Cập nhật: 16/01/2017 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

DK là dũng khí của những con người vượt lên muôn vàn gian khó hoàn thành công trình đặc biệt cấp Nhà nước giữa biển khơi bão gầm sóng cuộn, GS,TS Nguyễn Mạnh Kiểm (ảnh bên), nguyên Bộ trưởng Xây dựng lý giải như vậy khi đọc những câu thơ dạt dào cảm xúc ông viết dịp kỷ niệm 20 năm xây dựng nhà giàn DK1 “Nhường lại bao công trình “Dũng khí” ai còn nhớ nơi đâu/Tựa những “cánh hồng” nơi biển khơi xanh mát/Tựa những nếp nhà khuya hắt ánh trăng non”. Vinh dự góp sức xây dựng công trình giữa bộn bề khó khăn, thử thách, ông Kiểm là một trong những người tâm huyết có dũng khí ấy.

 

Vượt muôn trùng gian khó

Tuổi đã gần 80 nhưng khi nói chuyện nghề ông Kiểm hào hứng hẳn. Lần giở những tập tài liệu công trình dày cộp nâng niu, cất giữ rất cẩn thận, ông trải lòng phía sau sự kỳ vĩ là cả quá trình miệt mài lao động sáng tạo, đổ mồ hôi và cả máu của những người xây dựng. Xác định vùng biển gần 80 nghìn km2 ở phía nam Biển Đông thuộc thềm lục địa của đất nước rất giàu tài nguyên khoáng sản, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, ngay từ năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía nam Việt Nam và một thời gian sau cụm Dịch vụ Kinh tế Khoa học kỹ thuật (gọi tắt là DKI) được triển khai xây dựng.

Có thể kể vô vàn khó khăn đối mặt khi xây dựng công trình DKI - một nhiệm vụ lịch sử đặc biệt. Đó là xác định chính xác chiều cao của sóng; nghiên cứu, xác định cấu trúc, địa chất nền san hô và khu vực nền có lớp bùn dày hơn chục mét; vật tư, trang bị và đội ngũ cán bộ chuyên sâu làm công trình biển còn hạn chế. Nhưng tinh thần dám nghĩ, dám làm và tình yêu cháy bỏng với biển đảo Tổ quốc vượt qua tất cả. Xây dựng công trình trên đất liền đã khó, ở cách xa bờ từ 450 đến 600 km khó khăn gấp bội vì sóng lớn, dòng chảy xiết và nền không vững chắc. Giữa trùng khơi, điều kiện thi công khắc nghiệt, khó lường, phải chạy đua tiến độ cho kịp mùa biển lặng, nhưng càng khó khăn càng bền lòng, không hề nao núng. Lòng đại dương mênh mông chứa biết bao điều bí ẩn, ông Kiểm với cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công trình DKI và cộng sự là các nhà khoa học nhiều chuyên ngành, chuyên gia kỹ thuật, công nhân... quyết tâm chinh phục bằng được.

Vạn sự khởi đầu nan, những buổi đầu thiếu thốn trăm bề thử thách sức người. Quá trình thi công chia làm hai giai đoạn: trên bờ gồm chế tạo các mô-đun của hệ móng, kết cấu phụ trợ và chân đế, khối thượng tầng (gồm khu sinh hoạt và mái có thể tận dụng làm sân bay, trạm khí tượng thủy văn) và trên biển bao gồm các công đoạn đóng móng cọc, hàn ghép... để hình thành một nhà giàn DKI hoàn chỉnh. Ông Kiểm nhấn mạnh, các khâu thi công chặt chẽ, tuân thủ những quy chuẩn hết sức nghiêm ngặt bởi “sai một ly, đi một dặm”, gây hệ lụy khôn lường và tốn kém tiền bạc của đất nước. Chân đế được hạ thủy theo vị trí đã định vị, sử dụng thiết bị cẩu chuyên dụng thả cọc luồn vào, dùng búa loại 18 hoặc 30 tấn đóng sâu cọc vào nền san hô vài chục m rồi cẩu khối thượng tầng nặng hàng trăm tấn lắp lên chân đế và hàn liên kết. Mối hàn phải thật chuẩn, chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm hỏng toàn bộ công trình.

Thiết kế và sản xuất các loại vật tư đã vất vả, vận chuyển khối lượng lớn đưa ra biển và tổ chức thi công càng gian nan. Lần đầu chế tạo còn thiếu kinh nghiệm, vừa thi công vừa thăm dò nên một số nhà giàn đầu tiên bị nghiêng, độ rung lắc lớn do sóng to bão lớn, không bảo đảm an toàn. Trong cái khó lại ló cái khôn, là nhà khoa học, ông Kiểm thấu hiểu và luôn khuyến khích, động viên những người thiết kế, thi công phát huy tối đa sở trường, sức sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp khoa học công nghệ (KHCN). Đó là tiến hành khối hóa để thi công nhanh, sử dụng móng cọc kết hợp trọng lực cho kết cấu móng công trình, tạo ra loại cọc đặc biệt có mũi “lưỡi cày” có sức xuyên lớn đóng được vào nền san hô, bơm vữa xi-măng nhằm “tạo rễ” tăng ma sát cho cọc, phát hiện chiều cao sóng để điều chỉnh thích nghi... Với tầm nhìn chiến lược, ông chỉ đạo sâu sát các đơn vị trong Bộ Xây dựng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm công trình đạt chất lượng cao, đúng tiến độ, điển hình là xây dựng hệ thống quy trình, quy phạm, quy định nghiên cứu, thiết kế, thi công và định mức chính thức của Nhà nước (đơn giá chi phí nguyên liệu, nhân công, máy móc thi công trên biển...) áp dụng đặc thù cho công trình DKI, trên cơ sở đó nhân rộng, ứng dụng rộng rãi cho các công trình trên biển.

