Cập nhật: 28/01/2017 12:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mệnh lệnh hành chính của các Tổng thống Mỹ có “sức nặng” như các bộ luật liên bang nhưng vẫn có thể bị Quốc hội và Tòa án Tối cao vô hiệu hóa.

 

Tổng thống Donald Trump ký mệnh lệnh hành chính đầu tiên tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Mệnh lệnh hành chính là gì?

Theo NCC, một trong những mệnh lệnh hành chính đầu tiên của tân Tổng thống Donald Trump là nhằm vào chính sách chăm sóc y tế toàn diện Obamacare của người tiền nhiệm.

Theo đó, ông yêu cầu các cơ quan liên bang Mỹ cần phải “tiến hành mọi biện pháp cần thiết theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế tối đa những gánh nặng không đáng có về mặt kinh tế và hành chính của Dự luật Chăm sóc Y tế toàn diện và chuẩn bị tạo điều kiện cho các bang được linh hoạt hơn trong việc tạo ra một thị trường chăm sóc y tế tự do và cởi mở hơn”.

Căn cứ về mặt Hiến pháp cho các mệnh lệnh hành chính của một Tổng thống Mỹ xuất phát từ chính quyền lực sâu rộng của người đó. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, không hề có một “định nghĩa trực tiếp nào về mệnh lệnh hành chính hay các biên bản ghi nhớ của Tổng thống. Ngoài ra, Hiến pháp cũng không có chỉ dẫn cụ thể nào liên quan đến những chỉ đạo của một Tổng thống Mỹ”.

Tuy nhiên, Điều 2 của Hiến pháp Mỹ vẫn đề cập đến quyền lực hành pháp của một Tổng thống, trong đó quy định, Tổng thống cũng là Tổng Tư lệnh quân đội và Tổng thống cần phải “Đảm bảo rằng Hiến pháp phải được thực thi một cách trung thành”. Ngoài ra, Hiến pháp cũng có thể nới rộng quyền lực cho Tổng thống.

Dù một mệnh lệnh hành chính của Tổng thống cũng được coi là có hiệu lực tương đương với một bộ luật liên bang trong nhiều trường hợp, Quốc hội Mỹ vẫn có quyền thông qua một dự luật mới nhằm vô hiệu hóa mệnh lệnh hành chính của một Tổng thống, ngược lại, Tổng thống cũng có quyền phủ quyết các dự luật mà Quốc hội thông qua.

Kể từ thời ông George Washington, mọi Tổng thống Mỹ đều sử dụng mệnh lệnh hành chính theo những cách thức khác nhau. Mệnh lệnh hành chính đầu tiên của ông Washington là yêu cầu các cơ quan hành pháp chuẩn bị báo cáo cho các cuộc thị sát sau đócủa ông và một tuyên bố cho ngày Lễ Tạ ơn.

Các Tổng thống Mỹ sau đó cũng đều sử dụng các mệnh lệnh hành chính và các tuyên bố của họ để thể hiện các quyết định quan trọng của mình. Theo đó, Tổng thống Abraham Lincoln đã quyết định ngừng lệnh đình quyền giam giữ [một cơ chế pháp luật bảo hộ quyền nhân thân (quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân) trong hệ thống pháp luật cho phép một tòa Tối Cao có quyền triệu tập một cơ quan công quyền đang giam giữ một cá nhân phải đưa cá nhân đó ra trình diện trước tòa và đồng thời bắt buộc cơ quan công quyền đó cung cấp một lời giải thích lý do pháp lý cho việc bắt giữ và tạm giam cá nhân đó-ND], trong suốt thời gian diễn ra cuộc Nội chiến năm 1861 thông qua các mệnh lệnh hành chính của mình.

Để lý giải cho quyết định nói trên, Tổng thống Lincoln đã viện dẫn Điều khoản về Đình chỉ trong Hiến pháp Mỹ, trong đó nêu rõ “lệnh đình quyền giam giữ sẽ không bị đình lại trừ khi xảy ra nổi loạn và việc đảm bảo an toàn của cộng đồng đòi hỏi việc này”.

