Cập nhật: 08/03/2017 14:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo tại cửa hàng xăng dầu số 5, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Qua hơn năm tháng ngành thuế triển khai, thực hiện niêm phong kẹp chì đồng hồ (công-tơ) tổng tại các cột bơm xăng dầu trên toàn quốc đã đem lại một số tín hiệu khả quan như chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN),…

Tuy nhiên, để ngăn ngừa tối đa các hành vi gian lận thương mại, bảo đảm chất lượng nguồn hàng, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Tín hiệu khả quan

Tỉnh Nghệ An hiện có gần 400 DN kinh doanh xăng dầu với hơn 540 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động. Tuy nhiên, do phần lớn người tiêu dùng cá nhân khi mua xăng dầu không lấy hóa đơn, dẫn đến tình trạng một số DN bán hoặc cho các DN, tổ chức kinh doanh có nhu cầu lấy hóa đơn để hạch toán, làm giảm nghĩa vụ về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu bị thất thu thuế rất lớn. Sau thời gian thực hiện đề án niêm phong kẹp chì công-tơ tổng đối với các phương tiện đo xăng dầu (gần 1.200 cột bơm) đến nay, sản lượng tiêu thụ của các DN xăng dầu trên địa bàn đã tăng rõ rệt. Đại diện Cục Thuế Nghệ An cho biết, năm 2016, thuế thu từ các DN kinh doanh xăng dầu tăng 251 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó thuế bảo vệ môi trường tăng 205 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Đây là một kết quả quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Ngoài ra, thông qua phương thức niêm phong kẹp chì, đến nay đã hạn chế tối đa tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tương tự, nhằm chống thất thu ngân sách địa phương, cuối năm 2016, TP Hải Phòng đã thực hiện dán tem niêm phong công-tơ tổng của 674 cột bơm xăng dầu tại 232 cửa hàng, thuộc 169 DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố. Theo đó, hằng tháng, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chốt số liệu trên công-tơ tổng, nhằm xác định số lượng xăng dầu bán ra, đối chiếu với số liệu khai thuế của cơ sở sản xuất, kinh doanh để quản lý thu đúng, đủ thuế cho ngân sách nhà nước theo quy định. Phó Cục trưởng Cục thuế Hải Phòng Nguyễn Huy Nhặn khẳng định, việc dán tem niêm phong các phương tiện đo lường xăng dầu không những tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, mà còn ngăn ngừa các hành vi kinh doanh xăng dầu bất hợp pháp (xăng dầu nhập lậu, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các DN nhìn chung đều tán thành chủ trương này, bởi việc dán tem tất cả các cây xăng trên địa bàn sẽ góp phần làm trong sạch thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN xăng dầu chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Đánh giá về hiệu quả công tác dán tem niêm phong công-tơ tổng tại các cột bơm xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sau thời gian thực hiện, kết quả rất rõ nét, sản lượng tiêu thụ tăng, số thuế các DN phải nộp tăng 15 đến 30%, điều đó cho thấy, tình trạng gian lận về xăng dầu trong nước rất lớn. Bộ sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới điều chỉnh sửa Nghị định 83, tiến tới kiểm soát được đầu nhập vào của xăng dầu nội địa. Ngoài ra, ngành tài chính các địa phương cần tập trung, xây dựng phương án nhằm ngăn chặn gian lận trong kinh doanh xăng dầu, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng,… Tăng cường chế tài xử phạt Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước có chuyển biến tích cực, tuy nhiên tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn còn tình trạng gian lận, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thể triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, cơ quan thuế cần có những biện pháp phù hợp điều kiện thực tế nhằm tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để bảo đảm chống thất thu thuế và hạn chế gian lận đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Qua thực tiễn áp dụng giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua công-tơ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu tại một số địa phương như Nghệ An, Thái Bình, Lâm Đồng,… kết quả đạt được khả quan, giúp tăng thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh được xã hội đồng tình. Chính vì vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố xây dựng đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua công-tơ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn để báo cáo UBND các tỉnh phê duyệt.

Khi đề án được duyệt, các cục thuế phối hợp sở khoa học và công nghệ cùng các ban, ngành tổ chức phổ biến, tuyên truyền; lập đoàn công tác liên ngành thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ tất cả các cột bơm xăng dầu. Định kỳ vào ngày đầu và ngày cuối của tháng/quý, cơ quan thuế phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cử cán bộ đến cơ sở kinh doanh xăng dầu để ghi chỉ số trên công-tơ tổng của từng cột bơm, xác định lượng xăng, dầu bán ra trong kỳ thông qua chỉ số đầu kỳ và cuối kỳ. Qua đó, đối chiếu tờ khai của người nộp thuế và hóa đơn đầu vào của nhà cung cấp, nếu có chênh lệch, cơ quan thuế sẽ tiến hành xử phạt và truy thu thuế theo quy định,… Cũng theo Tổng cục Thuế, đến giữa tháng 1-2017, đã có 20 tỉnh, thành phố hoàn thành triển khai dán tem niêm phong công-tơ tổng, tám tỉnh đang triển khai dán tem gồm: Bắc Cạn, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Ngoài ra, có 25 tỉnh, thành phố, UBND đã ban hành chỉ thị, quyết định về việc triển khai giải pháp dán tem niêm phong đối với công-tơ tổng trên phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn có 10 địa phương chưa ban hành quyết định, chỉ thị hoặc chưa nhận được đề nghị phối hợp của đơn vị chủ trì thực hiện đề án. Trưởng một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) khẳng định, việc thực hiện các giải pháp nêu trên mới chỉ kiểm soát được lượng hàng đầu ra, đầu vào. Trên thực tế, hàng trôi nổi, kém chất lượng vẫn có thể tuồn ra ngoài thị trường.

Nhìn nhận về việc thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ tổng tại các cột bơm xăng dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc làm trên thực chất chỉ là chống thất thu thuế chứ không phải để truy xuất nguồn gốc xăng dầu nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trên thực tế, nguồn hàng trôi nổi rất khó kiểm soát, vì lợi nhuận cao cho nên một số DN bất chấp thủ đoạn lừa dối khách hàng. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra nhằm phát hiện và có các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngày 13-9-2016, Bộ Tài chính có Công văn số 12733/BTC-TCT đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo ban, ngành tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu thông qua việc kiểm tra chỉ số trên đồng hồ công-tơ theo định kỳ, qua đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

 

Hoàng Anh

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm