Cập nhật: 02/03/2017 10:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xưởng may của chị Trần Thị Tiến.

Tháng 5-2006, bão Chan Chu tràn vào Biển Ðông, đánh chìm hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân TP Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Hơn 300 ngư dân thiệt mạng, trong đó riêng ngư dân ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam chiếm hơn một phần tư. Tám năm qua, những người phụ nữ làng biển Bình Minh đã gượng dậy từ đau thương, mất mát, thay chồng, thay cha nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi khôn lớn, nên người.

Nỗi đau làng biển

Chiếc xe tải nhỏ ghé trước nhà bà Võ Thị Chính ở thôn Bình Tân, xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) nhận hàng may mặc gia công để chuyển vào cơ sở chính ở TP Hồ Chí Minh. Bà Chính giục con gái cùng hàng chục chị em ở xưởng may gia công của gia đình nhanh chóng chuyển hàng lên xe. Gạt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt, chỉ tay về phía cô con gái chừng ngoài 30 tuổi, bà Chính nhỏ nhẹ: Xưởng may của nó đấy, tui chỉ phụ việc khi cần, còn chủ yếu là lo đi chợ, cơm nước giúp cháu.

Câu chuyện mở xưởng may gia công của chị Trần Thị Tiến bắt đầu từ tám năm trước. Khi đó, chị còn là công nhân may ở xí nghiệp trên thị trấn Hà Lam, cách nhà chừng mươi cây số. Giữa tháng 5-2006, bão Chan Chu, cơn bão đầu tiên trong năm bất ngờ đổ vào Biển Ðông với sức gió kinh hoàng. Thời điểm đó, hàng nghìn tàu thuyền đang đánh cá trên biển nhận được tin, thuyền gần thì về bờ, tàu xa bẻ lái lánh vào phía nam, hay ngược lên mạn bắc tránh đường bão dữ. Ngày sau, bão đổi hướng đột ngột, ngoặt lên phía bắc, nơi đang có hàng trăm chiếc tàu của ngư dân miền trung tránh bão. Sáng 16-5-2006, trời vừa hửng nắng cũng là lúc làng chài Bình Minh bàng hoàng, hơn chục tàu đánh cá đang neo đậu ở Hoàng Sa và những vùng lân cận bị bão quật vỡ, đánh chìm. Hàng trăm ngư dân mất tích. Người già, phụ nữ, trẻ em xã Bình Minh dắt nhau ra tìm các chủ tàu ở Ðà Nẵng hỏi thăm tin tức. Trên bãi biển Thanh Khê, những người phụ nữ díu vào nhau, khụy xuống bãi cát, ánh mắt thẫn thờ ngóng mãi khơi xa. Tàu về, những con tàu rách tả tơi mang theo tin dữ. 14 tàu chìm, bốn tàu mất tích. Hơn 300 ngư dân nằm lại với biển khơi, chỉ 28 người tìm thấy thi thể.

Giữa ngày hè bỏng rát, đau thương, tang tóc phủ lên làng chài Bình Minh. Chị Trần Thị Tiến kể: Ngày ấy, tôi cùng mẹ ra Ðà Nẵng. Thi thể cha tôi về trên chuyến tàu cuối cùng. Còn anh trai là Trần Phúc Việt, 28 tuổi và em trai út Trần Anh Rin mới 16 tuổi vĩnh viễn nằm lại đâu đó ngoài khơi xa. Lúc đó, mẹ tôi ngất lịm trên bãi cát, chị em chúng tôi nhận xác cha đưa về chôn cất. Tôi bỏ việc ở xí nghiệp, về nhà mở tiệm may, cũng là tiện việc chăm sóc mẹ và con gái anh Việt lúc ấy mới năm tháng tuổi. Trong số các cơ quan, địa phương, nhà hảo tâm đến thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ hồi đó, có một chú là chủ công ty may lớn ở TP Hồ Chí Minh, thấy tôi biết nghề may, chú giao hàng cho gia công để xuất khẩu. Hai năm sau, chú cho vay vốn mua 15 máy may để mở xưởng, giải quyết việc làm cho chị em trong thôn. Chị Tiến kéo tay cô gái trẻ đang dọn vải vụn, giọng nhẹ bẫng: Em nó là Võ Thị Phượng, cũng có cha và hai anh trai nằm lại với biển, khi nó mới 16 tuổi. Chị em chúng tôi tựa vào nhau mà sống. Nay thì việc làm không hết, thu nhập bình quân hơn bốn triệu đồng mỗi người.

"Tôi mất cả chồng, hai con trai và con rể trong chuyến ấy. Hồi đầu tôi suy sụp, nằm liệt mấy tuần, cứ nghĩ, nếu chết được còn sướng hơn. Nhưng rồi thương con, thương cháu, lại gượng dậy kiếm kế sinh nhai". Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Bình Tịnh kể chuyện mà giọng cứ nghèn nghẹn, nước mắt rân rấn. Hôm nào chị cũng dậy từ hai, ba giờ sáng, lấy cá, cắt rau về bán, thay chồng, thay con nuôi năm đứa trẻ. Ðược các nhà hảo tâm, rồi huyện, xã, hội phụ nữ, nông dân tạo điều kiện, nhờ đó, gánh bún mắm, bánh bèo được bà con thương mà mua, giúp người phụ nữ chân chất, hiền lành nơi làng biển một mình nuôi dưỡng năm đứa trẻ mồ côi ăn học, khôn lớn.

