Cập nhật: 30/01/2017 12:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Bộ Ngoại giao Iran, sắc lệnh hành chính của Tổng thống Mỹ Trump đi ngược với hiến chương nhân quyền và mang tính phân biệt đối xử.

Nhiều người dân tham gia biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cư bên ngoài Terminal 4 tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở Queens, New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Bộ Ngoại giao Iran ngày 29/1 đã triệu Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran, là đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Iran, vì hai quốc gia này không có mối quan hệ ngoại giao, để phản đối chính sách hạn chế người tị nạn Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.

Theo Bộ Ngoại giao Iran, sắc lệnh hành chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump đi ngược với hiến chương nhân quyền và mang tính phân biệt đối xử. Iran cũng nằm trong số 7 quốc gia mà Mỹ siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh.

Thủ tướng Anh Theresa May cùng ngày cũng tuyên bố, Anh không nhất trí với chính sách siết chặt thị thực của Mỹ. Người phát ngôn của Thủ tướng May cho biết, Anh không ủng hộ cách tiếp cận này. Nước Anh đang xem xét sắc lệnh hành chính này cũng như những tác động của nó, đặc biệt đối với các công dân Anh.

Thủ tướng Theresa May là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp Tổng thống Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1 vừa qua.

Tổng thống Mỹ  Donald Trump ngày 27/1 đã ký sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ, theo đó nâng thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn lên 4 tháng và tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số.

Tân Tổng thống Mỹ cho rằng, biện pháp này là nhằm bảo vệ người dân Mỹ trước nguy cơ tấn công khủng bố./.

Theo Phạm Hà/VOV.VN

Tệp đính kèm