Cập nhật: 07/03/2017 09:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khu nghỉ mát Tam Đảo nằm trong một lũng tròn đường kính độ 2 kilômét. Bao quanh ba mặt là ba khối núi; một mặt mở rộng về phía nam, nên mùa hè gió mát thổi vào lồng lộng, còn gió bắc lạnh lẽo của mùa đông lại bị núi chặn lại, khiến khí hậu ở đây điều hoà, quanh năm dễ chịu. 

Mỗi năm có hàng vạn khách từ đồng bằng lên đây nghỉ ngơi. Dòng suối Bạc từ trên núi chảy xuống ngang qua thị trấn làm thành một dòng thác cao là Thác Bạc. Thác Bạc cao 130 mét, đổ làm ba bậc, nhưng từ chân thác nhìn lên thì chỉ thấy một dải nước trắng xoá cao 40 mét. Đường xuống chân thác được xây thành 355 bậc đá. ở chân thác, nước đổ xuống quạt gió ào ào, mát lạnh; nhiều tảng đá đổ xuống chân thác, được nước bào nhẵn thành những hàng ghế cho du khách nghỉ chân.

Ở trong lũng, khu nghỉ mát rải thành võng tròn từ độ cao 930 mét lên tới 970 mét. Ngược dòng suối lên cao thì có hố chứa ngăn nước suối Bạc lại, cung cấp cho hệ thống nhà nghỉ và bể bơi.

Từ Tam Đảo nhìn xuống giống như một bức tranh rộng bao la; con đường xuống Vĩnh Yên như một dải lụa trắng ẩn hiện giữa rừng xanh.

Mùa hè ngày ngắn, mùa đông ngày dài; mùa hè mát mùa đông ấm, ấy là khí hậu đặc biệt của Tam Đảo.

Nắng Suối Bạc là nắng óng vàng và dịu dàng. Giữa mùa hè mà mỗi ngày nắng chỉ rải ra trong lũng có 7 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Những tháng năm, tháng sáu, tháng bảy mặt trời mọc lên thì những tia nắng vướng phải sườn núi phía đông, bị chắn lại không vào được thung lũng, chỉ những tia trên cao mới hắt được vào các chóp núi ở sườn tây; người ngắm cảnh nhìn lên chỉ thấy có nắng treo ở đầu non. Mãi đến 9 giờ sáng mặt trời lên khá cao, tia nắng mời dần dần rọi được xuống thung lũng. Đến chiều cũng vậy, mới 4 giờ chiều, mặt trời vừa ngả xuống chân trời phía tây là ánh sáng bị núi chắn lại; nắng trong thung lũng đã tắt, chỉ trên các đỉnh núi bên sườn đông là sót lại ít nhiều hạt nắng vàng. Một ngày ở Tam Đảo có bốn mùa; sáng tiết trời như mùa xuân, trưa đến như mùa hạ, chiều như mùa thu và đêm về như mùa đông.

Ba ngọn núi cao nhất của Tam Đảo nổi lên ở đoạn giữa của dãy núi là đỉnh Thiên Thị, Thạch Bàn và Phù Nghĩa. Đỉnh Thiên Thị ở phía đông nam, cao 1375 mét, từ dưới nhìn lên thấy nhọn nhưng lên đến đỉnh lại thấy có một khoảng bằng phẳng rải rác nhiều tảng đá lô nhô như những người trời đang xuống họp chợ, nên có tên Thiên Thị nghĩa là “Chợ Trời”. Đỉnh thứ hai cao 1388 mét, có một tảng đá rất lớn, phẳng như mặt bàn nên được gọi là Thạch Bàn, nghĩa là “Bàn Đá”. Đỉnh cao nhất 1400 mét, có tên Phù Nghĩa tức là “Giúp việc nghĩa”, tên này có người cho là Quận Hẻo đặt khi đóng đại bản doanh ở núi này vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, cũng có người cho là do một viên tướng đời Trần tên là Phù Nghĩa đã đến đây chiêu binh đóng trại. Trên cả ba ngọn núi ấy, rừng xanh um tùm, rất nhiều cây gỗ quý.

Tam Đảo không phải chỉ nổi tiếng với người trong nước mà cả với người nước ngoài. Thế kỷ XV đời Minh, Cao Hùng Trưng đã công nhận trong sách “An Nam Chí Nguyên” rằng Tam Đảo “ba ngọn mọc lên cao vút tầng mây, cùng với núi Tản Viên đứng đối nhau, đều là danh sơn của Giao chỉ...” Cao Hùng Trưng lại nói là “Tiểu uyển ở trong núi Tam Đảo có nhiều kì ba dị thảo ... Trên núi có am Vân Tiêu, am Song Tuyền, am Lưỡng Phong, thang Bộ Vân và cầu Đái Tuyết... phong cảnh đều kì tuyệt”. Ngày nay các am, các cầu và nhất là “vườn Tiên” ấy không còn dấu vết, nhưng chắc rằng xưa kia cũng chỉ quanh quất bên song tuyền là Suối Bạc, Suối Vàng này thôi.