Trải qua nhiều khó khăn, bão tố, ngư dân Bình Minh vẫn kiên cường bám biển. Ảnh: LÊ TRUNG

Bình Minh nơi chân sóng

Anh Nguyễn Hồng Việt, trưởng thôn Bình Tịnh kể: Ngày 20 tháng Tư (âm lịch) này, cả làng sẽ giỗ chung cho những người đi biển bị chết bởi cơn bão Chan Chu. Cuộc sống bà con dẫu còn vất vả, nhưng không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm nhiều so với trước. Nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm, tám năm qua, không có trẻ em bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Em Trần Viết Tài, cha mất trong bão Chan Chu, mẹ thường xuyên đau yếu, nhưng em luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Vừa rồi tốt nghiệp Ðại học Kinh tế Ðà Nẵng loại giỏi, nhưng gần một năm nay chưa xin được việc làm, dẫu hồi cha mất, rất nhiều nơi hứa nhận vào làm việc. Bình Minh là xã duy nhất của huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đời sống người dân dựa vào nghề biển. Do bãi ngang, điều kiện khó khăn nên trước đây ngư dân Bình Minh chủ yếu ra Ðà Nẵng, Hội An đi bạn trên những con tàu đánh bắt dài ngày trên biển xa. Chủ tịch UBND xã Bình Minh Trần Công Minh chia sẻ: Cơn bão Chan Chu đã cướp đi sinh mạng của 86 đàn ông, trai tráng của Bình Minh. Những năm đầu, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, do đàn ông luôn là lao động chính trong gia đình. Vượt lên đau thương mất mát, những người phụ nữ trở thành chỗ dựa của cả gia đình, con trẻ. Người mua bán mớ cá, gánh rau, người làm nước mắm, mở cửa hàng tạp hóa... tảo tần hôm sớm nuôi con, nuôi cháu.

Những ngày khốn khó đang qua, Bình Minh hôm nay không còn cảnh đói nghèo triền miên nơi con sóng bạc đầu ngày đêm vỗ vào bờ cát trắng. Gần đây, nhờ có chủ trương của Nhà nước trong việc hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu lớn, đánh bắt xa bờ, nhiều ngư dân Bình Minh cùng góp vốn, đóng tàu, mua sắm ngư cụ, vươn khơi xa đánh bắt. Ðội tàu của xã hiện có 123 chiếc, trong đó có 97 chiếc công suất từ 90 mã lực trở lên. Trong đó có những chiếc 600 đến 700 mã lực, như tàu của ông Hoàng Hữu Thu mới hạ thủy, đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày. Dẫu đau thương, mất mát, nhưng không ai gục ngã, không ai bỏ biển. Những người phụ nữ can trường nơi đất nghèo xứ Quảng vẫn thủy chung với biển như ngàn đời nay. Những đôi vai gầy yếu của các mẹ, các chị đã trở thành chỗ dựa cho những người đàn ông còn lại của làng biển, cho lớp trẻ lớn lên, lại theo bước cha ra biển lớn.

Khi chúng tôi hỏi về hướng phát triển của nghề biển ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình (Quảng Nam) Phạm Vỹ trầm ngâm: Với chủ trương của Chính phủ, của tỉnh trong việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, bằng việc ưu tiên cho vay vốn, cung cấp thiết bị thông tin liên lạc, dò cá... hiện đại, ngư dân Bình Minh nói riêng, Quảng Nam nói chung có điều kiện để đóng mới tàu thuyền công suất lớn, mua sắm ngư cụ, thiết bị máy móc, vươn khơi bám biển dài ngày. Tuy nhiên, ở miền trung, dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều hạn chế, vì thế, chất lượng hải sản đánh bắt được thường giảm nhiều, vì công tác bảo quản chủ yếu còn thủ công, tàu hậu cần dịch vụ nghề cá ít, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm, dầu, nước đá ngay trên biển cho ngư dân. "Nếu Nhà nước chú trọng nhiều hơn đến dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời dự báo chính xác hơn tình hình thời tiết trên biển, thì hiệu quả nghề cá sẽ tăng lên rất nhiều, ngư dân cũng yên tâm hơn trong việc đầu tư tàu lớn, bám biển, vừa đánh bắt hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Phạm Vỹ nhấn mạnh.

Tròn tám năm, nỗi đau vẫn hiện hữu đâu đó trên vùng quê nghèo xứ Quảng. Khó khăn, vất vả, nhưng những người phụ nữ, những "vọng phu" của biển không hóa đá chờ chồng, mà tự mình vươn dậy gánh vác việc nuôi con. Như xương rồng trên cát, những "vọng phu" nơi chân sóng chắt chiu từng hạt gạo, hạt muối, nuôi dưỡng những đứa trẻ trưởng thành, nuôi dưỡng tình yêu với biển khơi, tiếp sức cho lớp lớp trai trẻ vững tay lái, vươn khơi làm chủ, vững vàng nơi đầu sóng, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Bài, ảnh: THANH TÙNG

Báo Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm