Ngư dân Trần Xuân Hoa ở Kỳ Anh đã hoàn thành một tàu công suất lớn, ra Tết anh sẽ vươn tới ngư trường xa hơn với nhiều hy vọng mới.
Anh Trần Xuân Hoa bên trong con tàu vừa đóng.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, anh Trần Xuân Hoa ở thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh vẫn bận rộn với công việc sơn sửa con tàu vừa đóng, có công suất lớn để ra Giêng đi đánh bắt chuyến xa bờ đầu tiên tại ngư trường Hoàng Sa.
Sau sự cố môi trường do Formosa xả thải hồi tháng 4/2016, giống như nhiều ngư dân Hà Tĩnh khác, con thuyền nhỏ của anh đành phải nằm bờ. Việc làm ăn bê trễ, không có thu nhập, ảnh hưởng ghê gớm đến gia đình và 10 lao động trên thuyền. Những ngày ngư dân “gác mái”, nhiều chương trình chuyển đổi sinh kế cho ngư dân được đưa ra, nhưng anh Hoa vẫn nhớ biển cồn cào và nhất quyết không bỏ nghề “cha truyền con nối” này.
Nhiều hôm nhớ nghề, anh dong tàu ra biển, chỉ để tìm lại cảm giác được làm chủ ngư trường. “Lúc đó bà con rất sốc. Biết lấy gì để nuôi gia đình đây? Trong khi tiền trả bạn thuyền chưa có, cá đánh về chẳng ai mua. Dù có được đền bù đi chăng nữa, nhưng quan trọng nhất vẫn là đầu ra của hải sản và bà con cần được khai thác ở vùng an toàn, xa hơn. Điều này đòi hỏi phải có tàu công suất lớn” – anh Hoa nói.
Anh Hoa sau đó đã vay ngân hàng 1 tỷ đồng, bán đi thuyền nhỏ, vay thêm bạn bè đầu tư đóng tàu công suất 450 CV, máy phụ 483 VC trị giá 2,5 tỷ đồng.
Con tàu sẽ vươn khơi chuyến đầu tiên sau Tết.
Ngư dân Trần Xuân Hoa vui vẻ cho biết: “Đăng kiểm và mua bảo hiểm đã xong rồi, con tàu này chắc chắn, hiện đại từ dàn máy, bộ đàm, thiết bị định vị. Sơn xong là ăn Tết và khoảng mùng 6 đến mùng 8 Tết là anh em đi chuyến đầu tiên. Mùa này, tôi đi ngư trường Hoàng Sa, mùa nam thì ngược ra vùng Hải Phòng – Quảng Ninh. Hy vọng năm mới sẽ làm ăn khấm khá, cá nhiều, đắt hàng”.
Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh Lê Đức Nhân cho biết, Hà Tĩnh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự cố môi trường. Số lượng kê khai thiệt hại bước đầu cho thấy đã ảnh hưởng trực tiếp đến gần 7.000 tàu cá cùng hàng chục nghìn lao động.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã rất quyết liệt trong việc ổn định đời sống của ngư dân, đặc biệt ở những vùng chịu thiệt hại nặng nề. Tỉnh đã chủ động hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân, trong đó có hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ, xây dựng các điểm bán hàng an toàn…
Cản Cửa Sót (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đìu hiu ngày giáp Tết.
Từ tháng 4 đến nay, bà con đã cải hoán và đóng mới 70 chiếc tàu từ gần bờ lên xa bờ (từ 90 sức ngựa lên tàu trên 90 sức ngựa) bằng nguồn hỗ trợ của tỉnh, tập trung nhiều ở thị xã Kỳ Anh.
Ông Lê Đức Nhân khẳng định: Những chính sách này có tác dụng rất lớn trong việc ổn định đời sống cho bà con, nhất là sớm khôi phục sản xuất. Đây sẽ là động lực để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám ngư trường truyền thống, ra xa hơn để cho năng suất cao hơn, qua đó cũng thay đổi tập quán đánh bắt gần bờ.
Chủ trương của tỉnh là khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ, tuy nhiên đại bộ phận bà con còn nghèo, không phải ai cũng có vài tỷ đồng để cải hoán, đóng mới tàu cho dù đã được hỗ trợ phần nào. Do đó việc này phải có độ trễ nhất định”.
Nhiều ngư dân Tết đến chỉ biết… nhìn trời
Chúng tôi gặp anh Lê Nhữ Đoán ở cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh) một ngày giáp Tết. Vợ chồng anh cùng 3 con nhỏ đang dọn dẹp lại con thuyền, chuẩn bị đồ đạc để về quê ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) ăn Tết. Anh Đoán cười buồn: “Tết thì phải vui, nhưng Tết này đa phần ngư dân địa phương phải thắt lưng buộc bụng vì thu nhập chẳng đáng là bao, nhất là hộ gia đình không thuộc diện được bồi thường như tôi”.
Ngư dân Lê Nhữ Đoán neo tàu để về quê đón Tết.
Anh Đoán quê Thanh Hoa, làm rể Thạch Kim và cùng bố vợ đi biển đã 16 năm nay. Bố vợ anh vừa rồi được nhận bồi thường 45 triệu đồng từ Formosa, nhưng vợ chồng anh không được. Đứa con út ở với bà ngoại, đi học cũng không được miễn học phí. Cán bộ xã nói do anh không có hộ khẩu ở địa phương, dù anh gần như là “con đẻ” của xã.
Anh Đoán tâm sự: “Cán bộ xã nói thế mình cũng đành chịu vì không thuộc diện được bồi thường. Tuy nhiên, nếu có thì 45 triệu đồng cũng không thể bù được mất mát bà con phải gánh chịu trong năm qua. Hiện năng suất đánh bắt tuy không giảm nhưng giá hải sản sụt hơn một nửa. Ngày trước, 1 tấn cá bán được 100 – 150 triệu, giờ còn 30 – 40 triệu. Tôi nói là đánh ở vùng không ô nhiễm, nhưng về đây khách vẫn không mua. Thế nên bị các cơ sở đông lạnh ép giá nên đành phải bán”.
Anh Đoán cho biết, năm nay gia đình anh sụt giảm khoảng 500 triệu tiền hàng so với mọi năm. Nhưng Tết vẫn phải cố lo cho vợ con được tươm tất. Dự định mùng 6 Tết, gia đình lại từ Thanh Hóa xuôi về Hà Tĩnh để kịp mùng 8 đi chuyến “mở hàng” đầu năm.
“Chào biển Hà Tĩnh” để về quê ăn Tết, anh Lê Nhữ Đoán ước mong những chuyến vươn khơi đầu năm con Gà lại đầy ắp cá, cảng Cửa Sót lại ngày đêm tấp nập kẻ bán người mua như không có sự cố môi trường xảy ra, để anh yên tâm ở lại quê vợ làm ăn, bám biển./.
Theo Lại Thìn-Phi Long/VOV.VN