Cập nhật: 14/02/2017 14:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nông dân xã Song An, huyện Vũ Thư (Thái Bình) xuống đồng cấy lúa xuân.

Vụ đông xuân 2016 - 2017 là vụ lúa đầu tiên các tỉnh miền bắc triển khai theo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, dự kiến toàn vùng sẽ gieo cấy khoảng 1,137 triệu ha, phấn đấu năng suất trung bình đạt 63 tạ/ha, sản lượng ước đạt 7,166 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu nêu trên cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng và người trồng lúa.

Chọn giống lúa phù hợp

Vụ đông xuân năm nay, nông dân các tỉnh miền bắc vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều bất lợi khi nền nhiệt độ tăng cao so nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 2 đến 2,5°C. Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) thì thời tiết ấm rất thuận và được mùa cho nhóm cây ưa ấm và nhóm trung tính như ngô, đậu, khoai lang, rau, dưa, bí… nhưng lại không có lợi cho vụ lúa xuân do nền nhiệt bình quân cao làm mạ sinh trưởng nhanh và không được “qua giá”, mạ sẽ già tuổi khi cấy, đặc biệt với nhóm giống lúa xuân sớm dài ngày như X21, Xi23, 13/2… nhóm ngắn ngày xuân muộn, nếu bà con gieo trước lịch quá sớm cũng sẽ có nguy cơ mạ già vượt số lá tối ưu khi cấy. Chưa kể khi gặp phải thời tiết cực đoan dù đã chuyển từ En Ni-no sang trạng thái trung gian là En-so, song sự chuyển trạng thái này cũng được dự báo là không kéo dài để rồi kế tiếp bằng một trạng thái thời tiết La Ni-na dẫn đến công tác chăm bón gặp khó khăn, nếu không theo dõi sát sao và có giải pháp hỗ trợ kịp thời rất có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất lúa.

Để đối phó với một vụ đông xuân tiếp tục xu hướng ấm, tỉnh thâm canh lúa truyền thống Thái Bình, trước và sau Tết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp có công văn đôn đốc các địa phương bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội đã xây dựng, trong đó tập trung cho sản xuất lúa đông xuân. Năm nay, tỉnh Thái Bình đề ra mục tiêu gieo cấy khoảng 79.500 ha lúa xuân, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 35% trở lên. Chủ trương chung của tỉnh là tận dụng tối đa diện tích đất canh tác để cấy lúa, trong đó 100% diện tích lúa xuân sử dụng các giống ngắn ngày như Bắc thơm số 7, BC15, TBR 225… Các giống lúa được lựa chọn đều có thời gian sinh trưởng dài nhất cũng chỉ 130 ngày, còn trung bình từ 115 đến 120 ngày rất phù hợp với tình hình thời tiết ấm như hiện nay, đồng thời tăng được hệ số sử dụng đất để trồng cây màu vụ hè.

Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Hiền cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho Sở NN và PTNT có công văn chỉ đạo sản xuất vụ xuân 2017, đồng thời trực tiếp gửi văn bản hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật xuống tận các hợp tác xã nông nghiệp. Tính đến ngày 7-2, tỉnh Thái Bình xuống giống được gần 7.000 ha lúa, trong đó gieo thẳng khoảng 2.400 ha. Đối với lúa cấy sẽ kết thúc trước ngày 25-2, lúa gieo thẳng tập trung gieo từ ngày 10-2 đến 15-2.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Thư Đỗ Văn Đồng khẳng định: Ngay từ đầu vụ, huyện đã xây dựng lịch thời vụ tập trung, sử dụng 100% giống ngắn ngày để tính thời gian lúa trỗ an toàn từ ngày 5-5 đến 20-5 không gặp thời tiết rủi ro. Đồng thời, là địa phương có diện tích lúa gieo thẳng cao nhất tỉnh, vụ xuân năm nay phấn đấu có 87% tổng diện tích thực hiện theo phương thức này, tính ra tiết kiệm chi phí so với cấy lúa truyền thống bình quân khoảng bảy triệu đồng/ha.

Nằm giáp ranh với tỉnh Thái Bình, vụ đông xuân năm nay của tỉnh Hà Nam cũng đang vào giai đoạn nước rút. Hà Nam phấn đấu gieo cấy hơn 31.700 ha lúa, trồng hơn 6.310 ha cây màu, tổng sản lượng đạt 225.740 tấn và tổng giá trị sản xuất là 1.372 tỷ đồng. Trong vụ này, tỉnh Hà Nam duy trì 100% diện tích lúa trà xuân muộn, trong đó diện tích lúa lai chiếm 55%, lúa chất lượng hàng hóa chiếm 35% và diện tích lúa thuần năng suất cao chiếm 10%; diện tích lúa gieo thẳng đạt hơn 50%.

