Cập nhật: 09/01/2017 09:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2017 đạt 188 tỷ USD, tăng 6,9% so với kết quả thực hiện năm 2016; nhập siêu khoảng 1,7% xuất khẩu.

 

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu dệt may năm 2017 đạt giá trị

 25 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD so kết quả năm 2016. (ảnh minh họa: KT)

Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương xác định những khó khăn, thử thách là rất lớn với ngành. Do đó, để xuất khẩu năm 2017 đạt kế hoạch, Bộ sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác xuất khẩu, đặc biệt là xử lý tốt mối gắn kết từ khâu qui hoạch sản xuất, tiêu thụ, đàm phán mở rộng thị trường, vượt qua các rào cản ở các nước nhập khẩu và xây dựng, áp dụng tốt các hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Bộ cũng sẽ tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới các thị trường là đối tác có FTA, hướng tới các ngành hàng mà ta có lợi thế và còn dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu. Lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào các thị trường. Tiếp tục tổ chức triển khai Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”.

Về chỉ tiêu cụ thể, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2017 đạt 188 tỷ USD, tăng 6,9% so với kết quả thực hiện năm 2016; nhập siêu khoảng 1,7% xuất khẩu. Còn theo chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ Công Thương năm nay, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6 - 7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%.

Xuất khẩu năm 2016: Hụt chỉ tiêu nhưng vẫn... tích cực

Về kết quả xuất khẩu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. “Đây là mức tăng thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch được giao là 10%. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng xuất khẩu âm... thì đây thực sự là một nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm vừa qua”- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá.

Đánh giá chung tình hình xuất khẩu năm 2016, Bộ trưởng cho rằng có 3 nét lớn. Một là, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia là đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam đều có xu hướng giảm, thậm chí giảm rất mạnh; cùng với đó, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới cũng giảm khá sâu, đặc biệt là của nhóm hàng nhiên liệu - khoáng sản đã tác động lớn tới kết quả xuất khẩu của Việt Nam.

Tính chung giá cả hàng hóa xuất khẩu bình quân năm 2016 giảm hơn 1,8% so với năm trước, trong đó riêng nhóm hàng nhiêu liệu đã giảm tới 20,1%, nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 3,8%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2016 sẽ đạt khoảng 179,2 tỷ USD và tăng 10,6% so với năm 2015.

“Điều này cho thấy nỗ lực giữ vững sản xuất, gia tăng xuất khẩu của ta vẫn được duy trì hết sức tích cực trong bối cảnh suy giảm về cầu trên thị trường thế giới”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Hai là, theo Bộ trưởng, là nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến và khu vực doanh nghiệp trong nước đã ghi nhận nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, đặc biệt là ở những quý cuối năm để duy trì tốc độ tăng trưởng cả năm đạt mức khá trong bối cảnh khó khăn cả về giá cả, thị trường xuất khẩu và sản xuất trong nước. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm của nhóm nông - lâm - thủy sản đạt 22,14 tỷ USD, tăng 7,5%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 141,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2015. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 50 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2015.

Ba là, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống và thị trường có ký kết hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt (như Trung Quốc tăng 27,4%, Hàn Quốc tăng 29%, Nhật Bản tăng 3,4%, Ấn Độ tăng 7,7%...).

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra 2 điểm hạn chế tiếp tục xuất hiện trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016, đó là: Sự sụt giảm liên tiếp ở khu vực thị trường ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện AEC, cho thấy khả năng tận dụng, khai thác lợi ích từ hội nhập từ khu vực thị trường này chưa tốt (năm 2014 giảm 10,1%, năm 2015 giảm 4,7%, năm 2016 giảm 4,7%); ngoài ra, đó là vấn đề xuất khẩu biên mậu sang thị trường Trung Quốc vẫn cho thấy còn nhiều rủi ro, chưa vững chắc./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm