Hiện nay, cả nước có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề đang hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn làng nghề chưa có quy hoạch hợp lý, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trầm trọng, nhất là ô nhiễm nguồn nước thải.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia về "Môi trường làng nghề Việt Nam" do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thực hiện, hầu hết các làng nghề ở nước ta bị ÔNMT. Chất lượng môi trường tại các làng nghề gần như đều không đạt tiêu chuẩn, trong đó 95% ô nhiễm từ bụi; 85,9% ô nhiễm từ nhiệt và 59,6% ô nhiễm từ hóa chất. Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề trên cả nước cho thấy: 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm ở cả ba dạng nêu trên; 27% số làng nghề ô nhiễm vừa và 27% số làng nghề ô nhiễm nhẹ.
Ðáng lo ngại, ở Việt Nam hiện có rất ít làng nghề lương thực thực phẩm có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải chủ yếu được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung, hoặc ra sông gây hiện tượng đổi mầu nước sông, có mùi rất khó chịu. Nước thải sản xuất, cùng với nước thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi đổ ra ao, hồ, đồng ruộng và sông ngòi còn ảnh hưởng xấu tới sản lượng nuôi trồng thủy sản và hoa màu của người dân.
Theo bà Vũ Thị Mặc Dung (Trường đại học TN và MT Hà Nội): Ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề nông thôn Việt Nam, là do các hợp chất vô cơ độc hại như a-xít, muối, kim loại nặng… (thường thấy ở các làng nghề cơ khí, mạ, đúc, tẩy nhuộm). Ðây là những nguồn ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Nước thải của ngành dệt, nhuộm được xếp vào loại nguy hiểm nhất trong các loại nước thải, bởi không những gây tác động đến nước mặt mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho người dân sinh sống tại khu vực này. Ðiển hình như, tại làng nghề Vân Chàng (tỉnh Nam Ðịnh) hiện có 14 bể mạ, hằng ngày thải trực tiếp ra sông Vân Chàng từ 40 m3 đến 50 m3 nước thải chưa được xử lý, chứa nhiều chất thải nguy hiểm. Ðáng lo ngại, ÔNMT do nguồn nước thải tại các làng nghề là một trong những nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh cho người đang lao động và sinh sống tại khu vực này. Tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, như: các bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, phụ khoa, nhất là tỷ lệ mắc bệnh ung thư tương đối cao.
Phó Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở TN và MT tỉnh Bắc Ninh) Ðặng Văn Ðường cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 62 làng nghề và 27 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Làng nghề đã góp phần làm cho đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, hoạt động của các làng nghề với công nghệ sản xuất lạc hậu, tính chất hộ gia đình, không có các công trình, biện pháp xử lý chất thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại một số địa phương. Ðáng chú ý, lượng nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 50 nghìn m3/ngày/đêm, phần lớn không được xử lý mà chảy thẳng ra các lưu vực sông. Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc TN và MT tỉnh Bắc Ninh thực hiện năm 2016 cho thấy: Hàm lượng BOD5 của nước thải tại các cống thải thôn Tiền Ngoài (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) vượt quy chuẩn cho phép 51,3 lần; hàm lượng a-mô-ni cao hơn quy chuẩn cho phép 15 lần. Ðối với các vị trí cống thải tại làng nghề Ðại Lâm (xã Tam Ða, huyện Yên Phong), hàm lượng BOD5 vượt quy chuẩn cho phép 6,4 lần…
Nhằm từng bước khắc phục, xử lý triệt để ÔNMT, nhất là ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề ở tỉnh Bắc Ninh nói riêng và các làng nghề trên cả nước nói chung, trước hết, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, trong đó gắn trách nhiệm trực tiếp đối với người đứng đầu các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến cơ sở, nhất là tăng cường nhân lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở cấp huyện, xã, phường. Ðầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát tự động đối với môi trường nước mặt, không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguồn xả thải lớn và các điểm nhạy cảm trên các lưu vực sông. Không cấp phép đầu tư cho các loại hình, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tiến tới đình chỉ sản xuất, di dời địa điểm đối với các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng trong khu vực dân cư, với tiêu chí môi trường là trụ cột sống còn của sự phát triển bền vững…
Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đề nghị: Chính phủ, Bộ TN và MT, UBND các tỉnh, thành phố cần xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động xử lý nước thải tại làng nghề; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ xử lý nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ÔNMT nước đạt hiệu quả. Ðồng thời, ưu tiên cơ chế và tài chính cho nghiên cứu khoa học, công nghệ xử lý nguồn nước thải tại làng nghề (công nghệ xanh, công nghệ sạch, thân thiện môi trường) cho các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, trường học, các nhà máy và doanh nghiệp. Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động xử lý nước thải làng nghề; kịp thời khen thưởng, động viên, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình trong lĩnh vực này tại các làng nghề trên cả nước…
Theo KHÁNH HUY/nhandan.com.vn