Đúng khung thời vụ

Để giúp các địa phương gieo cấy lúa xuân đạt hiệu quả cao, Cục Trồng trọt đã đưa ra khuyến cáo cần tuân thủ nghiêm ngặt khung thời vụ, công tác làm đất gieo cấy trà xuân muộn kết thúc trong tháng 2 dương lịch. Đồng thời cảnh báo về sự thiếu hụt nguồn nước có thể xảy ra khi nền nhiệt tăng cao sẽ làm bay hơi nước mặt thoáng lớn, nước tiêu hao nhiều và tiêu tốn nước lớn hơn, phân bón cũng dễ bị mất đi nếu bón không đúng lúc, đúng cách… các địa phương cần có sự chủ động trong đào đắp, nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước, hồ chứa, cống đập ở các địa phương để phục vụ tưới dưỡng, nhất là với các tỉnh trung du miền núi phía bắc, các tỉnh tiếp giáp vùng này. Bên cạnh đó là bám sát lịch xả nước tại các hồ thủy điện có kế hoạch tích nước sử dụng trong sản xuất.

Theo Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN và PTNT tỉnh Hà Nam Trần Thị Nga cho biết, tính đến thời điểm ngày 6-2, vụ đông xuân năm 2017 đang được triển khai đúng thời vụ, quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt về cơ cấu giống, cương quyết không bố trí giống lúa có nhiều khả năng nhiễm bệnh hại đạo ôn như Q5 và PC15. Cùng với nguồn giống, Chi cục Thủy lợi, Công ty thủy lợi Nam Hà Nam cũng đã và đang dốc toàn lực thực hiện điều tiết tốt khâu bảo đảm đủ nước cấy và dưỡng lúa cho bà con. Theo báo cáo của Phòng NN và PTNT các huyện và phòng Kinh tế TP Phủ Lý, đến ngày 6-2, diện tích đổ ải trong toàn tỉnh là 31.386,6 ha đạt 98,8% kế hoạch và diện tích mạ đã gieo 1.660 ha đạt 92,7% kế hoạch. Nhiều địa phương ở Hà Nam còn tổ chức hỗ trợ giống lúa thuần PQ ngắn ngày cho nông dân gieo cấy trên các cánh đồng quy hoạch gọn vùng, gọn thửa của xã với quyết tâm để một vụ đông xuân thắng lợi.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Kiểm cho biết: Ban đầu lịch gieo mạ đối với lúa đại trà từ ngày 17 đến 18-1, nhưng khi diễn biến thời tiết ấm đã khuyến cáo bà con nông dân lùi thời gian gieo cấy đến ngày 21 và 22-1. Để ứng phó với vụ xuân ấm, hợp tác xã phổ biến cho nông dân kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa bằng cách tưới nông mặt ruộng, sử dụng phân bón “nhẹ đầu, nặng cuối” tức là giảm bón lót, tăng bón thúc để lúa trỗ chung quanh tiết lập hạ. Ngoài ra, tuyên truyền cho nông dân các xã sử dụng phân bón chất lượng cao, bón phân cân đối để kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa, hạn chế trỗ bông vào thời điểm không an toàn kết hợp với điều tiết nước hợp lý để dưỡng lúa sau cấy. Các cơ quan chuyên môn, trong đó có Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ theo dõi sát diễn biến phát sinh, phát triển của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, giảm thấp nhất chi phí phun thuốc trừ sâu cho nông dân cũng như bảo vệ môi trường.

Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng cho nên người dân đều yên tâm bắt tay vào vụ. Bác Nguyễn Thị Hồng, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng (Hà Nam) cho biết: Vụ xuân này, gia đình cấy gần một mẫu lúa, trong đó có đến năm sào gieo thẳng, chỉ còn hơn ba sào vì ruộng sâu cho nên vẫn phải cấy mạ. Năm nay, do thời tiết ấm hơn cho nên công việc gieo cấy của bà con từ việc lấy nước đổ ải đến việc gieo mạ đều thuận lợi. Nếu thời tiết ấm áp, chỉ khoảng một, hai ngày nữa là gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác sẽ hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân.

 

Bài, ảnh: HÀ HUỆ và PHƯƠNG TÚ

Báo Nhân dân điện tử Nhân dân

Tệp đính kèm