Đến thành phố sông Hàn, ngoài việc trải nghiệm những bãi biển xanh ngát, cây cầu lung linh về đêm, bạn sẽ khó lòng bỏ qua các món đặc sản hấp dẫn ngay từ vẻ ngoài.
Mì Quảng
Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Bắt đầu từ khâu chọn gạo cho đến nước nhưng và các loại gia vị, phụ liệu khác đều rất đặc trưng. Gạo là loại không dẻo, hàm lượng bột cao nhưng phải đảm bảo độ kết dính, được ngâm ít nhất trong vòng 1 tiếng, sau đó cho vào cối xay mịn, tráng thành những lá mì mỏng, xếp chồng lên nhau và thái sợi. Để những sợi mì không dính, phải dùng dầu phụng (hày còn gọi là dầu lạc) phi với củ nén đập dập chín thơm thoa lên bề mặt của bánh.
Nước nhưng dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng. Mì Quảng truyền thống thì nguyên liệu chính là tôm tự nhiên và thịt heo tươi. Tôm sau khi lấy đầu, làm sạch để nguyên con thì được ướp cùng với thịt, một ít tôm được giã nát để cho vào nước tạo vị ngọt tự nhiên. Mì Quảng truyền thống hầu như rất ít dùng đường khi chế biến. Nguyên liệu sau khi ướp thì được tao bằng dầu phụng cho đủ độ thấm và nấu với nước dùng.
Trong khi giữ nóng nước nhưng thì người chế biến chuẩn bị rau và các loại phụ liệu khác. Rau dùng cho Mì Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau Trà Quế gồm cải con, rau húng lủi, rau quế xanh, xà lách và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng. Ngoài ra còn có các loại phụ liệu không thể thiếu là hành lá, ớt xanh, bánh tráng gạo mè, chanh, nước mắm ớt được làm từ cá cơm (dùng để nêm thêm cho vừa khẩu vị của từng người) và đậu phụng rang giã nhỏ.
Cách trình bày của Mì Quảng cũng rất riêng biệt. Đầu tiên cho vào tô là rau sống đủ loại, tiếp đến là mì sợi và chang nước nhưng, sau đó cho hành và ngò lá xanh, đậu phụng rải đều, bánh tráng và một quả ớt xanh kèm với một lát chanh mỏng. Không như phở, nước nhưng mì có độ đậm đặc của tôm giã nhuyễn và những nguyên liệu đặc trưng vừa đủ độ béo, đậm và ngọt.
Bánh bèo
Từ lâu, bánh bèo đã trở thành món ăn vô cùng quen thuộc đối với người dân Đà Nẵng bởi sự dân dã, mộc mạc từ nguyên liệu đến hương vị của nó. Người dân Đà Nẵng có thể ăn bánh bèo vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nó có thể dùng như là món chính hoặc món ăn vặt cho tất cả mọi người.
Bánh bèo cũng có rất nhiều loại được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn bánh bèo. Bánh bèo tai thì nhỏ bằng lỗ tai được sắp sẵn lên đĩa mà thường là đĩa thiết ăn mới ngon, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ, trẹt miệng .
Nhân bánh bèo được làm từ tôm, cá bào lấy thịt, bỏ xương, sau đó ướp gia vị và sấy khô queo trên than hồng cho không còn mùi tanh nữa, bởi vậy khi ăn vào miệng thực khách sẽ chỉ nghe thi thoảng mùi bùi bùi, béo béo. Ngoài ra vẫn có loại nhân được làm từ thịt nạc, nấm mèo…tạo nên một loại hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất đẹp mắt.
Tuy nhiên, món bánh bèo có ngon hay không được quyết định bởi nước mắm ăn kèm. Nước mắm của bánh bèo rất đơn giản, đó là mắm ớt tỏi bằm nhuyễn được pha loãng với nước sôi nguội thêm ít chanh và đường, tất cả tạo nên vị thanh ngọt, chua chua rất đặc trưng. Du khách có thể tìm thấy các quán bánh bèo ở bất kỳ con phố, ngõ hẻm nào trong thành phố.