Chánh án Tòa án Tối cao Roger Taney lúc đó đã ra phán quyết nêu rõ, mệnh lệnh hành chính của Tổng thống Lincoln là vi hiến. Tuy nhiên, cả Tổng thống Lincoln và Quân đội Liên bang miền Bắc đã phớt lờ phán quyết của ông Taney. Bản thân Quốc hội Mỹ cũng không chống lại quyết định này của Tổng thống Lincoln.

Ngoài ra, 2 mệnh lệnh hành chính nằm trong Tuyên ngôn về Giải phóng Nô lệ của Tổng thống Lincoln từng đứng trước nguy cơ bị Quốc hội hoặc Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ sau khi cuộc Nội chiến chấm dứt bởi Tuyên ngôn về Giải phóng Nô lệ được ông Lincoln công bố sử dụng quyền lực Tổng thống trong thời chiến. Tuy nhiên, việc Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án thứ 13 đã chấm dứt nguy cơ này.

Trong khi đó, trong Thế chiến thứ 2, Tổng thống Franklin Roosevelt đã sử dụng Mệnh lệnh Hành chính số 9066 để yêu cầu thiết lập các trại tập trung cho người Mỹ gốc Nhật trên đất Mỹ. Ngoài ra, ông Roosevelt cũng công bố một mệnh lệnh hành chính khác liên quan đến việc thành lập Cơ quan Quản trị Tiến trình Xây dựng Chính phủ công.

Trong thời gian nắm quyền của mình, Tổng thống Harry Truman cũng sử dụng mệnh lệnh hành chính để thông qua việc mọi quân nhân Mỹ phải được đối xử bình đẳng với nhau. Tuy nhiên, một mệnh lệnh hành chính rất quan trọng khác của ông Truman đã bị Tòa án Tối cao Mỹ vô hiệu hóa bằng một phán quyết vào năm 1952 trong đó phân biệt rõ quyền lực của Tổng thống và Quốc hội.

Tại thời điểm đó, trong vụ kiện Tube Co. và Sawyer, Tòa án Tối cao Mỹ đã vô hiệu hóa mệnh lệnh hành chính của Tổng thống Truman yêu cầu đưa các nhà máy thép vào diện quản lý của liên bang. Chánh án Hugo Black nêu rõ: “Quyền lực của Tổng thống trong việc đảm bảo rằng phát luật được thực thi một cách trung thực không đồng nghĩa với việc ông ấy là một nhà lập pháp”.

Ba “trạng thái” về sức nặng của mệnh lệnh hành chính

Sau đó, Chánh án Robert Jackson đã nêu ra luận điểm của mình liên quan đến quyền lực của một Tổng thống Mỹ ở 3 trạng thái khác nhau. Luận điểm này sau đó trở thành “thước đo mẫu mực” để xem liệu một Tổng thống có vượt quyền hay không.

Chánh án Jackson nêu rõ, quyền lực của Tổng thống ở mức cao khi ông có thể gây sức ép được lên Quốc hội hoặc được Quốc hội cho phép tự do hành động, ở mức trung bình hay còn gọi là “Vùng Chạng vạng” khi cả Tổng thống và Quốc hội chưa thể chắc chắn về vai trò của mình và “ở mức thấp nhất” khi một Tổng thống hành động đi ngược lại với ý nguyện của Quốc hội.

Theo tài liệu do Văn khố Quốc gia Mỹ lưu trữ, Tổng thống Roosevelt là người công bố nhiều mệnh lệnh hành chính nhất với tổng cộng 3.728 mệnh lệnh từ năm 1933-1945 khi nước Mỹ vật lộn với cơn Đại khủng hoảng và tham gia vào Thế chiến 2.

Trong khi đó, trong 8 năm nắm quyền của mình, Tổng thống Truman công bố tổng cộng 896 mệnh lệnh hành chính, con số này của Tổng thống Barack Obama là 277, của Tổng thống George W. Bush là 291 và Tổng thống Bill Clinton là 364./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Tệp đính kèm