Cập nhật: 17/03/2017 11:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với người làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), vào ngày tết, ngày lễ, không thể thiếu món bánh bác. Xưa kia, món bánh này dùng tiến vua để thể hiện lòng tôn kính. Ngày nay, bánh bác trở thành vật thể lưu giữ nét văn hóa và thể hiện tình người Giang Xá.

Bánh bác là một đặc sản của làng Giang Xá – Hà Nội, cùng với bánh phu thê, cá anh vũ, gà Đông Cảo,…bánh bác là một trong những sản vật tiến vua thời xưa. Trong tâm thức người Giang Xá, bánh bác chính là biểu tượng của làng. Món bánh này "khai sinh" cùng thời Lý Nam Đế lập quốc.

Trong rất nhiều miền quê cùng thờ Lý Nam Đế, làng Giang Xá là một trong những nơi thờ tự chính. Để biểu thị tấm lòng tôn kính, người dân Giang Xá đã sáng tạo ra bánh bác để dâng vua.

Thời xưa, bánh do các trưởng lão trong làng làm riêng để tiến vua. Sau này, người dân truyền nhau cách làm, rồi bánh bác dần xuất hiện trong các sự kiện lớn của làng như lễ hội, cưới xin hay làm quà biếu khách quý.

Hễ con gái Giang Xá lấy chồng, nhà gái lại thách cưới nhà trai bằng tráp bánh bác. Vì thế người Giang Xá có câu: "Dù ai chồng chán, vợ chê/Ăn miếng bánh bác lại về với nhau". Gọi là bánh bác bởi người Giang Xá nói chệch "bác" từ "rán, chiên".

Để làm ra được một “tày” bánh bác ngon, người làm cần lựa chọn rất kỹ nguyên liệu, từ gạo nếp cái hoa vàng, gấc, đỗ xanh, tới đường nâu, mỡ thăn lợn, thậm chí là lá chuối và chiếc lạt buộc bánh.

Gạo nếp được ngâm 2-3 tiếng rồi đem xay, nén cho thật mịn. Nửa số gạo được trộn với gấc để tạo màu đỏ xen lẫn màu trắng.

Để làm ra một chiếc bánh bác thì “bác bột” là công đoạn quan trọng nhất. Những khoanh bột được thấu cho dẻo và nặn tròn. Chảo “bác” bánh thường làm bằng gang. Ở đó, người làm phải lật giở bột nếp trên chảo mỡ nóng…. bằng tay không.

Mỡ dùng để rán bánh phải là mỡ lợn thăn, không được dùng dầu ăn, tỷ lệ mỡ và độ lửa sẽ quyết định độ dẻo, thơm của bánh. Đầu tiên, cho khoảng nửa muôi mỡ dải đều mỏng khắp chảo, sau đó cho miếng bột nếp dẻo đã trộn áp xuống mặt chảo. Dùng bàn tay để giở bánh sao cho thật mỏng đều khắp bề mặt của chảo. Đặc biệt, bánh phải được nén bằng tay và lật liên tục khi rán.

Qua công đoạn “bác”, bột gạo nếp chín được tán mỏng trên mặt bàn đã trải lớp bóng kính cho nguội, phần bột trộn với gấc được trải bên dưới phần bột không trộn. Đậu xanh sau khi nấu chín được trộn cùng đường kính hoa mai, cán thành hình trụ với đường kính 3 - 5cm. Đậu xanh được dùng làm nhân sẽ được đặt sau cùng trên lớp bột bánh.

Cuối cùng, người làm cuộn 3 lớp: bột gạo trộn gấc, bột gạo trắng và nhân đậu xanh thành hình như khúc giò và gói trong lá chuối. Để có được một “tày” bánh bác, người làm phải mất tổng cộng khoảng 5 tiếng.

Việc làm ra một miếng bánh bác ngon theo đúng phương thức truyền thống là không hề đơn giản.

Mỗi “tày bánh” sau khoảng 2 tiếng đồng hồ ủ bên trong lá chuối sẽ dùng dao sắc cắt khoanh từ 2-3 cm để thành một “khẩu” bánh. Những “khẩu” bánh bác y như một bông hoa sặc sỡ sắc màu khoe sắc với nhị vàng xen lẫn với những hạt vừng lốm đốm, lớp bánh đỏ màu gấc đan vào nhau nhưng không lẫn lộn với lớp bánh trắng mịn của gạo nếp.

Đẹp mắt là vậy, bánh bác còn vô cùng hấp dẫn bởi hương vị thơm bùi. Cắn miếng bánh vẫn còn âm ấm, vị dẻo thơm của gạo nếp quyện với vị ngọt thanh mát của đậu xanh kho đường đem đến cho thực khách một cảm giác thật khó tả về chiếc bánh bình dị thôn quê nhưng đậm đà truyền thống dân tộc.

Bánh chỉ được đun bằng gốc rạ hoặc củi, độ nóng vừa đủ. Nếu dùng bếp ga hay bếp than, bánh rán sẽ không được thơm, mùi vị gạo nếp, màu đỏ tươi của gấc sẽ không còn.

Ngày nay, bánh bác vẫn được nhiều người làng Giang Xá sử dụng để cung tiến trong những ngày lễ, Tết. Người dân khắp nơi cũng có thể chọn mua về làm quà.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay bánh bác vẫn giữ được hương vị và vẻ đẹp ấn tượng, trở thành một đặc sản không lẫn với bất cứ thứ quà quê nào được tạo nên nhờ sức sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của người dân trên mảnh đất Kinh kỳ.

ST

Tệp đính kèm