Mây khơi xa như làng quê thấp thoáng.
Tôi và ngư dân ngoài khơi nhiều ngày hỏi rằng có một điểm gì chung không nhỉ? Trong những ngày trên thuyền cùng họ và khi gặp họ trong đất liền, câu chuyện mở ra trong không gian của biển, nối dài bằng những chuyến ra khơi?
Dù xa, dù rộng
Sợi dây giữa khơi xa với đất liền được các ngư dân nối lại khi họ ngồi chơi, đợi mẻ lưới tiếp theo, nhưng hẳn họ chỉ nói với nhau, nhưng hẳn có tôi ở đó nên tâm tình của họ bỗng nhiên muốn kể. Họ rất thương vợ vì tính tổng số ngày của năm, may ra thì bên vợ con được khoảng một tháng trời. Mọi lo lắng chuyện gia đình như dạy con, đưa con đi học, chăm sóc ông bà nội ngoại, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ đều do người vợ đảm trách.
Trần Văn Biền quê Quảng Ngãi, đưa vợ con vào Vũng Tàu sinh sống. Anh nói, vợ anh tự làm nuôi mình, nuôi con ăn học, tiền thuê nhà, tiền gửi về biếu ông bà ngoài quê. Khoản tiền công chồng đi theo ghe lưới, được vợ tính khoản tiết kiệm. Vợ chồng phấn đấu làm mấy năm rồi về quê cũ… Hơn ai hết, những người chồng ngoài khơi đánh giá cao những người vợ kiên cường, tháo vát của mình.
Như điểm hẹn nghề ngư ở phía bờ, xã Phước Tỉnh, Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) thành địa bàn hội tụ ngư dân từ Nam Định, Thanh Hóa vào hay từ Kiên Giang, Sóc Trăng lên làm cho những chủ ghe đánh cá. Phước Tỉnh cũng là địa bàn mà ngư dân Quảng Ngãi, Nam Định di cư vào đây sinh cơ lập nghiệp từ hơn 50 năm. Trước, nơi này ít nhà, chủ yếu là bãi cát, cồn hoang… Nay nhờ nghề cá mà hình thành làng xã sầm uất như phố thị ven biển. Nhiều người theo khơi cũng là những người từ các ngư trường khác về đây? Nếu muốn thử hải sản thơm ngon nhất, hãy đến Phước Tỉnh! Ta sẽ biết được chất lượng hải sản khi ăn và độ “ngân rung” của nó đọng lại trong vị giác.
Những ngày trong tháng 12, bản tin thời tiết, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh cấp 6-7, gió giật cấp 8-9 ngoài khơi nam Côn Sơn. Với tôi, một người đi ra đảo, gặp gió cấp 4-5, tàu nghiêng trái, trả phải, khi vỗng lái, lúc chúi mũi… hết hồn. Giữa những cơn sóng nhô lên trong mùa gió hay ngày biển động hẳn con thuyền của ngư dân chao đảo dữ dằn. Nhưng với ngư dân, họ không ngại sóng gió như ta tưởng. Tại vùng biển ở các đảo Nhơn Châu (Bình Định), Thổ Chu, Nam Du (Kiên Giang)… nơi tôi đã đến, ngư dân đều cho biết, khi biển lặng, êm đềm quá cũng là những mẻ lưới thiếu hào hứng. Biển không sóng, mặt phẳng lặng, thuyền êm đềm, mẻ lưới nhẹ bẫng
Ngư dân chọn, phân loại, đóng gói, cấp đông.
Và biển trời còn lại...
Lênh đênh cùng ngư dân họ đã cho tôi một cái nhìn khác, đó là bảo ban nhau biết cách lao động, cư xử nhẹ nhàng. Và đêm hôm ấy đã khuya, lại một đêm khó ngủ. Tôi nằm trong khoang lái nhìn ra thấy anh Dũng đang tập làm ca sĩ. Đêm nay, ca trực lái của anh. Mỗi đêm một người phải trực như vậy. Xem nào, anh Dũng gõ ngón tay vào tấm ván bắc ngang buồng lái, nhạc phát ra từ mồm. “Cắc cắc cắc! Cắc tùng tùng. Cắc tùng…”.
