Không âm nhạc, chỉ bằng lối hát bộ song với người dân tộc Sán Dìu, hát Soọng Cô trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Họ có thể hát thâu đêm tới sáng, hát từ ngày này sang ngày khác, thậm chí ngày nay họ còn hát qua cả điện thoại cho nhau nghe. Vậy điều gì đã tạo nên sức lan tỏa của hát Sọong Cô trong cộng đồng đến vậy? Câu hỏi ấy cứ thôi thúc chúng tôi tìm về miền quê có tới hơn 40% dân số là người dân tộc Sán Dìu để nghe hát.
Tìm hiểu và hát Soọng Cô từ khi còn rất trẻ, ông Trương Văn Thăng, Phó Chủ nhiệm CLB Sọong Cô Chợ Tình, thôn Tân Lập, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo không giấu nổi niềm tự hào khi nói với chúng tôi về Soọng Cô- làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc mình, chất keo gắn chặt tình đoàn kết, tình yêu lứa đôi- thường được tổ chức vào dịp lễ hội mùa xuân, mừng nhà mới, mừng đám cưới, nhất là hát để giao duyên… Người Sán Dìu say mê hát Sọong Cô bởi những câu hát ấy bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động, sinh hoạt bình dị của người dân.. Thường mỗi đoàn hát có từ 4 đến 6 người phụ nữ và 6 đến 8 nam giới. Khi đi hát, nam giới trong trang phục quần áo nâu, dép cao su bốn quai, đội mũ dạ còn phụ nữ với trang phục váy chàm đen, vòng cổ, vòng tay, khăn đội đầu, yếm tráng, xà tích đựng trầu, sen thu quả đào, khăn xanh… rất đỗi gần gũi, thân thuộc với mỗi người dân. Để bắt đầu bài hát bao giờ cũng là hát mời gọi, ví như: Cây vừng ra quả đom đóm soi/Hát bài dân ca trước đi gọi/Hát bài dân ca gọi chủ nhà/Chủ nhà gọi nàng hãy dậy đi hoặc Hát bài dân ca thẳng mà đi/Thẳng đi đến cạnh nơi bên nàng/ Thẳng đi đến cạnh gọi nàng dậy/Cùng nàng ngồi lại chơi hoa nở…. Sau hát mời đến phần hát đối đáp, hát chia tay. Cứ như thế, đoàn hát có thể hát thâu đêm, suốt sáng, hát từ ngày này sang ngày khác rồi mới kết thúc. Dù không có âm nhạc nhưng tình cảm của những người hát Sọong Cô thì vẫn còn bồi hồi, lưu luyến, mong ngày gặp lại để hát tiếp những bài ca của dân tộc mình.
Và nét nổi bật của hát Soọng Cô không thể không kể đến hát giao duyên giữa hai nhóm, một bên nam, một bên nữ. Ông nói, người xưa có câu “Chim khôn thử tiếng, người khôn thử lời”. Với người dân quê ông cũng vậy, từ những bài hát Soọng Cô mà gái chưa chồng, trai chưa vợ người dân tộc Sán Dìu đã tìm được người ý hợp tâm đầu, nên duyên vợ chồng, cùng nhau xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh. Ngày trước, nếu ai không đi hát, biết hát, khó mà lấy được vợ, được chồng. Cuộc hát càng kéo dài, càng chứng tỏ sự hiểu biết văn hóa truyền thống của người trong cuộc…
Theo ông Thăng, người dân tộc Sán Dìu có khoảng 5000 bài hát Soọng Cô nhưng cũng bị thất truyền đã nhiều. Hàng ngày, ông vừa cần mẫn sưu tầm rồi dịch ra tiếng Việt các bài hát vừa dành thời gian dạy các cháu tập hát với mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đưa chúng tôi xem tập tư liệu về hát Sọong Cô do mình chép lại cho thế hệ sau, ông hy vọng, những giá trị tốt đẹp ngày càng được lan tỏa.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung, đồng bào dân tộc Sán Dìu nói riêng, góp phần bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, từ năm 2016, UBND huyện Tam Đảo đã tổ chức giao lưu CLB Soọng Cô của 5 tỉnh (Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc). Năm 2017, nhân dịp Lễ hội Tây Thiên, UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức giao lưu Dân ca Soọng cô lần thứ II, đây là cơ sở cho huyện tổ chức giao lưu những năm tiếp theo, dần trở thành nét truyền thống riêng có của Lễ hội Tây Thiên hàng năm, nhằm đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng ở cơ sở, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện, động viên nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở cơ sở; động viên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hăng say lao động, sản xuất, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong đồng bào các dân tộc; tạo sân chơi liên kết vùng cho đồng bào dân tộc các tỉnh phía Bắc.
Với việc tạo không gian, sân chơi qua các cuộc giao lưu ở thôn, làng, khuyến khích việc thành lập CLB hát Soọng Cô…, trong thời gian tới, chắc chắn, dấu ấn văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Tam Đảo ngày càng khắc sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Sưu tầm