Giữa thế kỷ XVIII, khi lên chơi núi, Lê Quý Đôn (1723 - 1783) còn thấy “đỉnh núi đất đá lẫn lộn, cây cối um tùm xanh tươi, nhiều hồi hương và quế”, thật đúng cái cảnh “ở đây quế sánh cùng hồi”. Chùa chiền cũng đang còn cả. “ở giữa là ngọn núi gọi là núi Kim Thiên cao chót vót, khe thác không biết bao nhiêu mà kể... sườn núi có chùa cổ Tây Thiên, tre xanh thông biếc, cảnh sắc thanh nhã khoáng đạt, trên đỉnh núi lại có chùa Đồng Cổ, lên xuống phải mất hai ngày”.

Núi Tam Đảo mọc lên ngay cạnh đồng bằng bằng phẳng và đơn điệu, đã thành cảnh trí cho những đền chùa nổi tiếng, nhưng núi rừng, khe suối mà mọc lên sát ngay đồng bằng lại còn có giá trị về mặt quân sự nữa. Lê Quý Đôn cũng tả rằng “Tam Đảo thế núi liên miên kéo dài, về phía tây là các núi Bông, núi Trữ Lai, núi Lịch và Khe Nhân Túc, tục gọi là Khe chân người, nước khe từ trong núi Yểm Nhĩ (là núi Che Tai) và núi Ngọc Bội, từng đoạn, từng đoạn chảy ra, qua núi Thanh Lanh gồm chín mươi chín khúc. Núi Cổ Cò ở phía núi Ngọc Bội và Bàn Long, chồng chất tầng tầng lớp lớp, trong ấy lại có núi Huân Bông, núi Thiên Thị và núi Đát Ma, đều rất trùng điệp và  hiểm trở”.

Tam Đảo nhiều đèo lên xuống, nhiều lối tắt qua lại thuận tiện: Đèo Kháng Nhật từ Vĩnh Yên thông lên Tuyên Quang, đèo Nhe, đèo Thanh Lộc và đèo Khế thông sang Thái Nguyên, nên nhiều cuộc khởi nghĩa đã lấy Tam Đảo làm căn cứ địa “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Trong thế kỉ XVIII chống vua lê, chúa Trịnh, nhà sư Nguyễn Dương Hùng lập căn cứ ở vùng Thanh Lanh, Ngọc Bội từ năm  1737 đến 1740; rồi tiếp theo Quận Hẻo; Nguyễn Danh Phương quê ở Yên Lạc lên dựng bản đại đồn ở chân núi Mỏ Quạ, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên từ 1740 đến 1750; nay cả một vùng ấy còn di tích: thành Quận Hẻo ở ngọn suối Khế, trên đường đi từ Mĩ Khê qua Thanh Lanh, Ngọc Bội, cao to như đê một con sông lớn, dựa vào hai sườn núi, chắn ngang thung lũng Thanh Lanh, tạo ra một hồ lớn vừa để phòng ngự bên ngoài đại đồn, vừa lấy nước tưới ruộng. Từ đấy vào sâu thì nào là nơi điểm quân trước mỗi trận đánh gọi là Đấu Đong Quân; nào là chỗ trùng sâu đế tắm voi chiến, ngựa chiến, gọi là suối Tắm Voi; nào là núi Quần Ngựa, núi Cột cờ, cuối cùng là Đại Đồn và thác Ba Ao. Khi quân Pháp sang, thì người Dao nổi nghĩa quân đóng ở khu Rừng Ma, Ao Dứa, xã Tam Quan, huyện Tam Dương để chống lại. Quân Đề Thám, quân Đội Cấn đầu thế kỉ XX cũng nhiều phen lấy Tam Đảo làm nơi hoạt động. Năm 1909, Đề Thám từ Yên Thế đến đóng trại trên đỉnh núi Bách Bung rồi chuyển về làng Trung Oai, huyện Đông Anh; ít lâu sau lại trở về sườn phía đông bắc Tam Đảo.

Thời kì tiền khởi nghĩa, ngày 16 tháng 7 năm 1945, lực lượng vũ trang Cách mạng diệt đồn binh Nhật đóng ở Tam Đảo; rồi trong kháng chiến chống Pháp, Tam Đảo lại là bàn đạp để mở những chiến dịch nổi tiếng: Trần Hưng Đạo năm 1950, Hoàng Hoa Thám năm 1951, Chiến dịch trung du năm 1954. Tam Đảo không những chỉ là thắng cảnh mà còn là đất dụng võ của nhân dân chống lại cường quyền và giặc ngoại xâm.

mà còn là đất dụng võ của nhân dân chống lại cường quyền và giặc ngoại xâm.

ST

Tệp đính kèm