Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang có những rạn nứt nội bộ, Tuyên bố Rome đã khẳng định cam kết giữ cho EU thống nhất.
Hình ảnh thể hiện sự chia rẽ trong EU. Ảnh: Telegraph.
Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trừ Anh, hôm qua (25/3) đã cùng tập trung tại thủ đô Rome của Italy để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome.
Đây là văn kiện mở đường cho sự ra đời của Liên minh châu Âu. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cùng ký “Tuyên bố Rome”, trong đó cam kết chung sức vì tương lai của châu Âu.
Tuyên bố Rome được xem là kết quả chủ yếu của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome diễn ra năm nay. Tuyên bố Rome được 27 nước thành viên Liên minh châu Âu ký kết đã khẳng định rõ quyết tâm ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Âu đối với hòa bình đoàn kết và thống nhất cho toàn châu Âu.
Tuyên bố cũng khẳng định sự thống nhất châu Âu có vai trò quan trọng nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho khối này và châu Âu chính là tương lai chung của các nước châu Âu.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh: “Tại sao đến ngày nay, chúng ta lại mất đi niềm tin về mục đích của sự thống nhất châu Âu? Có phải vì đến nay, vấn đề này đã và đang trở thành một vấn đề hiện hữu đối với chúng ta hay do chúng ta đã quá mệt mỏi với nó. Châu Âu với tư cách là một thực thể chính trị sẽ hoặc phải thống nhất với nhau hoặc sẽ không là gì cả.”
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng bày tỏ mong muốn về một liên minh an toàn, thịnh vượng, có sức cạnh tranh, bền vững và có trách nhiệm xã hội trong 10 năm tới, với ý chí và năng lực đóng vai trò then chốt trong thế giới toàn cầu cũng như trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa.
Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Đức Angela Merken nhấn mạnh: “Chúng ta đặt ra tầm nhìn hướng đến tương lai. Chúng ta muốn một châu Âu an toàn, một châu Âu được bảo vệ có nghĩa là một châu Âu có thể bảo vệ tốt hơn các đường biên giới bên ngoài chúng ta. Chúng ta đều muốn một châu Âu mạnh mẽ về mặt kinh tế có nghĩa là chúng ta có thể đối phó được với những thách thức của thời đại kỷ nguyên số. Dù hệ thống xã hội ở mỗi nước là khác nhau song chúng ta đều muốn sự bình đẳng cho cả hai giới và chúng ta đều muốn một châu Âu mạnh mẽ hơn.”
Liên quan đến đường hướng tương lai cho Liên minh châu Âu, Tuyên bố Rome kêu gọi các nước thành viên hành động cùng nhau với các tốc độ và cường độ khác nhau. Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng khẳng định Liên minh châu Âu sẽ để ngỏ cánh cửa cho những nước muốn gia nhập Liên minh châu Âu sau này.
Theo đánh giá của một số nhà phân tích, kết quả đạt được của Hội nghị thượng định Liên minh châu Âu lần này chỉ ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là do Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị kích hoạt tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May đã không có mặt tại sự kiện này vì cần chuẩn bị cho việc kích hoạt tiến trình Brexit vào ngày 29/3 tới.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã tỏ ý bi quan trước việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker phát biểu tại Hội nghị đã nói rằng, Lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome không có sự tham dự của Anh là một “thời khắc rất đáng buồn”. Theo ông Juncker, việc Anh rời Liên minh châu Âu là một “thảm kịch” cho cuộc gặp của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu ở Rome.
Bên cạnh đó, mặc dù trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu khẳng định sẽ tìm kiếm sự thống nhất và đoàn kết hơn nữa, song giới chức Liên minh châu Âu đã thừa nhận một thực tế là Liên minh châu Âu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, cả trong nội khối cũng như trên phạm vi toàn cầu, từ các cuộc xung đột khu vực, nạn khủng bố, sức ép người di cư, chủ nghĩa bảo hộ cho đến những bất bình đẳng kinh tế và xã hội.
Quan trọng nhất, Hội nghị vẫn chưa đề cập được đường hướng tương lai rõ ràng cho Liên minh châu Âu, chưa quyết định được kịch bản nào mà liên minh này nên theo đuổi trong số năm kịch bản được nêu trong Sách trắng Liên minh châu Âu công bố mới đây. Thậm chí Ba Lan ngay tới phút chót mới chấp nhận ký Tuyên bố Rome. Điều này cũng phần nào cho thấy sự bất đồng, rạn nứt trong Liên minh châu Âu vẫn đang hiện hữu do những lợi ích, quan điểm khác nhau của mỗi nước./.
Theo Hồng Nhung/VOV.VN