Cập nhật: 04/02/2017 09:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng nghề đúc đồng Đại Bái ngày nay phát triển mạnh mẽ, đem đến những đổi thay tích cực về kinh tế xã hội cho người dân nơi đây.

 

Nghệ nhân truyền nghề đồng cho thế hệ trẻ tại làng nghề Đại Bái. (Ảnh: TTXVN)

Từ thuở xa xưa, xã Đại Bái thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh luôn được coi là làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất về kỹ nghệ đúc đồng, sản xuất ra các sản phẩm về đồ đồng thủ công mỹ nghệ tinh xảo.

Ngày nay, Đại Bái vẫn được biết đến như một làng nghề truyền thống với sự phát triển mạnh mẽ, đem đến những đổi thay tích cực về kinh tế xã hội cho người dân nơi đây.

Theo các nguồn tài liệu và thư tịch cổ, nghề gò, giát đồng Đại Bái có từ đầu thế kỷ XI, ông tổ nghề là cụ Nguyễn Công Truyền (sinh năm 989, mất năm 1069). Làng nghề bị mai một trong những năm kháng chiến và được khôi phục lại sau khi hòa bình lập lại năm 1975. Dưới đôi bàn tay khéo léo cùng sự tài hoa tinh tế, những nghệ nhân cũng như những người thợ nơi này đã tạo ra nhiều sản phẩm từ đồ gia dụng cho tới những đồ mỹ nghệ vô cùng độc đáo và tinh xảo.

Ông Nguyễn Tấn Hạng, chủ cửa hàng Nhã Hạng ở xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, làng nghề Đại Bái đã có từ lâu đời, đến bây giờ thương hiệu Đại Bái càng ngày càng phát triển, nhất là về hàng thủ công mỹ nghệ cả trong nước lẫn ngoài nước.

“Sản phẩm truyền thống của làng ngoài sản phẩm đúc còn có gò những bức tranh nghệ thuật về đồng quê hoặc những bức tranh mã đáo…cùng rất nhiều thể loại và mẫu mã đa dạng”, ông Hạng cho biết.

Trước kia, làng Đại Bái chỉ làm những sản phẩm sử dụng trong gia đình như xoong, chậu, mâm, nồi… Tuy nhiên, sau đó làng đã tổ chức sản xuất và sáng tạo nhiều mẫu mã ngày càng phong phú, đa dạng.

Đến với Đại Bái bây giờ có thể chiêm ngưỡng rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ đồng được chế tạo tinh xảo và đẹp mắt như lọ hoa, tranh, đỉnh đồng, tượng đồng, câu đối… là những sản phẩm được thị trường rất ưa chuộng.

Ông Nguyễn Tấn Đích, một nghệ nhân ở xã Đại Bái cho biết, xưởng của gia đình ông có rất nhiều sản phẩm tượng đồng đúc như tượng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng cụ Trần Hưng Đạo và các loại tượng phật ở các đền chùa và các đồ thờ trong gia đình như đỉnh, hoành phi câu đối…trống đồng.

Từ khi nghề đúc đồng được khôi phục và phát triển cho đến nay, bộ mặt kinh tế của làng Đại Bái cũng có nhiều đổi thay rõ rệt. Cả làng có hơn 1.700 hộ làm nghề gò đúc đồng, sản xuất hàng mỹ nghệ, nhiều gia đình cuộc sống đã khấm khá lên vì gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái cho biết, trong những năm tháng đổi mới, làng nghề Đại Bái đã thay da đổi thịt và chứng tỏ sự hoạt động hiệu quả. Tất cả các xưởng thủ công nghiệp ngoài mặt đường đã trở thành các xưởng thủ công mỹ nghệ.

“Để cho làng nghề phát triển, UBND xã Đại Bái đã kiến nghị các cấp tạo điều kiện cho thanh niên trong xã tiếp tục học nghề truyền thống. Đồng thời có chế độ chính sách đối với những nghệ nhân có tuổi và những nghệ nhân có tay nghề cao”, ông Quảng cho biết.

Không chỉ có các thế hệ đi trước tâm huyết với nghề, xã Đại Bái ngày nay đang có rất nhiều người trẻ vẫn đang say sưa với nghề truyền thống./.      

ST

Tệp đính kèm