Cập nhật: 14/02/2017 08:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Tây. Nơi đây nổi tiếng bởi được coi là tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Đáng nói, qua thăng trầm nghề ảnh, những nét độc đáo trong nghệ thuật nhiếp ảnh truyền thống vẫn được người làng Lai Xá giữ gìn...

 


Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Làng Lai Xá có 5 xóm và một phố mang tên phố Lai. Phố Lai kéo dài chưa đầy 1km nhưng có tới hàng chục hiệu ảnh. Theo sử sách của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, trước cụ Nguyễn Đình Khánh, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam. Năm 1869, cụ Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. 

Song không được bao lâu thì hiệu ảnh phải đóng cửa do chiến tranh và chưa có ai kế tục được nghề. Năm 1890, cụ Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) người làng Lai Xá được chú ruột đưa ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Chu Dương ở phố Hàng Bồ của một người Hoa. Sau hai năm theo học, với năng khiếu bẩm sinh, cùng sự ham học hỏi, cụ Khánh Ký đã lĩnh hội được những tinh hoa của ngón nghề nhiếp ảnh như: Kỹ thuật chụp ảnh ở mọi khoảnh khắc, xử lý ánh sáng và làm ảnh trong buồng tối… Cụ Khánh Ký đã mở hiệu ảnh mang tên Khánh Ký tại phố Hàng Da khi mới tròn 18 tuổi.

Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh ở trong nước và nước ngoài, cụ Khánh Ký còn về quê truyền nghề, mở ra thời kỳ hưng thịnh cho làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá nói riêng và Việt Nam nói chung. Do đó, vào những năm giữa thế kỷ XX, người làng Lai Xá đã thực sự vững vàng trong nghề nhiếp ảnh và thành lập nhiều hiệu ảnh, không chỉ ở trong nước như: Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng… mà còn ở các nước Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức... Thời kỳ đó, ở Hà Nội có khoảng 40 hiệu ảnh, thì hiệu ảnh do người Lai Xá làm chủ chiếm tới 33 hiệu, với những tên tuổi nổi tiếng như: Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ đô ảnh viện, Duy Tân... 

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nghệ thuật nhiếp ảnh làng nghề Lai Xá: Sở hữu kỹ thuật chụp ảnh khéo léo và bí quyết pha thuốc hãm để đủ độ sáng cho ảnh do cụ Khánh Ký truyền dạy, các tay máy của Lai Xá có thể chụp hàng chục cuộn phim trong điều kiện thời tiết bất thuận mà độ bắt sáng vẫn đều và đẹp. Năm 2002, những người Lai Xá có tâm huyết với nghề chụp ảnh của ông cha đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, gồm 30 người, là nơi trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh.

Kế tục sự nghiệp của cụ Khánh Ký, người dân Lai Xá ngày nay vẫn bảo tồn và phát triển nghề. Nhờ đó mà đã có trên 10 bức ảnh đặc sắc về thiên nhiên, sự vật, con người của các hội viên được trao giải cao trong những cuộc thi ảnh chào mừng SEA Games 22 (năm 2003) tổ chức tại Việt Nam; triển lãm ảnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh “Nhịp sống đất và người Hà Tây”... 

Nghề chụp ảnh ở làng Lai Xá như cái duyên, cái nghiệp của người dân nơi đây. Với tình yêu đất nước, thiên nhiên, con người, yêu nghề và ý thức trách nhiệm với lịch sử, người làng Lai Xá ngày nay vẫn kiên tâm với nghề, giữ nghề, phát huy nét độc đáo trong nghệ thuật nhiếp ảnh truyền thống của ông cha.
                                                                                     
Sưu tầm
 
Tệp đính kèm