2 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt là Tháp Hòa Lai thuộc huyện Thuận Bắc và Tháp Po Klong Girai ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Tối 31/3, UBND Ninh Thuận đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng 2 di tích quốc gia đặc biệt nói trên và tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận (1/4/1992 -1/4/2017).
Ông Nguyễn Ngọc Thiện trao bằng di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Tháp Hòa Lai là một quần thể đền tháp vào loại lớn và cổ nhất của người Chăm được xây dựng vào cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX mang phong cách kiến trúc riêng, điển hình thành công nhất của thời kỳ này và hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Còn tháp Po Klong Girai là quần thể kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ XIII, là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Chăm Ninh Thuận, là không gian sinh hoạt quan trọng, linh thiêng của lễ hội Kate và nhiều lễ hội khác. Cho điến nay so với tất cả các công trình kiến trúc của người Chăm còn tồn tại thì tổng thể tháp Po Klong Girai là hoàn chỉnh và hoàn mỹ nhất.
Trải qua nhiều thế kỷ, trước sự khắc nghiệt của khí hậu, môi sinh nhiệt đới gió mùa và cả những năm tháng chiến tranh, di tích Tháp Hòa Lai và Tháp Po Klong Girai vẫn sừng sững như hiện thân của một nền văn minh rực rỡ với kỹ thuật xây dựng, kiến trúc độc đáo tuyệt vời của cộng đồng Chăm, trở thành một điểm tham quan không thể thiếu khi du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận.
Các diễn viên đồng bào Chăm hát mừng sự kiện trọng đại.
Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định số 2499 xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với tháp Hòa Lai và Tháp Po Klong Girai. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Girai cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Để phát huy các giá trị di tích có hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới cần chỉ đạo chính quyền các cấp nơi có di tích cùng các ban ngành cơ quan đoàn thể thực hiện một số công việc: “Tiếp tục nghiên cứu tổng thể các mặt giá trị của di tích để từng bước triển khai quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích; đầu tư chống xuống cấp, tu bổ tôn tạo di tích, huy động mọi nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di tích; ba là tích cực nghiên cứu và từng bước phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích….”./.
Theo Thúy Linh/VOV-TP.HCM