Ngư dân miền Trung đang chuẩn bị chuyến mở biển đầu tiên trong năm mới, thế nhưng nhiều chủ tàu đang gặp khó khăn vì thiếu lao động đi biển.
Không tìm được bạn thuyền, nhiều tàu cá phải nằm bờ hoặc lùi chuyến biển, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của ngư dân.
Những ngày này, các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở tỉnh Phú Yên phải chạy đôn, chạy đáo tìm bạn thuyền đi biển. Con tàu hơn 300 CV của ông Nguyễn Văn Tùng ở phường 6, thành phố Tuy Hòa đã nằm bờ từ giữa tháng Chạp đến nay.
Tàu thuyền của ngư dân miền Trung neo đậu tại cảng cá Thọ Quang, TP. Đà Nẵng
Trước Tết, ông Tùng dự định sẽ xuất bến, đón Tết trên biển nhưng thiếu bạn thuyền đành khất lại, chờ ra Tết. Ông Nguyễn Văn Tùng lo lắng, thiếu lao động, tàu của ông chưa thể xuất bến, mở biển.
“Người biết làm đã bỏ đi làm nghề khác rồi. Bạn muốn đi ngày nào, mình đi ngày đó, giờ rất khó kiếm bạn. Chuyến nào cũng kiếm 2-3 người rất là khổ. Bạn không chịu đi vì vất vả mà thu nhập không bao nhiêu” - ông Tùng nói.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa hiện, có khoảng 10 ngàn tàu cá, cần khoảng 5 vạn lao động đi biển. Ông Đỗ Trung Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và khai thác các công trình thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, 80% số tàu cá đánh bắt gần bờ đang thiếu lao động đi biển.
Các ngư dân lớn tuổi thôi đi biển ngày càng nhiều, trong khi đó số lao động trẻ theo nghề này rất ít. Thu nhập nghề biển không cao, không ổn định nên sau Tết, nhiều ngư dân đã bỏ nghề, lên bờ kiếm việc làm khác, ổn định hơn đi biển.
Ngư dân miền Trung chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển đầu năm
Ông Đỗ Trung Hiệp cho biết: “Đánh bắt không hiệu quả, tiền bạc không ổn định thì người ta sẽ chuyển hướng đi vào làm thuê, làm mướn trong thành phố Hồ Chí Minh. Một số ngư dân phải ứng tiền trước hoặc hoãn chuyến biển để tìm bạn. Không chỉ tìm bạn trong tỉnh Khánh Hòa mà còn ra tận Phú Yên, Bình Định. Rồi kêu gọi bà con thân thiết trong gia đình đi, phải hứa này hứa kia thì người ta mới đi, chứ không phải dễ dàng mà người ta đi đâu”.
Ngay tại thành phố Đà Nẵng, từ sau Tết đến nay, ông Nguyễn Văn Trung, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà phải đi khắp nơi tìm đủ 12 bạn thuyền cho chuyến biển mới. Ông Trung phàn nàn, bây giờ, tìm bạn thuyền rất khó, nghề biển nhiều rủi ro, đánh bắt ngày càng khó, chủ tàu phải cho lao động ứng tiền trước thì họ mới chịu đi biển, nếu không, họ tìm sang chủ tàu khác hoặc lên bờ chuyển nghề.
Thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 1.200 phương tiện đánh bắt trên biển, trong đó, hơn 430 tàu công suất 400CV trở lên đánh bắt xa bờ, cần nhiều lao động đi biển. Hầu hết những lao động trên các tàu cá của thành phố Đà Nẵng là người các tỉnh khác. Sau Tết, nhiều bạn thuyền ở lại quê, một số chuyển sang nghề khác nên tình trạng khan hiếm lao động kéo dài.
Thiếu lao động, nhiều tàu thuyền phải nằm bờ
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng, giải pháp giữ chân được bạn thuyền, trước tiên mỗi chủ tàu phải có chính sách riêng như: cho lao động ứng trước tiền, tăng tỷ lệ ăn chia sau mỗi chuyến đi biển, nâng cao đời sống, an toàn cho người đi biển.
Ông Nguyễn Đỗ Tám nói: “Về lâu dài, thành phố đang làm từ chuyện hỗ trợ đóng tàu cho đến bảo quản sản phẩm, làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm để họ bán được giá trị cao, tức là bạn được chia lợi nhuận cao lên, như vậy là cách giữ bạn. Đời sống người lao động biển nâng cao lên, thì lúc đó họ yên tâm hơn”.
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán, nhiều chủ tàu cá ở các tỉnh miền Trung lại thiếu lao động đi biển. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay và đang ảnh hưởng hoạt động khai thác trên biển của ngư dân./.
Theo Nhóm PV/VOV.VN - Miền Trung