Cập nhật: 16/03/2017 11:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viêm túi mật cấp có ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều nhất ở người cao tuổi, nhất là nữ giới. Viêm túi mật cấp nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể đưa đến nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho  tính mạng người bệnh.

Trong hệ thống đường dẫn mật có các nhánh mật trong gan, ống mật chủ, túi mật. Túi mật nằm sát dưới gan, vùng bụng bên phải, dưới bờ sườn phải, có chiều dài khoảng 80 - 100mm, chiều ngang khoảng 30 - 40mm. Túi mật bao gồm thân, ống và cổ túi mật. Thông thường, cổ túi mật bị gấp khúc với thân túi mật và được nối liền với ống mật chủ. Túi mật và ống túi mật là cơ quan chứa đựng dịch mật do gan tổng hợp, bài tiết ra. Khi ăn, dịch mật được bài tiết nhiều hơn, túi mật sẽ co lại và tống dịch mật vào ống mật chủ đổ vào tá tràng (chỗ bóng Vater) để xuống ruột non tiêu hóa thức ăn. Bên cạnh đó còn có vai trò của cơ Ốt đi (Oddi) hoạt động như một cái van điều phối việc dẫn mật vào tá tràng để xuống ruột non một cách nhịp nhàng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân viêm túi mật chủ yếu do sỏi túi mật (chiếm với tỉ lệ cao nhất, khoảng từ 90 - 95%). Sỏi mật sẽ gây ứ mật, dịch mật sẽ kích thích làm tổn thương thành túi mật và gây nhiễm khuẩn dẫn đến viêm túi mật cấp, nếu qua khỏi cơn cấp tính sẽ trở thành viêm túi mật mạn tính và xơ teo thành của túi mật làm cho túi mật dính chặt vào viên sỏi. Nếu không bị nhiễm khuẩn có thể tồn tại trong nhiều năm, nhưng nếu bị cọ xát gây loét niêm mạc và bị viêm nhiễm bởi vi khuẩn sẽ gây viêm túi mật hoặc viêm mủ túi mật.

Đề phòng  viêm túi mật cấp

Nguyên nhân gây viêm túi mật cấp do vi sinh vật chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 10% nhưng là một nguyên nhân rất quan trọng. Bởi vì, viêm túi mật cấp  phân biệt là do sỏi hay do kết hợp giữa sỏi với vi sinh vật cũng khó phân biệt một cách chi tiết, tuy vậy, chúng có liên quan rất mật thiết với nhau. Các loại vi sinh vật gặp trong gây viêm túi mật phải kể đến là vi khuẩn và một số do giun chui ống mật (giun đũa) khi đi từ ruột lên chúng mang theo vô số vi khuẩn gây bệnh. Vi khuẩn hay gặp nhất trong viêm túi mật cấp là E.coli, Proteus hoặc vi khuẩn thương hàn (Salmonella) hoặc vi khuẩn kỵ khí... Các loại vi khuẩn này hầu hết là từ đường ruột đi lên theo đường dẫn mật qua ống Vater. Ngoài ra vi khuẩn cũng có thể theo đường bạch huyết, đường máu qua gan rồi đến đường dẫn mật cư trú ở đó và gây bệnh.

Viêm túi mật còn có thể do rối loạn đông máu hoặc biến chứng của phẫu thuật cắt dây thần kinh số X chọn lọc gây rối loạn co bóp của túi mật và làm ứ mật hoặc do chấn thương... Ngoài viêm túi mật do sỏi túi mật và vi khuẩn còn có thể túi mật bị viêm cấp do sau phẫu thuật đường dẫn mật (lấy sỏi đường mật, dẫn lưu áp-xe đường mật) hoặc sau chấn thương vùng bụng, hoặc sau bỏng nặng gây nhiễm khuẩn huyết từ đây vi khuẩn xâm nhập đường dẫn mật gây viêm đường mật và túi mật cấp.

Triệu chứng

Biểu hiện của viêm túi mật cấp tính chủ yếu dựa vào 3 triệu chứng rất điển hình mà Charot đã nêu ra là đau bụng, sốt và vàng da.

Đau bụng hay xảy ra sau bữa ăn no với  nhiều chất béo (do đường dẫn mật bị kích thích), thường đau ở vùng gan, hạ sườn phải, xuyên ra sau lưng hoặc lan lên vai phải. Đôi khi người bệnh đau ở vùng thượng vị (trên rốn) rất đễ nhầm với hội chứng dạ dày hoặc viêm tuỵ. Sau đau bụng khoảng vài giờ hoặc lâu hơn (từ 6 - 12 giờ) sẽ xuất hiện sốt.