“GS,TS Nguyễn Mạnh Kiểm phê duyệt phương pháp chống ăn mòn sắc như thần”, cộng sự ngưỡng mộ, ngợi khen ông như vậy. Môi trường ăn mòn đối với kim loại trên biển rất khốc liệt, muốn kéo dài tuổi thọ mỗi công trình hàng trăm tấn sắt thép phải sử dụng phương pháp chống ăn mòn tổng hợp như chọn vật liệu có khả năng chống ăn mòn, các loại sơn bả và điện hóa chống ăn mòn. Bằng kinh nghiệm, sự thông minh, sáng tạo, ông Kiểm biến nhiều ý tưởng độc đáo thành những sáng kiến hiệu quả. Cấp dưới còn tấm tắc nhắc lại kỷ niệm xưa khi ông nhanh nhạy kiểm tra độ phẳng của nóc nhà giàn nơi đỗ trực thăng bằng cách đổ nước lên mặt sàn, nếu thoát đều hết nước theo đường ống chứng tỏ là mặt phẳng, còn đọng nước rõ ràng chưa phẳng.

Làm sao tạo điều kiện cho các chiến sĩ sinh hoạt và công tác thuận lợi nhất ở nhà giàn là điều ông Kiểm và cộng sự luôn trăn trở. Kết hợp hài hòa giữa KHCN trong nước và thế giới để tối ưu hóa cho từng hạng mục công trình, các nhà giàn càng về sau càng hoàn chỉnh, đẹp hơn, tiện nghi hơn, thời gian thi công dần rút ngắn. Mắt ánh lên niềm vui, ông Kiểm hồ hởi, lần đầu tiên ở nước ta hệ thống công trình biển được xây dựng trên nền đá san hô và nền đất yếu, mở ra một chương mới cho ngành khoa học kỹ thuật xây dựng công trình biển còn non trẻ.

 

Nhà giàn DK1 trong nắng sớm. Ảnh | MỸ TRÀ

Tâm huyết với nhà giàn

Hơn 20 nhà giàn DKI tựa những chốt tiền tiêu, mắt thần luôn sừng sững hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió đại dương là minh chứng cho điều phi thường: tạo “làng trên biển” độc đáo trên thế giới, là biểu tượng của khát vọng, niềm tin, sức mạnh, trí tuệ của người Việt trong hành trình chinh phục biển vô cùng cam go mà rất đỗi tự hào. Biết tin thêm một công trình hoàn thành, thấy lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên nóc nhà giàn trong nắng gió Biển Đông, trong ông trào dâng niềm phấn khởi. Ông luôn khiêm tốn khi nói về đóng góp của mình bởi thành quả to lớn đó là kết tinh của biết bao trái tim, khối óc cùng chung lưng đấu cật. Ông Kiểm bộc bạch, không những bản thân mình luôn nỗ lực mà còn khích lệ anh em gắng sức hoàn thành công việc tốt nhất. Tính cách ấy được trui rèn trong suốt 40 năm cần mẫn học tập, công tác.

Ngoài công trình DKI, ông Kiểm còn vinh dự tham gia các công trình lớn như Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, quy hoạch hai đô thị đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... Ông là một trong 19 người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vì đã có nhiều thành tích đóng góp cho Cụm công trình nghiên cứu các giải pháp KHCN xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1956-1975. Dù đã nghỉ hưu, nhưng nỗi nhớ nhà giàn vẫn đau đáu khôn nguôi. Ông vẫn theo dõi tiến trình xây dựng, gia cường các nhà giàn và ghi chép cẩn thận những kinh nghiệm xây dựng nhà giàn gửi về Ban Quản lý dự án công trình DKI. Ông tâm sự, khi Tổ quốc cần mỗi nhà khoa học cũng trở thành người chiến sĩ có mặt nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng ta thêm hiểu biển, làm chủ biển và khai thác biển. Lớp người đi trước bằng dũng khí “dạ sắt gan vàng”, vượt chất chồng gian khó, thắng sóng dữ để xây dựng nhà giàn thì thế hệ sau nối tiếp dũng khí ấy có thêm những nghiên cứu, ứng dụng thiết thực để công trình DKI thêm đẹp, vững chắc hơn và không quản gian lao, kiên cường bám trụ bảo vệ biển trời quê hương cho “Vườn DK biển khơi tô thắm những xuân đời!” như lời thơ giản dị mà ông Kiểm gửi gắm.

TUẤN ANH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm