Cập nhật: 23/03/2017 15:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một trong những sự kiện văn hóa nổi bật của năm 2016 là việc “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trao đổi với phóng viên Báo Du lịch đầu xuân mới, GS Ngô Đức Thịnh (ảnh) - thành viên xây dựng đề án  di sản này, chia sẻ:

-Thực tế lâu nay nhiều người chưa ý thức được thấu đáo nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ là cái gì. Người ta chỉ hiểu đơn giản đó là lễ hầu đồng, hầu bóng. Hầu đồng là nghi lễ đặc trưng nhất, quan trọng nhất, thể hiện những giá trị bản chất nhất của thờ Mẫu, chứ không phải là tất cả. Một thời gian dài, nghi lễ này bị cấm đoán và khi phục hồi, không ít trường hợp làm biến dạng (những bài hát văn) và lợi dụng nó để trục lợi về kinh tế. Cho nên chúng ta phải khẳng định lại, chấn hưng lại, để những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu được phát huy.

Có thể nói, tục thờ Mẫu có từ lâu, gắn liền với huyền tích từ thưở Lạc Long Quân, Âu Cơ, thủy tổ  của dân tộc ta. Trong quá trình lịch sử thì tục thờ này cũng có những biến đổi. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thoạt tiên, nó xuất phát từ khát vọng sinh sôi, nảy nở của cư dân nông nghiệp Việt. Về sau, tín ngưỡng này dần tiếp nhận ảnh hưởng của Đạo giáo và Phật giáo. Theo nghiên cứu của riêng tôi, ức đoán từ thời Mạc, khi kinh tế phát triển, nó đã trở thành tín ngưỡng của cư dân đô thị và người buôn bán, liên quan đến vấn đề tài lộc. Và nhất là thời kỳ hiện nay, khi đất nước phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa mạnh mẽ thì nó thể hiện rõ rệt hơn với khát vọng về sức khỏe, phúc đức và tài lộc.

Tín ngưỡng thờ Mẫu gồm những giá trị tổng quát xây dựng nên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đa diện. Các nhà nghiên cứu đã trình bày điều này và UNESCO cũng nhìn nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với tính độc đáo của dân tộc nhưng cũng hướng tới tính cơ bản của nhân loại. Bà Mẹ này sinh sôi ra chúng ta nhưng cũng mang tính tự nhiên, là môi trường sống của chúng ta. Thánh Mẫu hóa thân vào những khía cạnh khác nhau của tự nhiên (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn) làm cho chúng ta cảm thông, hòa đồng với môi trường sống. Mãi tới thế kỷ 19, ở phương Tây, Ăng-ghen trong cuốn “Chống Đuya-rinh” mới viết về người mẹ tự nhiên. Ông cảnh báo: Con người trong quá trình sinh sống đã xúc phạm đến người mẹ tự nhiên, nếu con người không tỉnh ngộ, người mẹ tự nhiên sẽ nổi giận. Nhưng người mẹ mà Ăng-ghen đề cập ở đây khác với quan niệm của người Việt xưa. Người mẹ tự nhiên là khách thể. Còn người mẹ trong tâm ức của ông cha ta vừa là chủ thể và cũng là khách thể. Ở đây là sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu  của những đứa con  với người mẹ.  Phải chăng bản chất thờ Mẫu cũng chính là  từ sự thấu hiểu của chúng ta với môi trường? Trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng có cách nào đó để đánh thức mối quan hệ của con người với tự nhiên  để gìn giữ, bảo vệ môi trường, bà mẹ tự nhiên của chúng ta.

Điều thứ hai là các vị thần trong đạo Mẫu nhập đồng đều là những người có công với dân với nước (hiển linh) “sinh vi tướng, tử vi thần”. Các vị thần không chỉ có người Kinh mà còn có người dân tộc thiểu số như: Tày, Mường, Dao… Khi các vị hiển hiện trong giá đồng thì tất cả mang sắc thái dân tộc từ trang phục, âm nhạc, nghệ thuật… Điều này thể hiện sự tôn trọng các dân tộc thiểu số của chúng ta, thể hiện sự đa văn hóa và hội nhập văn hóa, sự bình đẳng đối thoại văn hóa giữa các dân tộc. Vì vậy đây là không gian văn hóa đa sắc tộc. UNESCO đánh giá rất cao điều này. Đạo Mẫu chính là bà mẹ đa văn hóa. Trong hơn 50 vị thần nhập đồng, có nhiều người có gốc tích như ông Hoàng Mười, Lê Khôi (cháu Lê Lợi), Nguyễn Xí… mà vị nào cũng đẹp ở rất nhiều phương diện. Hay như Đức Thánh Trần thì nhập thành vua Cha, Liễu Hạnh là Mẹ. Tất cả đều là những con người đức độ. Hết thảy thể hiện của chủ nghĩa yêu nước dân tộc ta, và cũng là cách học và cảm nhận lịch sử của người dân. Mỗi lần có lễ hội là mỗi lần người dân học những bài học lịch sử, thấm đẫm tinh thần yêu nước của ông cha.

Thưa Giáo sư, lễ hầu đồng bao giờ cũng để lại những ấn tượng mạnh mẽ và cuốn hút bởi những yếu tố độc đáo: âm nhạc, trang phục, diễn xướng… Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

-Về giá trị văn hóa nghệ thuật, nghi lễ lên đồng là một hoạt động diễn xướng đặc biệt. Đây là một không gian tâm linh, mà người lên đồng (những người có cơ duyên vừa có ý nghĩa sinh học, vừa có hoàn cảnh xã hội) giúp người tiếp nhận có niềm tin. Vị trưởng đoàn về tín  ngưỡng của Mỹ  sau khi xem một buổi hầu đồng đã nói với tôi: “Tôi đã đi rất nhiều nước, dự rất nhiều nghi lễ. Hôm nay tôi cũng đã chuẩn bị trước cho mình một sự chịu đựng. Nhưng thật bất ngờ. Tôi rất vui khi xem hầu đồng. Quả là độc đáo. Chúng tôi rất ngạc nhiên sao người Việt Nam từ nông dân mà ra, lại sáng tạo được một nghi lễ vừa đẹp lại vừa sang trọng đến thế”.

Nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thể hiện 3 ước vọng của con người  được hòa nhập với: thần linh, thiên nhiên và con người. Ban đầu, đạo Mẫu  thờ  Tam phủ (Trời- Đất-Nước) về sau có thêm thờ phủ Thượng Ngàn mà phỏng đoán là có từ thời Hậu Lê, thành thờ Mẫu Tứ phủ.

Hiện nay có một xu hướng là sân khấu hóa nghi lễ hầu đồng, trong một góc độ nào đó góp phần quảng bá văn hóa, du lịch đất nước ta với bạn bè thế giới như trường hợp vở hầu đồng “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú vừa qua tại Hội chợ  Du lịch thế giới 2016 ở London, Anh. Ông suy nghĩ gì về điều này?

-Trước đây, trong mọt thời gian tương đối dài chúng ta  cấm đoán, dán nhãn mê tín dị đoan. Bây giờ, trong xu hướng đổi mới, về nguồn, những giá trị tốt đẹp của thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu  cần được phát huy; những biến dạng, lợi dụng trục lợi về kinh tế cần phải kiên quyết dẹp bỏ.

Về sân khấu hóa nghi lễ hầu đồng, thiêng hay không tùy mọi người cảm nhận, nhưng chúng ta không nên cực đoan. Tôi cho rằng, sân khấu hóa nghi lễ hầu đồng cũng là một cách quảng bá những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu đến với công chúng và bạn bè năm châu. Như thế là tốt đấy chứ.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!    

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm