Cập nhật: 19/03/2017 10:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhằm đẩy nhanh tiến trình giải quyết tranh chấp lãnh thổ lâu nay giữa Nhật Bản và Nga, ngày 17/3, các quan chức cấp cao hai nước đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về khả năng tiến hành các hoạt động kinh tế chung trên 4 đảo tranh chấp ở ngoài khơi tỉnh Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản, mà Tokyo gọi là Vùng Lãnh thổ Phương Bắc, còn Moskva gọi là Quần đảo Nam Kuril. 

Một góc quần đảo tranh chấp mà phía Nga gọi là Nam Kuril và Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc ngày 12/12/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tham gia đàm phán có Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Akiba và người đồng cấp Nga Igor Morgulov.

Vòng đàm phán trên chú trọng thảo luận cách thức hai bên có thể thống nhất về một khuôn khổ đặc biệt để triển khai các hoạt động kinh tế chung mà không phương hại đến vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo.

Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo trên đã cản trở hai bên ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Phát biểu khai mạc hội đàm, Thứ trưởng Akiba cho biết Nhật Bản hyvọng tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình theo cách thức hai nước “không vi phạm lập trường hợp pháp" của mỗi bên.

Theo ông Akiba, phía Nhật Bản sẽ trình các đề xuất của nước này liên quan đến hoạt động kinh tế chung tại cuộc hội đàm.

Về phần mình, Thứ trưởng Morgulov nhấn mạnh bất cứ hoạt động kinh tế chung nào cũng cần được tiến hành theo cách thức “không vi phạm luật pháp Nga,” đồng thời thông báo Moskva cũng đã chuẩn bị một kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội cho những hòn đảo trên.

Vòng đàm phán trên cũng sẽ đưa ra những biện pháp nhằm đơn giản hóa các thủ tục miễn thị thực, theo đó những cư dân Nhật Bản lớn tuổi từng sống trên quần đảo tranh chấp có thể đáp chuyến bay đến những hòn đảo này nhanh và thường xuyên hơn.

Hiện các cư dân này chỉ được phép đến các đảo vào mùa Hè bằng các tàu, thuyền được cấp phép hoặc đôi khi bị hủy chuyến đi do sóng lớn.

Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12/2016, hai bên đã nhất trí khởi động đàm phán về các hoạt động kinh tế chung như du lịch, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chăm sóc y tế.

Hai lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm rằng việc xây dựng lòng tin thông qua các hoạt động kinh tế chung có thể là “bước đi quan trọng” hướng tới giải quyết tranh chấp quần đảo và ký hiệp ước hòa bình sau chiến tranh./.

(TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nhat-bannga-dam-phan-ve-hoat-dong-chung-tren-quan-dao-tranh-chap/436405.vnp

Tệp đính kèm