Sốt có khi rất cao (trên 390C) kèm theo rét run, vã mồ hôi, sau một thời gian thân nhiệt có thể trở lại bình thường hoặc hơi sốt nhẹ.

Trong các trường hợp viêm túi mật do sỏi sẽ có vàng da, vàng niêm mạc (mắt, lưỡi, gan bàn chân, bàn tay) bởi sỏi sẽ làm tắc nghẽn đường dẫn mật làm tích tụ sắc tố mật. Đối với người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có sức khỏe yếu, những triệu chứng đau hoặc sốt có thể không điển hình. Ngoài tam chứng Charot, người bệnh có thể có buồn nôn, nôn, đầy hơi, chướng bụng. Viêm túi mật cấp sẽ có túi mật căng to (siêu âm hoặc khám sẽ thấy).

Để chẩn đoán viêm túi mật cấp cần xét nghiệm công thức máu để xem xét bạch cầu đa nhân trung tính có tăng hay không (có thể tăng từ 10.000 - 20.000), đồng thời xét nghiệm sinh hóa máu để xem sắc tố mật, nhất là loại bilirubin trực tiếp và các loại men gan, phosphatase kiềm, có tăng cao hay không (SGOT và SGPT có thể tăng gấp đôi), men amylase (thông thường không thay đổi, nếu tăng cao có thể là viêm tuỵ). Có thể làm xét nghiệm vi sinh như cấy máu, nuôi cấy dịch mật tìm vi khuẩn. Cần chụp X-quang bụng không chuẩn bị, nếu có đủ điều kiện nên chụp đường mật có thuốc cản quang, nếu có sỏi, chắc chắn sẽ phát hiện được. Nếu cần có thể chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI). Siêu âm là một kỹ thuật hiện nay đang được ứng dụng khá phổ biến giúp phát hiện sỏi mật. Ngoài ra, có thể soi ổ bụng thấy túi mật căng to, xung huyết mạnh, phù nề…

Biến chứng

Viêm túi mật cấp nếu không phát hiện sớm và  xử trí không kịp thời có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như hoại tử túi mật, thủng túi mật. Thủng túi mật là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm vì sẽ gây nên viêm phúc mạc, gây viêm dính các tạng khác có trong ổ bụng như dạ dày - tá tràng, tụy tạng, đại tràng, mạc nối lớn, áp-xe khu trú trong ổ bụng. Viêm túi mật cấp có thể chưa gây thủng túi mật nhưng làm cho túi mật căng phồng, thành túi mật giãn nở, yếu và gây thấm mật vào ổ bụng gây viêm phúc mạc mật. Viêm túi mật cấp cũng có thể gây nên áp-xe đường dẫn mật, viêm mủ đường dẫn mật. Viêm đường mật cấp tính do nhiễm khuẩn cũng có thể gây bệnh nhiễm khuẩn huyết là một bệnh rất nguy hiểm cho người bệnh. Viêm túi mật cấp tính cũng có thể đưa đến rò mật vào ống tiêu hóa mà hay gặp nhất là rò vào hành tá tràng. Ngoài ra, có thể gây thấm mật phúc mạc hoặc thủng túi mật gây viêm phúc mạc- mật dẫn sốc nhiễm trùng - nhiễm độc và nhiễm khuẩn huyết.

 Lời khuyên của thầy thuốc

Với những người cao tuổi bị sỏi mật (sỏi đường mật, hoặc túi mật hoặc cả hai) cần đến cơ sở y tế khám bệnh để được điều trị kịp thời tránh biến chứng xảy ra. Cần điều trị sỏi mật theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không nên xem thường chúng, bởi vì viêm túi mật cấp trên 90% do sỏi mật. Tuyệt đối không tự mua thuốc để điều trị hoặc điều trị theo sự mách bảo của bạn bè, người thân hoặc dùng thuốc của những người không có chuyên môn về y học.

Hàng ngày cần ăn uống hợp vệ sinh (ăn chín, uống chín) đề phòng mắc các bệnh đường ruột nhất là bệnh do ký sinh trùng, điển hình là bệnh giun đũa. Nên xét nghiệm phân tìm trứng giun theo định kỳ (khoảng 6 tháng một lần) và tẩy giun theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh.

PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm