Cập nhật: 25/03/2017 15:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Diễn tập phòng, chống cúm A (H7N9) và cúm gia cầm độc lực cao lây sang người tại tỉnh Lạng Sơn.

Trước nguy cơ cúm gia cầm A(H7N9) tại Trung Quốc, A(H5N1) tại Cam-pu-chia có khả năng xâm nhập vào nước ta cũng như nguy cơ dịch cúm gia cầm tại chính các ổ dịch trong nước lây sang người, Bộ Y tế đang tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh chủ động.

Ngành y tế đang chủ động triển khai tích cực việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên; giám sát trọng điểm cúm quốc gia và cho đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm, cũng như trên người. Tuy nhiên, hiện nay dịch cúm A(H7N9) đang xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) là hai tỉnh có chung đường biên giới với bảy tỉnh của Việt Nam gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Tại các địa phương này đều có các cửa khẩu quốc tế giao thương với Trung Quốc cùng lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa lưu thông hằng ngày rất lớn. Tại các cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Lào Cai), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Hữu Nghị, Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn)... ước tính, trung bình mỗi ngày có khoảng từ một nghìn đến 10 nghìn lượt người; từ 100 đến 200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu nêu trên... Trong khi đó, tình trạng gia cầm nhập lậu mặc dù đã được hạn chế song vẫn chưa triệt để, do đó vi-rút cúm gia cầm có thể xâm nhập qua gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào nước ta và lây truyền sang người.

Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm ở nước ta tiếp tục gia tăng, trong khi việc bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ của người dân còn hạn chế, nhất là việc sử dụng gia cầm nhập lậu, ốm, chết vẫn còn xảy ra. Không chỉ vậy, dịch cúm gia cầm lây truyền sang người có thể bùng phát do chính đàn gia cầm bị lây truyền thông qua các đàn chim hoang dã, gây khó khăn trong việc kiểm soát lây lan sang các đàn gia cầm nuôi, cũng như thời gian qua, nước ta cũng đã ghi nhận sự lưu hành cúm A(H5N1), A(H5N6) trên đàn gia cầm.

Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, dịch cúm gia cầm A(H7N9) hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào nước ta, nhất là những địa phương giáp biên giới với Trung Quốc. Do vậy, để chủ động ngăn chặn cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống chủ động lây truyền sang người, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đối với dịch cúm gia cầm lên tình huống hai (coi như đã có ca bệnh) để có các biện pháp quyết liệt, phù hợp. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành có liên quan tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát lại phác đồ điều trị, thuốc, trang, thiết bị sẵn sàng thu dung, điều trị khi có ca bệnh. Phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, nhất là cơ quan thú y để chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra...

Không để bị động, tại một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, Lạng Sơn đã và đang tổ chức các cuộc diễn tập phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành buổi diễn tập liên ngành phòng, chống cúm A(H7N9) và cúm gia cầm độc lực cao lây sang người. Cuộc diễn tập nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và ngăn chặn không để dịch xâm nhập và bùng phát tại tỉnh Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung; củng cố kỹ năng điều tra, giám sát, xử lý tình huống xuất hiện trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm độc lực cao. Nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn sinh học, năng lực lấy mẫu bảo quản; đánh giá thực trạng, năng lực ứng phó dịch bệnh trên người và gia cầm, nhất là công tác phối hợp liên ngành trong công tác này. Đây cũng là dịp để các lực lượng chức năng thực hành những kỹ thuật, biện pháp để đối phó với dịch một cách tốt nhất; tuyên truyền cho người dân sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc, người dân cũng không nên hoang mang, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Bài và ảnh: THÁI SƠN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm