Cập nhật: 27/02/2017 14:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một góc cù lao Ông Hổ.

Nằm yên bình giữa những dòng sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, Cổ Chiên… mênh mông, không ai từng đếm xem vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long có bao nhiêu cù lao. Chỉ biết, điều độc đáo là nơi những mùa cây trái trĩu quả quanh năm, cuộc sống vô cùng thanh bình, với những ngôi nhà không bao giờ khóa cửa, không bao giờ mất trộm hay một điều gì tương tự dù cuộc sống người dân phần đông vẫn còn nhọc nhằn...

Thế giới yên bình

Tôi cũng chẳng nhớ, đã biết bao lần trôi về miền phù sa bình dị ấy. Những tên đất, tên sông nghe thao thiết niềm nhớ niềm thương, lúc nào cũng như níu kéo gọi mời. Có khi đi để ngắm cảnh, khi để tìm hiểu dân tình, có khi đi để ngắm một tà áo mờ mờ ảo ảo trên sông, hay cũng có khi chỉ để nghe tiếng đời dội lại, hay tiếng lòng mình thổn thức. Có lần thuyền đang êm đềm tìm bến, thì chợt nghe vẳng lại câu ca: “Đò đưa mấy chuyến An Bình/ Lục bình còn có bạn, sao chúng mình lẻ đôi”… bỗng thấy lòng mình chùng xuống. Vậy mà thanh thản lắm, mà thấy yêu hơn mảnh đất này và luôn muốn trở lại để hòa vào cảm giác đượm một miền thương mến...

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm mới, và tôi đã từng thắc mắc các cù lao ở vùng châu thổ rộng lớn này với những khu vườn liền kề nhau, những căn nhà mở toang cánh cổng, cửa nhà đã làm tôi cảm thấy lạ! Dần dần, quen và hiểu nếp sống của người cù lao, tôi lại thấy đó là nét đặc trưng không lẫn vào đâu được. Còn nhớ, cách đây ít lâu, khi ngồi đợi đò ở cù lao Đất để sang bên Ba Tri (Bến Tre), tôi vô cùng bất ngờ khi thấy những thùng mãng cầu, vú sữa để la liệt bên lề vườn. Bà chủ quán nước bảo, ở đây ngày chỉ có bốn chuyến đò, theo lịch đi học của các học sinh mà thôi. Thế nên những người bán nông sản sang bên chợ cứ để sẵn đấy, chả cần canh giữ làm gì vì không ai lấy. Đợi trưa có đò thì mang sang bên kia có người nhận.

Người dân miệt vườn ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… cho rằng, do đặc điểm cù lao nằm giữa lòng sông, cầu không bắc tới và phương tiện duy nhất nối với thế giới bên ngoài chính là những chuyến đò, chuyến phà. Thế nên, cuộc sống của người dân cù lao có những quy tắc riêng, ít bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài. “Nếu kẻ gian có nảy sinh ý định lấy cắp thứ gì ở miệt cù lao này cũng chỉ còn cách vứt xuống sông Cổ Chiên kia chứ chẳng mang đi đâu được”,-anh Huỳnh Viên, 42 tuổi, một người dân ở cù lao Cồn Cò (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết. Cũng theo người đàn ông làm nghề chạy phà hơn 10 năm này thì khoảng cách gần nhất từ phía bờ Cầu Ngang qua cù lao là chừng hơn một cây số. “Người dân trên cù lao từ bao đời chỉ biết làm ăn. Nhà nào cũng làm vườn, đánh cá, nuôi ong. Bình thường gặp nhau đã như người thân, giỗ tết một nhà là cả cù lao tới sum vầy. Đồ đạc cứ để cả năm cũng chẳng ai lấy. Nếu có kẻ gian nơi khác tìm tới, lấy được đồ đạc cũng chả mang đi được vì tất cả mọi thứ đều phải di chuyển qua chuyến phà này của tôi”- anh Viên cười cho biết thêm.

Mà, không chỉ riêng ở cù lao Cồn Cò, hầu hết các cù lao khác miệt châu thổ, cuộc sống của mọi người đều như thế. Yên bình và êm ả. Dường như cái ý thức sinh tồn biệt lập giữa mênh mang sông nước đã làm cho con người gắn bó, đùm bọc và tốt đẹp với nhau hơn, từ nhiều năm trước vậy. Cũng có một lý giải khác, rằng ở các miệt cù lao, do nhà nào cũng vườn tược đủ thứ cây trái, chẳng thiếu quả gì nên không ai lấy của ai. Còn tài sản trong nhà, đều là những món đồ bình thường, chẳng đáng bao tiền. Cụ Hoàng Văn Khoa, 80 tuổi sinh sống ở cù lao Tam Hiệp (Đại Bình, Bến Tre), tâm sự: “Người dân chúng tôi sống nhân nghĩa, mến khách và nhất là rất đoàn kết. Có đìa tát cá thì tát hộ nhau. Có vụ thu hoạch lúa thì làm đổi công. Quý mến nhau như vậy, đối đãi với nhau bằng nụ cười, bằng củ sắn chia đôi, sẻ ba, coi nhà hàng xóm cũng là nhà mình nên hết lòng bảo vệ. Bởi thế, sự ôn hòa ấy cứ truyền hết đời này sang đời khác”.

