Đàn ngựa của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi.
Thời gian gần đây, đàn gia súc ở các tỉnh vùng núi có chiều hướng giảm cả về số lượng và chất lượng do phải đáp ứng thị trường sử dụng da, thực phẩm lớn, nhu cầu khai thác sức kéo không còn cần thiết dẫn tới sụt giảm các nguồn gien quý. Tuy nhiên, công tác duy trì và phát triển các giống gien quý bằng ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi đã và đang triển khai khá thành công tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi có diện tích 70 ha, trong đó có 30 ha đồng cỏ. Đây là nơi nuôi dưỡng số lượng đàn ngựa, trâu giống lớn nhất miền bắc hiện nay. Trung tâm cũng là nơi duy nhất tại Việt Nam thực hiện việc nghiên cứu chọn lọc, nhân giống, lai tạo, giữ giống gốc và bảo tồn nguồn gien các giống đại gia súc, gia cầm khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía bắc.
Công nghệ sinh học cho nguồn gien quý
Nhận thấy công nghệ sinh học trong chăn nuôi có vai trò hết sức quan trọng trong chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đang tập trung nhân thuần và lai tạo ngựa, tăng cường triển khai các chương trình nghiên cứu về chế phẩm sinh học từ gia súc để phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Hiện tại, Trung tâm đang nhân thuần và lai tạo ba giống ngựa bao gồm ngựa bạch, ngựa lai đua, ngựa lai thồ. Trong đó, giống ngựa bạch được chọn lọc nhân thuần phát triển bảo tồn nguồn gien quý hiếm mà hiện cả nước chỉ còn khoảng 1.000 con. Ngựa bạch được nhân giống tại trung tâm là giống ngựa quý, thuần Việt. Không giống ngựa thường nuôi lấy sức kéo, ngựa bạch chủ yếu nuôi lấy thịt và nấu cao. Bên cạnh ngựa bạch, trung tâm cũng nghiên cứu phát triển giống ngựa đua từ Đức, một trong những giống ngựa quý đang được nghiên cứu.
Theo ông Vũ Đình Hoan, Trưởng phòng Kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho biết, việc thực hiện lai tạo bằng thụ tinh nhân tạo và sử dụng tinh nhập giúp trung tâm tiết kiệm, chủ động nguồn kinh phí, bởi nhập một con đực giống thì số tiền lên tới hàng vài tỷ đồng, còn một cọng tinh chỉ rơi vào khoảng 10 – 15 triệu đồng tùy từng giống.
Song song với việc nghiên cứu, lai tạo, bảo tồn các giống ngựa quý, Trung tâm còn có Trại nghiên cứu trâu giống hạt nhân và hiện cũng đang duy trì tới 60 con trâu giống Murrah có nguồn gốc Ấn Độ và trâu Việt Nam để nhân thuần, sản xuất tinh cọng rạ phục vụ việc lai tạo với trâu nội.
Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng đột phá ở công nghệ giống là rất quan trọng, vì vậy trung tâm sẽ tập trung phát triển về giống, trong đó chủ yếu nghiên cứu con đại súc là chính. Ngoài ra, chúng tôi sẽ duy trì nghiên cứu chọn lọc nhân thuần, tiếp tục nghiên cứu chọn lọc nhân thuần của trâu nội để nâng cao tầm vóc của trâu nội Việt Nam”.
Ông Đại cho biết, trung tâm chủ yếu tập trung nghiên cứu vào đối tượng giống đại gia súc.
Ngoài công nghệ phát triển thụ tinh nhân tạo trên ngựa và trâu bò, trung tâm còn sử dụng cả chế phẩm sinh học để gây động dục hàng loạt trên trâu, bò hoặc gây rụng trứng để đạt tỷ lệ thành công thụ tinh nhân tạo cao nhất. Việc nghiên cứu và ứng dụng thụ tinh nhân tạo cho trâu đã mở ra hướng đi chiến lược trong việc cải thiện chất lượng đàn trâu Việt Nam và thu hút đông đảo bà con các tỉnh tham gia chăn nuôi đàn trâu lai, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Chuyển giao con giống, phát triển chăn nuôi
Hiện tại, trung tâm đã làm chủ được công nghệ lai tạo tiên tiến, những con giống có giá trị thương phẩm cao được đẩy mạnh nghiên cứu, nhân giống nhằm chuyển giao ra bên ngoài cho bà con để bảo tồn, phát triển nguồn gien quý hiếm này.
Ông Nguyễn Gia Vinh, xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, sau khi về hưu, ông được cán bộ tại trung tâm tư vấn, hướng dẫn cách chăn nuôi ngựa bạch thuần, đến nay, cho lợi nhuận hàng năm từ 150 triệu – 180 triệu đồng. Gia đình ông mỗi năm nhập từ 10 - 15 con giống từ trung tâm và nguồn kinh tế gia đình đi lên chủ yếu dựa vào con ngựa.
Ông Vinh cho biết, giống ngựa bạch dễ chăm sóc và phát triển, sinh sản tốt, hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo Giám đốc trung tâm Nguyễn Văn Đại, hàng năm trung tâm đều cung cấp giống, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật tới tận thôn, bản cho người dân. Từ đó, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi được trung tâm thực hiện khá tốt thông qua các tổ chức đoàn xã, phường, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, do đối tượng phục vụ chủ yếu là người dân các tỉnh miền núi, nên điều kiện đi lại còn khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế nên quá trình phổ biến khoa học kỹ thuật của trung tâm gặp nhiều khó khăn. Hầu hết cán bộ tại đây đều phải tham gia xây dựng những mô hình cụ thể, hướng dẫn bà con theo kiểu bắt tay chỉ việc thì quá trình chuyển giao mới đạt hiệu quả tối ưu.
“Ngoài hướng nghiên cứu cho đại súc, trung tâm còn mở rộng nghiên cứu các giống gia cầm phù hợp với vùng núi phía bắc, trong đó, tập trung lai tạo ra các giống gà lai thả vườn phù hợp với điều kiện khí hậu miền núi”, ông Đại chia sẻ thêm.
Hướng tới sự phát triển trong tương lai, lãnh đạo trung tâm cho biết, sẽ phấn đấu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi để trở thành Viện nghiên cứu chăn nuôi miền núi phía bắc, nhằm nghiên cứu, chuyển giao các giống vật nuôi đặc thù trên địa bàn với định hướng kết hợp giữa nghiên cứu chuyển giao và khu du lịch sinh thái động vật nông nghiệp. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị bền vững, an toàn.
KIM BÁCH
Theo Báo Nhân dân điện tử