Cập nhật: 06/01/2017 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo bài viết trên trang mạng của Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor, với việc tái chiếm Aleppo, các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành được chiến thắng lớn nhất trong cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria. 

 

Máy bay Su-35 của Nga tại căn cứ không quân

Hmeimym ở Latakia, Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự hỗ trợ về quân sự, ngoại giao và tài chính từ Iran and Nga đã đóng vai trò rất lớn trong chiến thắng này.

Mặc dù có chung "sự nghiệp" tại Syria và cả hai chính phủ đều đầu tư rất nhiều vào cuộc chiến này, song Moskva và Teheran vẫn bất đồng về một số vấn đề liên quan đến cuộc xung đột.

Bất đồng giữa hai quốc gia thể hiện rõ nhất qua cam kết của họ đối với lực lượng trung thành với ông Assad.

Mặc dù Nga đã cam kết duy trì và ủng hộ các lực lượng trung này, song cam kết của Moskva đối với cuộc chiến Syria không đạt được mức như Tehran mong muốn.

Thông qua chiến dịch can thiệp vào Syria, Nga đang tìm cách nâng vị thế của họ tại Trung Đông, thể hiện vị thế của mình trên trường quốc tế, xử lý mối đe dọa đến từ những phần tử cực đoan và giành được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với phương Tây.

Trái lại, Iran coi cuộc chiến Syria là mặt trận quan trọng số một trong cuộc chiến sinh tồn có liên quan trực tiếp tới an ninh địa chính trị của họ.

So với Iran - nước quyết tâm giành thắng lợi quân sự hoàn toàn bằng mọi giá, Nga không muốn phải can dự đến cùng vào cuộc xung đột Syria và muốn rút lui khi cuộc chiến bị đẩy đến giai đoạn cao trào.

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Syria còn lâu mới kết thúc. Mặc dù tháng 12/2016 vừa qua các lực lượng trung thành với ông Assad đã giành được Aleppo, song họ lại để mất thành phố Palmyra vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đây có thể coi là một thất bại khá nghiêm trọng. Các nhà hoạch định quốc phòng của Nga nhận thức rõ rằng việc kéo dài sự can dự tại Syria thêm vài năm nữa sẽ gây phương hại tới năng lực chiến đấu của quân đội Nga và có thể khiến Nga mắc kẹt trong "bãi lầy" Trung Đông, giống như tình huống của Mỹ tại Iraq. Do đó, Nga đang tìm cách thoái lui.

Tuy nhiên, để có thể thoát khỏi cuộc chiến Syria, Nga cần phải có một giải pháp chính trị thông qua đàm phán cho cuộc xung đột này.

Một tiến trình như vậy đòi hỏi phải có sự tham gia của các lực lượng nổi dậy cùng các thế lực bên ngoài hậu thuẫn họ, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, Moskva đã tăng cường đối thoại với Ankara về vấn đề Syria, thậm chí cả trước khi hối thúc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc.

Cuộc chiến giành Aleppo bộc lộ những nỗ lực tích cực của cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được một thỏa hiệp, theo đó phiến quân rút khỏi thành phố để lực lượng trung thành với ông Assad an toàn tiến vào đây.

Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không hề đơn giản do ban đầu Iran phản đối kế hoạch này.

Tại Aleppo, lực lượng dân quân do Iran lãnh đạo đã nhanh chóng chặn đường thoát của quân nổi dậy, và Tehran chỉ đồng ý tạo lối thoát cho các tay súng đang bị bao vây nếu những ưu tiên của họ được bổ sung vào thỏa thuận ngừng bắn.

Iran yêu cầu phải đưa hai ngôi làng al-Fuah và Kefraya đang bị bao vây của người Shi'ite vào trong kế hoạch. Ngoài ra, ngày 20/12, Tehran đã công khai chỉ trích nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Aleppo mà Nga hậu thuẫn.

Những phức tạp xung quanh chiến dịch sơ tán Aleppo gợi nhớ nỗ lực ngừng bắn cho Syria hồi tháng 9/2016 mà Mỹ và Nga đóng vai trò trung gian.

Lệnh ngừng bắn này đã sụp đổ phần lớn là do lực lượng nổi dậy cũng như các lực lượng trung thành với ông Assad - một số nhận lệnh chỉ huy trực tiếp từ các sĩ quan của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) - từ chối tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù nắm giữ đòn bẩy đáng kể đối với Damascus, song Moskva vẫn khó có thể lái được cuộc chiến Syria theo ý của họ do ảnh hưởng của họ tại quốc gia này không bằng ảnh hưởng của Tehran.

Điều này không có gì là bất ngờ vì Iran hỗ trợ lực lượng trung thành với ông Assad nhiều hơn so với sự hỗ trợ của Nga. Moskva hỗ trợ cho lực lượng này chủ yếu trong lĩnh vực ngoại giao và không lực.

Trái lại, Iran dành cho lực lượng này nguồn lực mà họ cần nhất, đó là nhân lực. Iran đã tiếp viện hàng chục nghìn tay súng, trong đó có cả các đội quân tinh nhuệ thuộc lực lượng Hezbollah. Ngoài ra, Iran còn hỗ trợ tài chính để duy trì nền kinh tế Syria.

Mặc dù vậy, không nên quá cường điệu cuộc cạnh tranh giữa Nga và Iran tại Syria. Cả Tehran lẫn Moskva đều vẫn cam kết duy trì "sự nghiệp" chung, đó là hậu thuẫn các lực lượng trung thành với ông Assad chống lại kẻ thù chung.

Nhưng trong bối cảnh Moskva tìm kiếm lối thoát chiến lược ra khỏi cuộc nội chiến Syria, bất đồng giữa các cam kết của Nga và Iran sẽ càng trở nên rõ rệt hơn./.

Theo (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/vi-sao-nga-am-tham-tim-giai-phap-thoat-khoi-cuoc-chien-o-syria/424051.vnp

Tệp đính kèm