Bánh tráng cuốn thịt heo
Món cuốn dân dã này có được hương vị khó quên là nhờ khâu chọn lọc nguyên liệu. Bánh tráng phải là loại phơi sương, thơm mùi gạo. Thịt heo chọn loại ngon, luộc vừa tới rồi ngâm trong nồi nước dùng, sao cho miếng thịt có độ dẻo, phần mỡ trong, phần thịt trắng nõn nà, bì mềm.
Đĩa rau sống là thứ chiếm diện tích nhiều nhất của món ăn này, bởi có tới hơn chục loại tươi ngon, chủ yếu là rau vườn, có hương vị tươi mát và rất dễ kiếm dù ở bất kỳ mùa nào trong năm.
Thưởng thức món đặc sản Đà Nẵng, bạn không nên vội vàng, phải sắp xếp và cuốn sao cho miếng vừa đủ, tròn và chắc, hòa trộn được hương vị của các nguyên liệu. Trải chiếc bánh tráng ra, xếp vào đó một lát bánh phở, một miếng thịt heo, lát dưa chuột, chuối xanh, giá đỗ và các loại rau tươi: xà lách, tía tô, húng, diếp cá… rồi từ từ cuốn lại và chấm vào bát mắm nêm cay nồng.
Đây là thức chấm “chuẩn” nhất cho món bánh tráng cuốn thịt heo, không thể thay thế bằng nước chấm khác được. Nếu như thịt heo hay rau sống không có sự khác biệt nhiều với các món bánh tráng cuốn thịt heo ở các tỉnh lân cận thì điều làm nên dấu ấn riêng của món ăn chính là mắm nêm ấy. Mỗi quán hàng ở Đà Nẵng có bí kíp riêng để pha mắm chấm từ mắm nêm nguyên chất tạo nên vị đặc biệt, gây ấn tượng cho người thưởng thức. Mắm nêm Đà Nẵng pha chế rất đậm, còn thêm gừng, sả, ớt băm nhuyễn, mà là trái ớt hiểm cay xè, rồi khi ăn vắt thêm miếng chanh vào cho thật chua và tan bớt mùi mắm, khi ăn thấy sao mà ngon lạ ngon lùng.
Vị tươi mát của rau lẫn vị đậm đà của thịt cùng với vị mắm nêm chua cay đã khiến bao người đến và lưu luyến Đà Nẵng sau khi thưởng thức đặc sản bánh tráng cuốn thịt heo trứ danh.
Ngoài ra, đến Đà Nẵng, du khách còn được thưởng thức các loại hải sản như ốc hút, cá khô rang chua ngọt, chíp chíp xào cay hay gỏi sứa.
Ốc hút là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào xả ớt. Ốc trước khi xào được đập thông hai đầu, khi thưởng thức chỉ cần hút nhẹ ở miệng vỏ sẽ cảm nhận được ngay thịt ốc vừa béo vừa chắc, ăn cùng xoài và đu đủ ngâm chua cay. Vừa ăn vừa hít hà vị cay đặc trưng của các món ăn Đà Nẵng sẽ khiến bạn có trải nghiệm khó quên. Món cá khô xào cay, hay cá khô rang chua ngọt chất chứa hương vị biển mặn mòi.
Chíp chíp xào cay là loại hải sản ngon, rẻ và vô cùng đặc trưng của Đà Nẵng. Ngoài việc hấp, xào cay chíp chíp cũng là cách làm phổ biến. Hương vị ngọt dịu của chíp chíp cộng thêm mùi hăng của sả, cay của ớt, đậm đà của gia vị làm nên một món ăn nhất định phải thử khi đến Đà Nẵng.
Gỏi sứa ăn kèm cùng với bánh đa, chấm nước tương hoặc muối tiêu chanh đều rất ngon, rất hợp với thời tiết mùa hè nóng nực vì vị thanh mát.
Đến Đà Nẵng, thưởng thức những món đặc sản nơi đây, du khách sẽ thấy ẩm thực và các món ăn ngon chính là một trong những điều làm nên sự tuyệt vời cho một vùng đất và làm cho cuộc đời này nhiều sự thú vị hơn./.
ST