Có cơ hội hòa đồng cùng cuộc sống của người dân ở cù lao, mới thấy hết những vẻ đẹp giản dị. Khi đã được dân quý dân thương, bất kể ai cũng sẽ muốn ở lại. Như anh bạn tôi, sinh ra và lớn lên ở mãi thành phố Vĩnh Long, rồi đi dạy học ở cù lao Mây, xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long), đã phải lòng người con gái làm bánh tráng nơi này. Cù lao Mây nổi tiếng với nghề làm bánh tráng mấy chục năm nay, đã được xuất khẩu đi nước ngoài, đồng thời nổi tiếng bởi những người con gái xinh đẹp, thắt đáy lưng ong. Tương truyền vùng đất này con gái đẹp người đẹp nết chẳng kém con gái Nha Mân (tỉnh Đồng Tháp), thậm chí cách nói chuyện được đánh giá là có duyên hơn. Những con đường ven bờ mương thẳng tắp, đã trở thành con đường hò hẹn, con đường hoa để anh bạn tôi nên duyên vợ chồng, và ở lại truyền dạy văn hóa cho các học trò nghèo.

Điểm đến hấp dẫn

Mùa này hoa nhãn, hoa xoài xứ cù lao nở rộ, ong bướm đua nhau về làm tổ. Vẻ đẹp của cù lao ngày càng hấp dẫn khách du lịch, những người nghiên cứu văn hóa, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ tới tìm cảm hứng sáng tạo. Có thể kể đến cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên - An Giang), nơi được bồi đắp bởi phù sa sông Hậu. Đặc biệt, cù lao còn giữ được nhiều nếp nhà cổ, và là nơi có Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Những năm qua, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch An Giang đã xây dựng tour du lịch từ TP Long Xuyên tới đây và tỏa đi các cù lao khác. Điều đặc biệt, không chỉ là nếp sống văn hóa êm đềm được bảo lưu gìn giữ, mà nhiều nghề truyền thống như nghề dệt lụa, làm chiếu cũng được các nghệ nhân tích cực gìn giữ, truyền dạy cho cháu con. Các nghệ nhân cho rằng, nghề truyền thống không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn là cách làm đẹp đời sống văn hóa, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo của cù lao này. Cách cù lao Ông Hổ không xa, thuộc huyện Chợ Mới (An Giang) là cù lao Giêng, một trong những cù lao nổi tiếng và được khai khẩn sớm nhất. Điểm nổi bật của cù lao Giêng là những ngôi giáo đường, những mái chùa nằm xen với các khu vườn cây ăn trái trĩu quả. Người dân cù lao Giêng cho rằng, đất đai nơi đây màu mỡ, trời phật phù hộ cho hoa trái thơm ngon, nên người dân rất mến khách và muốn trao những ân tình cho khách phương xa. Với khách du lịch, họ không cân điêu, nói thách, thậm chí nếu quý là có thể cho luôn cả chục kg hoa quả mà không lấy một đồng. Những lão niên trong vùng cho rằng, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, đất cù lao mở cửa rộng đón khách, nếu không tạo dựng được “thương hiệu” hiếu khách, ôn hòa, thì làm sao vùng đất này lại được nhiều người biết đến! Vâng, đúng là một thương hiệu tuyệt vời! Từ những cù lao lớn bằng địa giới hành chính cả một huyện, đến những cù lao nhỏ bé như các doi đất tốt tươi dưới hạ lưu sông Tiền, sông Hậu… Nào là cù lao Thới Sơn, Thới Trung, cù lao Phú Đông, cù lao Ké, cù lao Mây, cù lao Bình Thủy... Nơi nào cũng vậy, một không khí yên bình đến ngỡ ngàng và sự nồng hậu chân thành của những cư dân địa phương khiến tôi cứ quyến luyến mãi...

Miền cù lao không khép cửa. Những ngôi vườn tiếp nối nhau không cần hàng rào, còn các ngôi nhà thì lúc nào cũng mở, chẳng phải đề phòng, như tấm lòng những người dân nơi đây lúc nào cũng rộng mở, chan hòa, hiểu nhau, tin nhau lắm lắm.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ

Theo Báo Nhân dân điện tử

 

 

Tệp đính kèm