Hai ngón tay gõ, nó chỉ phát ra thứ âm thanh bèn bẹt, quá nhỏ so với tiếng động cơ. Âm thanh phát ra trên bờ môi thành tiếng cắc, tiếng tùng. Sau đó là tiếng i ỉ luyến theo lời hát nào đó. Đây là đêm thứ bao nhiêu của anh, lần nào cũng thế, anh cũng dạo nhạc trước khi hát cái câu: “Chiều dần buông như tóc em bay/ theo dòng thủy chung ngày xưa…”. Khi phát hiện có người nghe, anh Dũng thanh minh: “Tui chỉ nhớ được một câu thôi. Nhưng có lúc tôi nhớ trọn vẹn. Nhưng cứ lược bớt từ đi thì hát dễ hơn”.
Ngày hay đêm giống nhau ở công việc. Mỗi lần lưới lên, không nhàn một chút nào, các vị trí đứng có thể hoán đổi cho nhau nhưng đã đứng ở đâu thì phải biết việc và thạo việc ở đó. Công việc của nghề cá trên thuyền nó giống như một chu trình rõ ràng. Người rũ lưới phải có con mắt nhìn lưới rách, vá ngay. Người tuốt lưới cho cá xuống khoang thuyền cũng phải biết luồn dây buộc lại cửa lưới. Buộc cửa lưới chắc tôi phải học dài dài vì hai sợi dây luồn, thắt nút mà không bị bung khi xuống đáy biển, khi vớt lưới lên chỉ cần cầm đầu sợi dây giật mạnh là nó bung ra. Vá lưới cũng khó nữa… nhưng tất nhiên là họ làm thành thạo.
Tôi lía xía vào chỗ mực, tự tay mổ một con, rạch được nó rồi nhưng gạt đám bèo nhèo trong bụng nó thì khó quá, chắc tại mình vừa làm, vừa thương. Họ quan sát, hướng dẫn tôi, nhưng những “người thầy” đã không chấm điểm nên nhất định, tôi không thành công được.
Lưới đã được thả xuống biển, đêm vẫn là đêm. Anh cho tôi lái chút chút đi, tôi đề nghị? Anh Dũng gật đầu, buông lái và khoát tay rằng ngồi yên ở đây nhé. Rồi, anh đi, trong bóng đêm, tôi cười, có lẽ anh đi “giải quyết” bên mạn thuyền. Nào, tôi mắm môi, cơ hội được cầm lái, không để con thuyền chệch hướng. Học làm tài công, biết đâu, tôi có thể đưa con thuyền vào bờ.
Ít phút từ bếp lên, mang hai con mực phơi dở nắng đã nướng, thơm lừng. Loại mực này còn dày, đọng nước, thịt dai mềm. Tay xé mực, anh Dũng bỗng ngước nhìn về trái, điệu bộ cảnh giác điều gì phía khơi. “Anh sao vậy?”, câu hỏi bật ra từ tôi, anh đáp không có chuyện chi, chỉ là thỉnh thoảng vẫn vậy. Khi ăn, anh Dũng kể, ngày trước đi khơi, đêm thâu vẫn hay có cảm giác này, cảm giác lành lạnh, quan sát kỹ sẽ gặp một ngư dân đi biển gặp hoạn nạn cần cứu... Anh Dũng bỏ lửng câu nói.
Khi chuyển sang uống trà, anh Dũng mới cho biết, quê Quảng Ngãi. Với khơi Hoàng Sa, anh kể cá chuồn con to, nhiều thịt, ngọt lắm. Và cái cảm giác thất thần như ban nãy của anh, được anh cho biết từ những ngày đi khơi ngoài đó, nhiều những tai ương ám ảnh.
Một ngày lại trôi qua.
Biển đã có các ngư dân khiến khơi suốt năm không cô quạnh.
Cuối ngày, con thuyền đang đi từ phía mặt trời mọc về hướng mặt trời lặn. Mặt trời cũng như trăng, mọc lên từ biển, lặn xuống biển. Mây phía bên phải quyển tầng, quyển lớp. Mây dựng lối như lũy tre, như làng xa. Ít phút sau, mây chuyển đổi lợp tầng như những mái nhà vùng cao Tây Bắc trong chiều đông mây phủ. Đẹp, lạ lẫm, trước lúc bóng đêm tràn ngập biển khơi.
Ninh Nguyễn
Theo nhandan.com.vn