người xem.
Theo nhandan.com.vn