Ngư dân 2 xã Quan Lạn và Minh Châu (huyện Vân Đồn) phát hiện ngao nuôi, hàu, sá sùng có hiện tượng tơ mang chuyển sang màu xanh thẫm.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, hiện tượng màu
xanh thẫm trên ngao không gây nguy hại tới sức khỏe con người.
Những ngày qua, ngư dân 2 xã Quan Lạn và Minh Châu (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) phát hiện ngao nuôi, hàu, sá sùng có hiện tượng tơ mang chuyển sang màu xanh thẫm. Hiện tượng này xuất hiện đã gây hoang mang cho người dân khi sử dụng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Tổng Cục thủy sản, mời Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I xuống hiện trường, thu thập thông tin, thu mẫu môi trường, thu mẫu ngao, hàu, sá sùng để phân tích, xác định nguyên nhân.
Kết quả phân tích 5 mẫu bệnh phẩm (2 mẫu ngao, 1 mẫu hàu, 1 mẫu sá sùng, 1 mẫu bùn) cho thấy: Chỉ tiêu về bệnh phẩm, kim loại nặng và an toàn thực phẩm đều nằm trong giới hạn cho phép của Bộ Y tế.
Tiến hành phân tích, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I phát hiện, hiện tượng ngao nuôi, hàu, sá sùng có màu xanh thẫm tại Quan Lạn, Minh Châu là do có liên quan đến sự xuất hiện chiếm ưu thế của loại tảo Khuê Rhizosolenia Alata mà các loài nhuyễn thể đã ăn phải chúng.
Ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục thủy sản Quảng Ninh cho biết, hiện chưa có bất cứ tài liệu nào ghi nhận về khả năng gây độc của loài tảo này. Vì vậy việc sử dụng những sản phẩm này không gây nguy hại tới sức khỏe con người.
Ông Vương Văn Oanh cho biết: “Chất lượng nước và vùng nuôi nhuyễn thể ở 2 xã Quan Lạn và Minh Châu là phù hợp với môi trường nuôi trồng thủy sản mặn, lợ nói chung. Hiện tượng chuyển màu xanh của các đối tượng nhuyễn thể không liên quan đến vấn đề tồn dư của kim loại nặng, tất cả chỉ số kim loại nặng đều trong ngưỡng cho phép.
Để ổn định tình hình sản xuất và tránh gây tâm lý hoang mang cho ngư dân và người tiêu dùng, UBND huyện Vân Đồn cần thông tin rộng rãi tới ngư dân kết quả gây nên hiện tượng mang xanh đối với các loài thủy sản đã nêu ở trên; tiếp tục thông tin về tình hình nuôi nhuyễn thể tại địa phương”.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu huyện Vân Đồn cần hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trên thủy sản nuôi; nghiêm cấm vứt thủy sản bị chết ra môi trường tự nhiên; thường xuyên theo dõi yếu tố môi trường, thời tiết và hoạt động của thủy sản nuôi nhằm phát hiện sớm các tình huống xảy ra./.
Theo Phạm Phong/VOV.VN - Đông Bắc