Nằm cách thành phố Vinh, trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh Nghệ An khoảng 70 km về phía Đông Bắc, cách huyện lỵ Quỳnh Lưu 12 km về phía Đông, Di tích đền Thượng được nhân dân làng Phú Nghĩa Thượng xây dựng để làm nơi tôn thờ các vị phúc thần đã có công bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống, như: Đế Thiên Đế Thích thần thông, Cao Sơn Cao Các, Tứ vị Thánh nương, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, …
Cũng như bao ngôi đền khác ở làng quê xứ Nghệ, đền Thượng được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân làng Phú Nghĩa Thượng (nay là xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), nơi tôn thờ, tưởng niệm các vị phúc thần đã có công với dân với nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, đền Thượng không những là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh mà là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của nhân dân địa phương, cụ thể như: Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), đền Thượng được chọn làm nơi hoạt động bí mật của Đảng ở địa phương, nơi tổ chức hội họp, in ấn tài liệu, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của làng Phú Nghĩa Thượng và cũng là nơi diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình giành chính quyền; địa điểm diễn thuyết, treo cờ Đảng trong các cuộc đấu tranh hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, giai đoạn 1933-1937, đền Thượng là nơi hội họp nhằm phục hồi Chi bộ Đảng của làng và tổ chức huyện ủy bí mật chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa. Nơi đây cũng diễn ra sự kiện thành lập Tổ chức Việt Minh bí mật của làng và nơi thành lập các tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ chuẩn bị cho công cuộc giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8-1945.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền Thượng là kho cất giấu vũ khí và hàng hoá của Nhà nước, là nơi diễn ra lễ tiễn đưa hàng trăm con em lên đường đánh giặc cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Căn cứ vào thần phả, sắc phong còn lưu giữ tại di tích, đền Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê để thờ chính hai vị thần là Đế Thiên Đế Thích thần thông và Cao Sơn Cao Các, ban đầu đều là thiên thần, nhiên thần sau được nhân cách hóa thành nhân thần. Cả hai vị thần đều được các triều đại phong kiến sắc phong tới hai lần (Cựu phong và Tân phong):
Vị thần thứ nhất được sắc phong có hiệu bụt là: “Thanh cao huyền diệu cảm phù diên hy, hàm huống túy mục, dực bảo trung hưng, đế thích thần thông, thượng đẳng thần”. Thần được nhân cách hóa lên thành vị tiên giáng thế có tài đánh cờ giỏi, võ nghệ cao cường, cộng thêm tài điều khiển sấm chớp, gió mưa. Ngài là hiện thân cho khát vọng của làng về kiến thức hiểu biết, về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào.
Đền Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê để thờ chính hai vị thần là Đế Thiên Đế Thích thần thông và Cao Sơn Cao Các. Ảnh: internet
Vị thần thứ hai được sắc phong có hiệu bụt là: “Hiệu linh đôn tịnh, hùng tuấn trác vĩ, dực bảo trung hưng Cao Sơn Cao Các thượng đẳng thần”. Theo sách “Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu” của Ninh Viết Giao chủ biên cho rằng, ban đầu Ngài là nhiên thần, thiên thần như thần núi, thần đá, thần mưa... sau đó dân gian nhân cách hóa thành nhân thần có lý lịch, quê quán, chức sắc cụ thể. Có tài liệu chép Ngài là vị tướng họ Cao, húy Hiển, tự Vân Trường, thi đỗ Tiến sỹ làm tới chức Thừa tướng, có công lớn với Triều đình, giúp dân trừ tà diệt ác, đem lại cuộc sống công bằng, ấm no, hạnh phúc cho muôn dân ... Những vị thần này, dù thiên thần, nhiên thần hay nhân thần cũng đều được các triều đình đại ban sắc tôn thần, được nhân dân nhiều nơi tín ngưỡng lập đền thờ phụng.
Cùng với các vị thần trên, đền Thượng còn phối thờ các vị thần đã có công bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống như: Ba vị Quận công họ Trương là: Mỹ Quận Công Trương Đắc Phủ, Hiền Quận công, Trình Quận công; Tứ vị Thánh Nương; Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và đang trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài xã về chiêm bái, thưởng ngoạn.
Hàng năm, ngoài những ngày sóc, vọng, lễ tết, nhất là dịp lễ Kỳ phúc đầu xuân, nhân dân thường đến đền thắp hương cầu nguyện, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu tài, cầu lộc, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống ... còn có kỳ lễ trọng của đền diễn ra trong 02 ngày, từ ngày 11 - 12 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội đền Thượng sau ngày được phục hồi, ban đầu quy định 5 năm xã tổ chức một lần. Sau này được quy định lại 10 năm một lần. Đặc biệt, vào năm 2015, Lễ hội đền Thượng được nhân dân địa phương tổ chức rất long trọng với quy mô lớn, bao gồm 02 phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: Lễ Khai quan, Lễ Yết cáo, Lễ đại tế, Lễ tạ. Bên cạnh phần lễ truyền thống được tiến hành một cách trang nghiêm trong đền; ở phía ngoài đền, phần hội cũng được diễn ra rất sôi nổi, phong phú với nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, đánh đu, đánh cờ thẻ, đánh cờ người, kéo co, đẩy gậy, diễn tuồng, hát dân ca, chèo, cải lương.... Và tại đây đã diễn ra lễ rước thần từ đền Thượng theo các trục đường chính của làng và lần đầu tiên tổ chức phục hồi các trò chơi dân gian đã vắng bóng từ lâu, trong đó có tái hiện lại một phần hội Trò lề. Tất cả là những nét đẹp văn hóa lành mạnh, mang đậm bản sắc, tính nhân văn sâu sắc, không những thu hút các tầng lớp nhân dân trong và ngoài làng, mà còn cả những người con quê hương từ mọi miền Tổ quốc, khách thập phương về tham dự. Trong không khí trang nghiêm của lễ hội, con người như gạt bỏ những ưu phiền để cùng nhau hướng thiện, giao lưu, gặp gỡ và cùng cảm nhận sự lắng đọng của hồn quê qua các tập tục thờ cúng, trò chơi, trò diễn diễn ra trong lễ hội, tạo được sức lan tỏa, cố kết cộng đồng trong các làng xã.
Sự hiện diện của Đền cùng với các tài liệu lịch sử, hiện vật quý còn lưu giữ tại di tích, như: thần phả, sắc phong, long ngai, bài vị, câu đối, bức đại tự ... là những bằng chứng chân thực, có giá trị lớn về lịch sử, không những đã cho chúng ta hiểu biết thêm về thân thế, công lao, hành trạng của các nhân vật được thờ tại di tích, phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ phụng, truyền thống trọng đạo của nhân dân đối với người có công với dân, với nước mà còn cho chúng ta hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội, đời sống văn hóa, ý chí đấu tranh cách mạng của một vùng quê xứ Nghệ nói chung và quê hương Quỳnh Nghĩa nói riêng trên con đường xây dựng và phát triển.
Với kiến trúc cổ kính, linh thiêng và chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hoá, đền Thượng đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 1996.
ST