Cập nhật: 08/03/2017 15:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một trong những ấn tượng khó quên của khách phương xa khi đến Tây Nguyên, là những ống cơm lam thơm ngát và chóe rượu say nồng. Hai thức dùng đã trở thành vật linh thiêng trong lòng người dân bản địa. Đến Tây Nguyên, được người dân mời uống rượu cần, nghĩa là bạn đã là khách quý của làng buôn.

Rượu cần là thứ đồ uống quý có trong tất cả các gia đình người Tây Nguyên, dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách.

Rượu cần được quý vì nhiều lẽ. Người dân Tây Nguyên cho rằng, rượu của họ là do Giàng (trời) bày cho cách làm, mỗi khi cúng Giàng hoặc tế lễ thần linh phải có rượu cần thì lời cầu nguyện mới linh nghiệm. Thứ nữa, rượu cần được làm khá công phu bằng chất liệu là lương  thực - thứ sản phẩm nuôi sống con người.

Làm men rượu là công đoạn đầu tiên rất công phu. Người Tây Nguyên có bí quyết dùng vài thứ lá, rễ cây trên núi để ủ men. Những thứ này cùng với củ gừng, riềng xắt nhỏ, phơi khô, giã mịn, trộn với bột gạo và vỏ trấu, đánh thành bánh. Phơi khô lần nữa, cầm trong tay cảm giác nhẹ, xốp là tốt, treo lên giàn bếp để dành dùng dần. Ngày nay có men của người Kinh, nhưng chỉ loại rượu được làm từ men của người Tây Nguyên tự chế mới cho được hương vị thơm ngon riêng biệt.

Rượu cần làm công phu nhưng lại dễ tính về chất liệu: Hạt cào (một thứ cỏ mọc ở Tây Nguyên), hạt bo bo, kê, gạo, bắp (ngô), khoai mì (sắn)… Mỗi loại cho một hương vị ngọt ngào riêng, tuy nhiên được yêu chuộng nhất theo thứ tự vẫn là rượu cào, bo bo, kê, rồi mới đến gạo, bắp. Chất liệu được nấu chín, tãi ra cho nguội. Men giã nhỏ, trộn đều. Sau khi ủ qua một đêm, mở ra bốc hơi thơm ngào ngạt, là tốt. Trộn với vỏ trấu, theo người làm rượu, là để có độ thoáng cho rượu mới lên men. Chất liệu được cho vào những chiếc chóe nhỏ to bằng gốm, bịt kín miệng bằng lá chuối hoặc ni-lon, để chỗ mát. Chóe ủ rượu có nơi còn gọi là ghè, nên rượu cần còn được người Tây Nguyên gọi là rượu ghè. Độ chừng một tháng là rượu chín. Cái độc đáo của rượu cần là càng để lâu, nước rượu càng ngọt giọng, nồng nàn chứ không bị chua hay đắng.

Ở Tây Nguyên, dù nhà rông của làng hay là nhà sàn của từng gia đình, luôn luôn có một cây cọc uống rượu. Cọc uống rượu của gia đình thường chỉ nhô lên mặt sàn chừng 1 mét, nhưng ở nhà rông thì cao vút đến tận nóc, trên đầu cây có hoa văn trang trí, tua ren hoa lá sặc sỡ. Khi uống rượu, chủ nhà đem chóe buộc vào cọc, mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng, đổ đầy nước, để chừng 1 giờ đồng hồ cho rượu ngấm. Nước múc ở những con suối trong veo, đựng trong những trái bầu khô, vỏ lên nước đen bóng, như gỗ mun. Cần uống rượu là những đoạn trúc được thông ruột, dài chừng một mét.

Uống rượu cần có những nghi lễ độc đáo. Chủ nhà mở chóe rượu và đọc lời cầu khấn Giàng đem lại sức khỏe, may mắn cho khách. Sau đó chủ nhà nếm trước một ngụm nhỏ rồi nâng cần trao cho khách. Bạn nên đỡ lấy cần bằng hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải cầm phần thân cần, sát miệng chóe, nhẹ nhàng vuốt dọc lên rồi uống. Chủ nhà sẽ thân chinh hoặc cử một người, thường là những thiếu nữ mặc váy thổ cẩm thêu hoa văn xinh đẹp, cầm ca tiếp nước vào chóe.

Người Tây Nguyên uống rượu rất công bằng, cách rót nước như vậy gọi là đong “kang”. Khi rót hết nước trong ca, nghĩa là khách đã uống hết phần rượu. Cách đong kang này còn biểu lộ sự quý mến và tận tình của chủ nhà dành cho khách. Cách thứ hai để công bằng về lượng rượu cho mỗi người, chủ nhà dùng một cành cây gác ngang miệng chóe, có nhánh cắm xuống mặt nước một đoạn chừng một phân. Khi người uống hút rượu, mực nước thấp xuống, đến đoạn đầu nhánh cây là đủ phần mình. Người Tây Nguyên mời rượu tinh tế lắm, dù cho bạn có tửu lượng kém đến đâu cũng không thể từ chối uống một kang, nhất là khi các cô gái Tây Nguyên đã cầm sẵn ca nước trong tay, mắt nhìn khách chân thành và tha thiết. Bạn sẽ không lo lắng sợ chủ nhà cho là bê tha và thiếu lịch sự dù có uống say đến ngã lăn quay ra sàn. Trái lại chủ nhà sẽ rất thích thú và quý bạn hơn vì cho rằng như vậy là bạn rất chân thành với họ.

Cái say của rượu cần không giống cái say của bất cứ loại rượu bia nào. Chất men thơm nồng làm cho du khách lâng lâng ngây ngất, và kỳ lạ là dẫu say nhưng vẫn cứ uống được mãi. Bởi tiếng cồng chiêng ngân vang giữa cái nắng, cái gió bao la của Tây Nguyên đại ngàn, hay ánh lửa bập bùng trong bóng đêm hoang sơ của núi rừng sẽ khiến cho du khách không làm sao say khướt.

Rượu cần và cơm lam là hai thức không thể thiếu trong các lễ hội ở buôn làng Tây Nguyên. Cũng như uống rượu cần, khách sẽ được chủ nhà trân trọng mời ống cơm lam đầu tiên. Ống cơm dành cho khách không phải là đoạn dài nhất, to nhất, mà phải là đoạn được cô gái Tây Nguyên nướng khéo nhất, nhìn vào màu trúc vẫn xanh tươi. Dùng với rượu, cơm lam là thức nhắm; không có rượu, cơm lam thành lương thực ăn no. Vừa ăn xong, đến buổi uống rượu cần cũng ăn tiếp được mà không thấy ngán. Buổi sáng lên rẫy, mang theo một đoạn cơm lam, một gói muối ớt với thịt con nai khô trên giàn bếp, là làm quên luôn cái nắng ban trưa.

Tháng 3, hoa pơ-lang nở đỏ rực trời. Về Tây Nguyên vào mùa lễ hội pơ-thi (lễ bỏ mả), lễ mừng cơm mới, cùng với con trai con gái làng uống rượu cần, ăn cơm lam, thức trắng đêm với những vòng xoay nhịp nhàng trong tiếng cồng chiêng ngân vang, nghe đâu đây vọng về một thuở hoang sơ hát bài ca đi mở đất, chinh phục núi rừng.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm