Cao nguyên đá Đồng Văn những ngày đầu xuân, dường như cái lạnh của mùa đông vẫn còn lưu luyến với mảnh đất nơi đây. Sương chiều vây quanh những triền núi đá tai mèo, trong ngôi nhà trình tường cheo leo trên đỉnh núi ở Lao Xa, bên bếp lửa hồng, chảo thắng cố dê đang ngùn ngụt bốc khói. Hôm nay nhà tôi ăn Tết. Cái Tết này chỉ có nhà tôi và nhà thằng Pó, nhà cái Mí Máy, nhà thằng Nô là ăn Tết thôi. Bởi ở trong thôn này nhà chúng tôi là người Mông mà. Tết của người Mông chúng tôi gần trùng với Tết dương lịch, bởi theo cách tính của các thế hệ đi trước thì cứ một vòng trăng khuyết, tròn tương ứng với một tháng 30 ngày, trăng tròn 12 lần sẽ được một năm. Một năm theo cách tính của dân tộc tôi có 360 ngày.
Một năm vất vả, năm nay bố mẹ tôi quyết định ăn một cái Tết thật to. Thứ nhất là để mừng cho năm nay nhà tôi ngô được mùa, đàn bò có thêm hai bê con. Nhưng thứ nữa, quan trọng nhất, tuy bố mẹ không nói ra nhưng mấy chị em tôi đều hiểu, đó là việc chị gái tôi được đi học cấp III ở trường nội trú tỉnh. Bố mẹ tôi vẫn nói cả đời lam lũ này ông bà chỉ ước muốn chị em tôi được đi học, được làm cán bộ. Việc chị gái tôi được đi học ở trường nội trú dưới tỉnh, chính là ngọn lửa hồng nhen nhóm cho ước mơ của bố mẹ tôi sẽ thành hiện thực. Là niềm tự hào, sự hãnh diện trong lòng những người lớn trong gia đình tôi.
Năm nay nhà tôi ăn Tết to, các bác, cô, dì, hàng xóm đều được bố mẹ tôi mời tới. Và với đồng bào người dân tộc Mông quê tôi những ngày quan trọng như thế này không thế thiếu được món thắng cố. Bố tôi kể, ngày trước người Mông không nấu thắng cố bằng chảo gang như bây giờ mà nấu trên chảo da trâu. Hàng nghìn năm trước, chiến tranh loạn lạc, người Mông buộc phải ly hương. Trong quá trình chạy loạn, khi lương thảo đã cạn, không có nồi, niêu, xoong chảo, họ lấy da trâu căng thành chiếc chảo lớn rồi cho xương, thịt của gia súc đem theo nấu thành thức ăn chống đói. Trong lúc chờ đợi chảo thắng cố được nấu chín, mọi người múa hát xung quanh. Vì vậy, đối với cộng đồng người Mông chảo thắng cố khi đó không chỉ để cứu đói mà còn là nơi người Mông bày tỏ niềm hoan hỉ khi thoát khỏi sự truy bức của kẻ thù và tìm được mảnh đất dừng chân.
Người ta bắc ngang thanh gỗ trên miệng chảo, đặt hai tay lên đó rồi nhào lộn, nhảy qua nhảy lại, xung quanh mọi người reo hò nhảy múa. Thậm chí họ còn đứng một chân trên thanh gỗ, vừa thổi khèn, vừa múa hát, ở dưới, chảo thắng cố vẫn sôi sùng sục. Người Mông quan niệm rằng: Khi nhảy qua chảo thắng cố có nghĩa là bước qua những khó khăn, vất vả. Chảo thắng cố sôi bùng bục thể hiện những gian khổ, vất vả họ đã bước qua. Có người thậm chí múa xoay quanh ở trên thanh gỗ đó bằng một chân, dùng khèn để diễn tả các động tác võ chống giặc như thế nào, rồi những động tác bước qua những khe núi, những con suối, những sông hồ khi người Mông di cư. Từ câu chuyện thiên di của dân tộc mình mà khi tổ chức ở một số lễ hội của cộng đồng người Mông, điệu múa khèn trên chảo thắng cố thường được trình diễn để tưởng nhớ về quá khứ, về quá trình gian khổ của cha ông. Đó là niềm tự hào, là niềm hạnh phúc với ý nghĩa mong muốn chấm dứt chến tranh, chấm dứt những ngày khổ đau, loạn ly để ổn định vui sống trên vùng đất mới. Nhưng do nhiều yếu tố, điệu múa khèn trên chảo thắng cố trong cộng đồng người Mông ít người còn biết tới.
Mẹ tôi lấy cái muôi gỗ đảo chảo thắng cố rồi cho thêm một số gia vị: thảo quả, hạt tiêu rừng và gừng…vào. Trong làn khói nghi ngút, điệu múa khèn, những bước nhảy trên chảo thắng cố như nhảy múa trước mắt tôi. Là một thằng con trai Mông, tôi phải làm gì trong năm mới này? Tôi phải học thật giỏi, phải giúp bố mẹ chăm đàn bò, lấy củi thật nhiều để đun trong mùa đông. Hình như những điều đó với tôi đã có phần xưa cũ, bởi năm nào tôi cũng có cho mình mục tiêu như vậy. Năm nay, trước chảo thắng cố, tôi quyết định ngoài những mục tiêu đã hứa với bản thân của những năm trước ra tôi sẽ học thổi khèn, múa khèn. Đúng rồi, mai này tôi sẽ là một người thổi khèn giỏi, tôi sẽ múa lại bài khèn trên chảo thắng cố cho mọi người xem. Có lẽ, khi đó Tết người Mông ở quê tôi sẽ vui hơn, náo nhiệt hơn…
Sưu tầm