Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO), số người trong độ tuổi từ 60 trở lên trên thế giới hiện nay là hơn 800 triệu người. Ước tính con số này sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người vào năm 2050. Phần lớn người cao tuổi sống ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ già hóa sẽ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực này. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự già hóa dân số.
Mặt khác, người cao tuổi đang đứng trước nhiều thách thức về sức khỏe thể chất và tâm thần. Tại Mỹ, từ giai đoạn đầu của thiên niên kỷ đến nay, có khoảng 20% số người từ 55 tuổi trở lên mắc ít nhất một rối loạn tâm thần. Nhiều người già đang bị mất đi khả năng sống một cách độc lập vì họ bị hạn chế về vận động, yếu về thể chất, nhiều người sống cô đơn, bị mất người thân, không ít người bị ngược đãi. Nghèo đói, sự cô lập xã hội, mất tự do... đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của họ.
Sự đoàn kết, mối liên kết lỏng lẻo giữa các thế hệ đang ngày càng giảm xuống đẩy người già vào nỗi cô đơn, buồn chán, khiến họ dễ bị các rối loạn tâm thần... Người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, xương khớp... làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần, ngược lại các rối loạn tâm thần lại khiến cho các bệnh mạn tính ở họ nặng lên, khó điều trị.
Trước thực trạng trên, WHO kêu gọi cộng đồng xã hội, các ban ngành, đoàn thể hãy quan tâm đến sức khỏe tâm thần người cao tuổi và chọn chủ đề này cho Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay.
BS. La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đọc diễn văn khai mạc Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới.
Các rối loạn tâm thần thường gặp ở người cao tuổi
Bệnh mất trí: Mất trí là một hội chứng bao gồm giảm sút trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân... Một báo cáo của WHO và Hiệp hội quốc tế về bệnh Alzheimer (ADI) năm 2012 ước tính có khoảng 4,7% người mắc bệnh mất trí ở nhóm người từ 60 tuổi trở lên, tương đương với khoảng 35,6 triệu người trên thế giới đang sống với bệnh mất trí. Tổng số người mắc bệnh mất trí được dự tính là gần gấp đôi cứ mỗi 20 năm, phần lớn sự gia tăng này nằm ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Trầm cảm: Các triệu chứng trầm cảm ở người cao tuổi khác với trầm cảm ở lứa tuổi sớm hơn. Họ có nhiều biểu hiện thực thể hơn. Điều này, đi kèm với tỷ lệ cao của các bệnh kết hợp, có thể gây khó khăn trong chẩn đoán.
Các rối loạn tâm thần khác: Lạm dụng chất thường được coi là vấn đề của giới trẻ, tuy nhiên cũng thường gặp ở người cao tuổi. Các vấn đề lạm dụng chất ở người cao tuổi thường bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm. Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như nghỉ hưu, hôn nhân tan vỡ hoặc người thân chết, cô lập xã hội, khó khăn về tài chính, các rối loạn tâm thần và một số bệnh thực thể mạn tính là các yếu tố chính góp phần dẫn đến lạm dụng chất. Các thay đổi tâm lý đi kèm với sự lão hóa và gia tăng sử dụng các loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc giảm đau, an thần có thể khiến cho việc uống rượu ở liều thấp cũng có hại đối với người cao tuổi vì làm tăng tổn thương gan và là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn, chấn thương.
Và khuyến cáo của WHO
Trước thực trạng trên, WHO đã đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi như:
Thúc đẩy phong cách sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư nói chung, bắt đầu từ nhóm trẻ tuổi với các chiến lược như tăng cường các hoạt động thể chất và tinh thần, phòng chống thuốc lá, phòng ngừa sử dụng rượu bia một cách có hại, phát hiện và điều trị sớm các bệnh không lây nhiễm có thể góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi.
Phát hiện và điều trị các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi càng sớm càng tốt. Quan trọng là cải thiện vốn xã hội và huy động sự tham gia của cộng đồng và gia đình trong việc hỗ trợ người cao tuổi. Cần hỗ trợ và lôi kéo các tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ và các nhóm đồng đẳng của người cao tuổi.
Đấu tranh chống lại sự ngược đãi người cao tuổi và "chủ nghĩa tuổi tác" bằng cách mời người cao tuổi tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội hàng ngày.
Rất nhiều người cao tuổi vẫn theo lối sống cũ làm giảm chất lượng sức khỏe tâm thần. Họ cần được khuyến khích và giáo dục để thực hiện hoạt động thể lực nhiều hơn, giữ các mối liên hệ xã hội, giữ cho não bộ tích cực, kiểm soát cân nặng, không hút thuốc, uống rượu, kiểm soát huyết áp, đường máu và nồng độ cholesterol. Hầu hết các yếu tố này là những can thiệp đáng tin cậy để cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi trên toàn thế giới.
Mai Hương
Theo suckhoedoisong.vn