Từ trước đến nay, khi nói đến stress người ta thường quan niệm rằng nó chỉ xuất hiện ở những người trẻ, người bận rộn với công việc hoặc học hành. Thế nhưng, ngày nay stress đã xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó có người cao tuổi (nct).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến stress ở NCT nhưng nguyên nhân chính và trực tiếp là do lão hóa nhất là lão hóa của hệ thần kinh. Nó làm suy giảm trí nhớ và giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ. Từ đó làm cho sự lo âu tăng lên do cảm thấy người khác không hiểu mình, gây ra mất tự tin và ảnh hưởng đến sự linh hoạt, nhạy bén của tư duy.
Bên cạnh đó, do môi trường giao tiếp bị thu hẹp, NCT thường có cảm giác hụt hẫng do cảm thấy vô dụng, trở thành gánh nặng của gia đình, áp lực của cuộc sống ngày càng tăng làm cho người cao tuổi lúc nào cũng căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, ở NCT thường hay cho rằng bị lệ thuộc, làm phiền và nhất là thường hay nghĩ đến thời khắc rời bỏ cuộc sống.
Stress luôn là yếu tố tác động xấu đến sức khỏe con người nhưng nó có gây bệnh hay không còn phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng là tính chất gây bệnh của stress và sức chống đỡ của mỗi người.
Stress gây bệnh thường là những stress mạnh và cấp diễn như người thân chết đột ngột, tổn thất về kinh tế nặng nề và stress xảy ra có tính chất lặp đi lặp lại nhiều lần gây căng thẳng nội tâm thì cũng có khả năng gây bệnh.
Nếu bản thân người tiếp nhận nhận thức được tình huống stress không nguy hiểm và có thể chống đỡ được thì sẽ có một phản ứng thích hợp và không bị bệnh. Ngược lại, nếu nhận thức tình huống stress là nguy hiểm, là không thể chống đỡ được thì sẽ xuất hiện bệnh lý.
Xây dựng mối quan hệ thân thiết cho NCT
Làm sao để thích ứng và giải tỏa?
Để giúp NCT thích ứng và giải tỏa được stress, các thành viên trong gia đình cần chú ý đến tâm lý muốn được quan tâm của ông bà, cha mẹ mình cả về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi đến việc chăm sóc hỏi han, vì đây là liều thuốc vô giá về tinh thần đối với NCT.
Phòng tránh và hạn chế tác hại của stress ở NCT là việc làm thường xuyên của các thanh viên trong gia đình nhằm giúp NCT vượt qua mặc cảm, tự ti, bệnh tật để sống lâu cùng con cháu, với những biện pháp sau:
- Cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giảm kích thích xấu trong đời sống hàng ngày, tạo điều kiện để NCT được lao động cả trí óc và chân tay.
- Xây dựng mối quan hệ thân thiết cho NCT bằng việc tham gia các hoạt động nhóm hay giao lưu trò chuyện với hàng xóm.
- Cần làm theo những gì NCT mong muốn, đây là yếu tố kích thích, động viên tinh thần rất lớn giúp NCT không cảm thấy bị lệ thuộc, là gánh nặng.
- Tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân bằng các hoạt động thể chất nhưng cũng cần phải bảo vệ bản thân khỏi những chấn thương để cơ thể luôn nhanh nhẹn, hoạt bát để duy trì sự linh hoạt về thể chất của NCT và trong sinh hoạt hàng ngày như ăn uống cần phải thận trọng hơn, ngủ đủ giấc.
- Giám sát sức khỏe tinh thần vì trầm cảm có thể dẫn đến bệnh tim và ngược lại. Do vậy, cần chú ý tới biểu hiện của cả hai và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về sức khỏe.
- Tập thể dục dưỡng sinh là một phương pháp giúp NCT giải tỏa stress rất hiệu quả
- Thường xuyên trò chuyện, trao đổi và thể hiện lòng cảm kích, sự biết ơn đối với NCT.
- NCT cần thường xuyên thể hiện bản thân như học hỏi những điều mới mẻ và sáng tạo để tạo ra niềm vui và đem tới sự thanh thản cho tinh thần cũng như duy trì sức khỏe tổng quát.
BS. HỒ VĂN CƯNG
Theo suckhoedoisong.vn