Ở người cao tuổi, các cơ quan trong cơ thể đã bị lão hóa và giảm chức năng nên thường mắc nhiều bệnh mạn tính và phải dùng nhiều loại thuốc cùng lúc.
Ở người cao tuổi, các cơ quan trong cơ thể đã bị lão hóa và giảm chức năng nên thường mắc nhiều bệnh mạn tính và phải dùng nhiều loại thuốc cùng lúc. Thế nhưng, người cao tuổi rất dễ nhạy cảm với những phản ứng phụ của thuốc, đồng thời dễ nhầm lẫn trong sử dụng thuốc. Khi những sai lầm trong dùng thuốc xảy ra với người cao tuổi, tác hại sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn.
Các nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ bị phản ứng thuốc
Ở người cao tuổi, phản ứng thuốc gặp nhiều gấp từ 2-3 lần so với người trẻ. Người cao tuổi thường hay đau ốm, không phải một mà là bị nhiều bệnh cùng một lúc, do đó thường phải dùng nhiều thuốc hơn người trẻ tuổi. Sự hấp thu và thanh thải thuốc trong cơ thể họ lại kém hơn người trẻ, vì thế dễ bị tương tác thuốc dẫn đến gặp tai biến do thuốc.
Người cao tuổi dễ nhạy cảm với những phản ứng phụ của thuốc nên khi
dùng thuốc phải có sự tư vấn kỹ của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: Trần Minh
Sự thanh thải thuốc ở cơ thể người cao tuổi có sự giảm sút đáng kể, do giảm lưu lượng huyết tương ở thận, giảm mức lọc cầu thận cũng như giảm sự thanh thải ở gan. Đồng thời với sự thanh thải thuốc bị giảm sút, sự đáp ứng với thuốc của người cao tuổi cũng có nhiều thay đổi. Chẳng hạn cùng một nồng độ thuốc trong huyết thanh như nhau, sự đáp ứng với thuốc của người già thường rất khác nhau. Đa số người già dễ nhạy cảm hơn với một số thuốc này nhưng lại ít nhạy cảm với một số thuốc khác, dẫn đến những khó khăn cho bác sĩ trong chỉ định và theo dõi phản ứng phụ của thuốc.
Thể tích phân bố thuốc trong cơ thể cũng có sự thay đổi đáng kể do ở tuổi cao, lượng nước toàn thân suy giảm, đồng thời lại tăng tỷ lệ lượng mỡ toàn thân, nên những thuốc hòa tan trong nước bị cô đặc hơn và thuốc hòa tan trong mỡ lại có thời gian tồn tại trong cơ thể dài hơn. Mặt khác, do albumin huyết thanh có nồng độ giảm, nhất là ở những bệnh nhân ốm yếu lâu ngày nên có giảm mức gắn của một số thuốc vào protein như warfarin, phenytoin dẫn đến số thuốc tự do hoạt động lại tăng hiệu lực.
Hơn nữa, bản thân người cao tuổi rất dễ lầm lẫn các loại thuốc do mắt kém, nghe không rõ, trí nhớ giảm, động tác không chính xác nên việc sử dụng thuốc có nhiều sai sót. Các nguyên nhân trên làm gia tăng phản ứng do thuốc gây nên ở người cao tuổi.
Những sai lầm trong sử dụng thuốc ở người cao tuổi
Sử dụng thuốc không đúng chỉ dẫn có thể gây quá liều hoặc thiếu liều thuốc. Chẳng hạn như nhiều trường hợp tự ngưng sử dụng kháng sinh một cách đột ngột khi chưa hết liệu trình điều trị, do bệnh nhân cảm thấy đã khỏe trở lại. Điều này sẽ làm vi khuẩn không bị diệt tận gốc và bệnh có thể quay trở lại. Đột ngột ngưng dùng thuốc hạ huyết áp có thể làm huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm. Hoặc có trường hợp muốn nhanh khỏi bệnh đã dùng gấp đôi liều chỉ định. Có trường hợp tự quyết định gia giảm liều lượng thuốc vì nghĩ rằng không cần thiết phải dùng quá nhiều như thế.
Một sai lầm khác trong sử dụng thuốc ở người cao tuổi là sử dụng thuốc hai lần (do quên), hoặc giữa hai lần sử dụng thuốc không đúng khoảng thời gian mà thầy thuốc đã dặn dò. Thậm chí họ không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, hoặc tăng liều thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc, đưa đến bị quá liều gây ngộ độc.
Một vấn nạn thường xảy ra khi sử dụng thuốc ở người cao tuổi là một bệnh nhân thường đi khám ở nhiều bác sĩ khác nhau. Mỗi bác sĩ cho một loại thuốc riêng, khi uống chung sẽ gây ra tương tác thuốc. Hậu quả là chưa chữa được bệnh này đã rước thêm nhiều bệnh khác...
Người cao tuổi bị bệnh tăng huyết áp, suy tim không dùng thuốc dạng sủi.
Người cao tuổi quá lo lắng về sức khỏe của mình, muốn mau hết bệnh nên thường uống thêm thuốc (ngoài thuốc trong đơn chỉ định), hoặc có người không đau ốm gì vẫn dùng thuốc gọi là để “đề phòng”, dễ dẫn đến những tương tác thuốc bất lợi.
Các nguyên tắc dùng thuốc an toàn ở người cao tuổi
Cần biết tiền sử dùng thuốc người cao tuổi, khi khám bệnh cần thông báo cho bác sĩ những loại thuốc đang và đã dùng. Ở người cao tuổi nên bắt đầu bằng liều dùng thấp nhất có hiệu lực và nên kéo dài nhịp dùng thuốc trong ngày thích hợp (như đối với người trẻ tuổi dùng 3 lần/ngày thì đối với người cao tuổi có thể dùng 2 lần/ngày). Cần lựa chọn dạng thuốc thích hợp là thuốc lỏng nếu có như dung dịch uống, hoặc thuốc chỉ phải dùng ít lần trong ngày. Theo dõi sát trong thời gian dài sự đáp ứng đối với tác dụng của thuốc ở người cao tuổi. Không thể suy diễn kinh nghiệm dùng thuốc ở người trẻ tuổi cho người cao tuổi. Ngưng dùng thuốc nếu lợi ích không rõ ràng hoặc người cao tuổi bị các phản ứng phụ nguy hiểm. Thật thận trọng khi cho dùng thuốc mới.
Lưu ý các thuốc tránh dùng cho người cao tuổi đang có sẵn một bệnh lý
Không dùng dạng thuốc sủi bọt đối với người bị bệnh tăng huyết áp, suy tim (vì dạng thuốc sủi bọt này luôn chứa natri sẽ làm tăng huyết áp). Tránh dùng thuốc chẹn bêta đối với người bị hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường (thuốc chẹn bêta che mất triệu chứng tụt đường huyết ở người đang dùng thuốc trị đái tháo đường), bệnh lý mạch máu ngoại biên. Tránh dùng thuốc kháng histamin, thuốc chống co thắt, thuốc chống trầm cảm đối với người bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt hay bị táo bón (vì thuốc làm bí tiểu tiện hay táo bón nặng thêm). Tránh dùng thuốc glucocorticoid đối với người bị đái tháo đường (vì glucocorticoid làm tăng đường huyết)...
DS. Trần Minh Thành
Theo suckhoedoisong.vn